Bộ Nội vụ vừa có tờ trình gửi Chính phủ về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong giai đoạn 2019-2020 và thành lập TP Thủ Đức, trực thuộc TP.HCM.
Theo đó, việc thành lập TP Thủ Đức được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ 49,79 km2 diện tích tự nhiên, 171.311 người của quận 2; toàn bộ 113,97 km2 diện tích tự nhiên, 310.107 người của quận 9 và toàn bộ 47,80 km2 diện tích tự nhiên, 532.377 người của quận Thủ Đức. Sau khi thành lập, TP Thủ Đức có 211,56 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số trên 1 triệu người.
Bản đồ TP Thủ Đức sau khi sáp nhập.
Trụ sở làm việc của TP Thủ Đức sẽ tạm thời sử dụng trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị hiện có trong hệ thống chính trị của ba quận (2, 9, Thủ Đức). Sau đó, TP.HCM sẽ sắp xếp lại.
Sau khi sắp xếp và thành lập, TP Thủ Đức sẽ gồm 34 phường: An Khánh, An Lợi Đông, An Phú, Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây, Cát Lái, Thảo Điền, Thủ Thiêm, Thạnh Mỹ Lợi, Hiệp Phú, Long Bình, Long Phước, Long Trường, Long Thạnh Mỹ, Phú Hữu, Phước Bình, Phước Long A, Phước Long B, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Tân Phú, Trường Thạnh, Bình Chiểu, Bình Thọ, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Linh Chiểu, Linh Đông, Linh Tây, Linh Trung, Linh Xuân, Tam Bình, Tam Phú, Trường Thọ.
Theo Bộ Nội vụ, sau khi sắp xếp, diện tích tự nhiên và quy mô dân số TP.HCM không thay đổi, chỉ thay đổi về cơ cấu, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, từ 24 quận/huyện sẽ giảm ba quận (2, 9, Thủ Đức) và tăng một thành phố (TP Thủ Đức). Số lượng đơn vị hành chính cấp xã sẽ giảm 10 phường sau khi thực hiện xong đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2019 - 2021.
Việc sáp nhập ba quận trên theo bộ nội vụ sẽ tác động tích cực đến kinh tế - xã hội. Chẳng hạn như giảm chi phí, ngân sách chi trả cho cán bộ, công chức và người lao động của một đơn vị hành chính; tập trung được nguồn lực đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, hạn chế tối đa tình trạng đầu tư dàn trải, kém chất lượng, giảm hiệu quả của ngân sách cho đầu tư.
Việc sáp nhập này cũng tạo nhiều cơ hội thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế của địa phương, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động hợp lý, đồng thời thu hút được sự quan tâm đầu tư trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, Bộ Nội vụ dự báo sau sáp nhập để lập TP Thủ Đức, sẽ có một số vấn đề bất cập mới nảy sinh cần phải quan tâm giải quyết như: Tình trạng gia tăng dân số, lao động, việc làm, chuyển dịch cơ cấu, thành phần dân cư; quản lý kiến trúc cảnh quan và môi trường đô thị…
Về định hướng phát triển, Bộ Nội vụ cho rằng TP Thủ Đức sau khi thành lập sẽ là nơi tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ sáng tạo và thử nghiệm, tạo ra các quy chế quản lý, vận hành thật sự linh hoạt để thúc đẩy, hỗ trợ phát triển các ngành công nghệ cao.
Việc này còn giúp thu hút và phát huy sự tham gia sáng tạo của cộng đồng để tạo ra nhiều chính sách hỗ trợ. Đồng thời xây dựng và bổ sung cơ sở dữ liệu về kinh doanh đổi mới sáng tạo và tạo được cơ hội kinh doanh cho những nhà khởi nghiệp trẻ.
Đặc biệt, mục tiêu của thành phố là tổng thu ngân sách Nhà nước tăng bình quân hàng năm từ 10% - 12%, thực hiện cân đối và điều hành tích cực chi ngân sách đảm bảo các nhu cầu chi thường xuyên và chi đầu tư.
“Đến năm 2025, giá trị sản xuất chung đạt tốc độ tăng bình quân 10% - 11%/năm (theo giá so sánh năm 2010). Trong đó, giá trị sản xuất ngành công nghiệp và xây dựng, tốc độ tăng trưởng bình quân là 8%; sản xuất ngành thương mại - dịch vụ, tốc độ tăng trưởng bình quân là 12%...”- tờ trình của Bộ Nội vụ cho hay.
Sắp xếp 399 cán bộ dôi dư Sau khi sắp xếp ba quận 2, 9 và Thủ Đức để thành TP Thủ Đức, tổng số cán bộ, công chức, viên chức của ba quận hiện có là 981 người, hợp đồng lao động là 149 người. Theo đó, sẽ bố trí ở TP Thủ Đức là 822 cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng dôi dư 399 người. “Số lượng dôi dư này sẽ được TP.HCM giải quyết theo lộ trình bảo đảm đúng quy định của pháp luật…” - Bộ Nội vụ khẳng định. |