Vắc xin BNT162b2 do Pfizer và BioNTech hợp tác phát triển - Ảnh: medpagetoday.com
Vắc xin ngừa COVID-19 BNT162b2 do Tập đoàn dược phẩm Pfizer ở New York (Mỹ) và Công ty công nghệ sinh học BioNTech ở Mainz (Đức) hợp tác phát triển.
Trong 10 thử nghiệm lâm sàng vắc xin ngừa COVID-19 ở giai đoạn 3 trên thế giới, liên danh Pfizer-BioNTech là đơn vị đầu tiên công bố kết quả thử nghiệm hôm 9-11 (giờ địa phương).
Theo công bố, vắc xin đạt hiệu quả 90%.
Chỉ mới là kết quả ban đầu, dữ liệu chưa công bố
Pfizer cho biết thử nghiệm giai đoạn 3 vắc xin BNT162b2 bắt đầu vào ngày 27-7 và đã tuyển 43.538 người tình nguyện.
Họ được chia thành hai nhóm: 38.955 người được tiêm vắc xin trong hai lần tiêm và nhóm còn lại được tiêm giả dược (placebo).
7 ngày sau khi tiêm liều thứ hai và 28 ngày sau khi tiêm liều đầu tiên, vắc xin đã có dấu hiệu ban đầu.
Kết quả phân tích tạm thời giai đoạn 3 cho thấy vắc xin đạt hiệu quả trên 90% khi so sánh giữa số người tham gia bị nhiễm COVID-19 trong nhóm được tiêm vắc xin và nhóm nhận giả dược.
Kết quả phân tích này được thực hiện sau khi đã có 94 người tham gia nhiễm COVID-19. Sau đó sẽ xác định có bao nhiêu người nhiễm được tiêm vắc xin hoặc giả dược.
Pfizer cho biết dữ liệu này chưa được tiết lộ vì Pfizer muốn tiếp tục thử nghiệm lâm sàng đến khi xác định có 164 ca dương tính với COVID-19. Ngoài ra, dữ liệu cũng chưa được công bố trên tạp chí khoa học nào.
Trong thông cáo báo chí, ông Albert Bourla - chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Pfizer tuyên bố đây là "kết quả đầu tiên từ thử nghiệm vắc xin COVID-19 giai đoạn 3 của chúng tôi" và là "bằng chứng ban đầu về khả năng ngừa COVID-19 của vắc xin".
Thử nghiệm tiêm vắc xin BNT162b2 cho người tình nguyện ở Baltimore - Ảnh: AP
Giới khoa học Pháp vẫn còn hoài nghi
Thật ra các nhà khoa học Pháp chưa vội mừng mà còn chờ bổ sung dữ liệu.
Trả lời báo 20 Minutes, GS Daniel Floret - phó chủ tịch Ủy ban Kỹ thuật về tiêm chủng (trực thuộc Cơ quan Cấp cao về y tế), nhận xét: "Chúng ta phải đợi thêm để có số liệu chính xác. Các hãng dược luôn nhiệt tình với sản phẩm của họ nhưng chúng ta không thể đơn giản dựa vào một thông cáo báo chí".
Theo ông, còn nhiều câu hỏi cần giải đáp như Pfizer nói vắc xin đạt hiệu quả 90% nhưng giải thích kết quả này thế nào? Vắc xin ngăn ngừa lây nhiễm hiệu quả không?
Thực tế là thử nghiệm cho thấy vắc xin tạo được phản ứng miễn dịch nhưng phản ứng miễn dịch và khả năng ngừa bệnh không giống nhau.
Ông giải thích thêm: "Dữ liệu cần chứng minh vắc xin an toàn như thế nào bởi nếu vắc xin hiệu quả, có chắc vắc xin an toàn và không có tác dụng phụ.
Chừng nào dữ liệu chưa được công bố và được các chuyên gia độc lập phân tích thì cần thận trọng. Kết quả thử nghiệm lâm sàng phải được gửi đến nhiều cơ quan quản lý dược phẩm khác nhau để phân tích".
GS Gilbert Deray - trưởng khoa thận bệnh viện Pitié-Salpêtrière ở Paris, cũng giữ thái độ thận trọng tương tự.
Ông ghi nhận còn một số câu hỏi như: Khả năng miễn dịch kéo dài bao lâu? Các tác dụng phụ là gì? Vắc xin có ngừa được các hình thức nhiễm COVID-19 nghiêm trọng không? Các bệnh nhân suy yếu có khả năng miễn dịch không?
Phòng thí nghiệm Công ty công nghệ sinh học BioNTech ở Đức - Ảnh: DPA
Khi nào có vắc xin đạt hiệu quả thực sự?
Công ty Pfizer tuyên bố trấn an rằng Ủy ban Giám sát dữ liệu (gồm các chuyên gia độc lập) chưa ghi nhận bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào về an toàn và đề nghị tiếp tục thu thập thêm dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả.
Pfizer nhấn mạnh: "Dữ liệu sẽ được thảo luận với các cơ quan quản lý trên toàn thế giới".
Dự kiến Pfizer và BioNTech tiếp tục phân tích tác dụng của vắc xin BNT162b2 trong hai tháng sau khi tiêm liều thứ hai và dữ liệu chứng minh sẽ sẵn sàng vào tuần thứ ba của tháng 11-2020.
Sau đó, nếu vắc xin có hiệu quả thực sự và Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép lưu hành khẩn cấp, quá trình sản xuất sẽ diễn ra nhanh chóng.
GS Daniel Floret giải thích vắc xin dựa trên vật liệu di truyền ARN như vắc xin BNT162b2 có thể sản xuất dễ dàng với số lượng rất lớn.
Ông lưu ý đối với nhiều nước đã đặt hàng, cần thảo luận ai được cung cấp vắc xin đầu tiên.
Dù vậy ông trấn an: "Thật ra sẽ có nhiều loại vắc xin chứ không phải một loại, có thể vào nửa cuối năm 2021. Nhưng chúng ta phải hiểu không thể tiêm chủng cho toàn thế giới trong vài tháng. Phải mất thời gian sản xuất nhiều tỉ liều…".
Pfizer và BioNTech tuyên bố đã có kế hoạch cung cấp 50 triệu liều năm 2020 và 1,3 tỉ liều năm 2021.
Liên minh châu Âu đã đạt thỏa thuận sơ bộ với Pfizer và BioNTech hồi tháng 9-2020 để đặt hàng 300 triệu liều vắc xin. Anh hy vọng mua được 10 triệu liều còn Mỹ đã ký hợp đồng với Pfizer cung cấp 100 triệu liều.
Pfizer đã chuẩn bị kho lạnh trữ vắc xin chờ phân phối ở Kalamazoo (bang Michigan) - Ảnh: PFIZER
TTO - Hãng dược Pfizer và đối tác BioNTech thông báo kết quả nghiên cứu vắc xin COVID-19 giai đoạn 3 của họ có hiệu quả hơn 90%, mang lại niềm hi vọng lớn cho cả thế giới trong cuộc chiến chống lại đại dịch đến nay đã lây nhiễm hơn 50 triệu người.
Xem thêm: mth.78441534101110202-hnim-gnuhc-ueil-ud-ohc-nen-09-auq-ueih-rezifp-auc-nix-cav/nv.ertiout