Theo nội quy tiếp công dân của TAND Tối cao vừa được ban hành, người tiếp công dân phải mặc trang phục của toà án, đeo thẻ công chức và có thái độ đúng mực, tôn trọng công dân.
Không tiếp công dân trong các trường hợp: Người trong tình trạng say do dùng chất kích thích, người mắc bệnh tâm thần; có hành vi đe doạ, xúc phạm cơ quan, người tiếp công dân; người khiếu nại, tố cáo về vụ việc đã giải quyết đúng chính sách, pháp luật, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, rà soát, thông báo bằng văn bản và đã được giải thích, hướng dẫn nhưng vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài.
TAND Tối cao nghiêm cấm cán bộ khi tiếp dân gây phiền hà, sách nhiễu hoặc cản trở người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; phân biệt đối xử khi tiếp công dân; làm mất hoặc làm sai lệch thông tin, tài liệu do người khiếu nại, tố cáo, phản ánh cung cấp…
Công dân đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị phải xuất trình giấy tờ tuỳ thân, không mang các vật dễ cháy nổ, vũ khí, hung khí vào nơi tiếp công dân; trình bày ngắn gọn, trung thực vụ việc và cung cấp thông tin, tài liệu liên quan.
“Không được tự ý sử dụng phương tiện ghi hình, ghi âm khi chưa được sự cho phép của người chủ trì tiếp công dân”- TAND Tối cao nêu rõ.
Trường hợp công dân đến nộp đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm lần đầu thì phải có đơn theo mẫu quy định, có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú hoặc gửi kèm theo chứng minh nhân dân hợp lệ, bản án hoặc quyết định có hiệu lực đề nghị xem xét lại và các tài liệu, chứng cứ chứng minh. Nếu công dân nộp đơn không phải của mình thì phải có giấy uỷ quyền kèm theo đơn.
“Không được can thiệp, dự, nghe việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của người khác. Trường hợp nhiều người (từ 2 người trở lên) cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày”- nội quy tiếp công dân của TAND Tối cao nêu rõ.
Thế Kha