Chia sẻ doanh thu và rủi ro: Liệu có cởi trói được cho các dự án PPP?
Lan Nhi
(TBKTSG Online) - Suốt 5 năm qua không có thêm dự án giao thông BOT (một hình thức của dự án đầu tư đối tác công tư PPP) nào được triển khai. Hai năm gần đây, hàng loạt dự án PPP khác trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đã phải xin Quốc hội cho phép chuyển sang hình thức đầu tư công. Luật PPP thì vẫn còn đang chờ nghị định hướng dẫn.
Các dự án BOT giao thông chuyển sang hình thức đầu tư công ngày càng nhiều. Ảnh: TL |
Cách đây hai ngày, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có văn bản nêu ý kiến về đề nghị của Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), trả lời về những bất cập trong thực tiến triển khai các dự án PPP.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài Chính, Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu ý kiến của VARSI để kịp thời xử lý, khắc phục các bất cập về việc đầu tư, khai thác các dự án theo phương thức PPP hiệu quả, hài hòa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Cách đây hơn hai tháng, VARSI đã gửi văn bản đến Chính phủ, kiến nghị về những bất cập trong việc thực hiện các cam kết của các cơ quan nhà nước và nhà đầu tư trong hợp đồng dự án. Theo quy định của pháp luật, các bên đều phải thực hiện nghiêm các cam kết đã ký trong hợp đồng dự án, nếu vi phạm sẽ bị chế tài.
Song, trong khi cơ quan nhà nước yêu cầu nhà đầu tư thực hiện nhiều cam kết, nếu không, sẽ bị xử lý vi phạm thì ở phía còn lại, cơ quan nhà nước trong các trường hợp không thực hiện đúng cam kết, làm ảnh hưởng đến dự án, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, ngân hàng thì không bị xử lý.
Đã có nhiều dự án Nhà nước cam kết bố trí vốn khoảng 30-40% vốn, như dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nhưng trên cho đến nay, Nhà nước mới chỉ giải ngân 1.351 tỉ trong số 17.000 tỉ đồng vốn cam kết, tức là chưa đầy 10%. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến phương án tài chính và hiệu quả dự án.
Hợp đồng các dự án BOT đã ký với lộ trình tăng phí cũng được xem như điều kiện để đi vay vốn ngân hàng. Song trong thực tế, ngoài các khoản đóng góp của Nhà nước theo hợp đồng không được giải ngân đúng tiến độ thì mức phí sử dụng đường bộ tại các dự án BOT cũng không được tăng phí theo lộ trình cam kết, làm ảnh hưởng lớn đến phương án tài chính của dự án.
Với những đặc điểm chung nhiều rắc rối của các dự án này như vậy, việc đầu tư vào các dự án BOT rơi vào tình trạng có quá nhiều rủi ro. Mặt khác, cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã kiến nghị trong các năm qua không được áp dụng tại các dự án đã và đang triển khai từ 2020 trở về trước.
Đến dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) mới đây do Bộ Tài chính soạn thảo nhằm hướng dẫn Luật đầu tư PPP (có hiệu lực từ đầu năm 2021), cơ chế chia sẻ doanh thu được thực hiện khi doanh thu có sự thay đổi (tăng hoặc giảm) được cơ quan Nhà nước xác định và nguyên nhân không xuất phát từ phía nhà đầu tư, như thay đổi quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan... thì nhà nước và nhà đầu tư cùng chia sẻ rủi ro này.
Theo đó, dự thảo quy định: khi doanh thu thực tế cao hơn 125% doanh thu trong phương án tài chính, doanh nghiệp dự án chia sẻ 50% số chênh lệch tăng vượt quá mức 125% này sau khi đã điều chỉnh mức giá dịch vụ (giảm) và điều chỉnh thời gian hợp đồng (giảm). Kiểm toán nhà nước sẽ kiểm toán phần tăng doanh thu. Khi doanh thu thực tế thấp hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính đã được phê duyệt thì Nhà nước chia sẻ 50% phần chênh lệch giữa mức 75% này.
Tuy nhiên, việc chia sẻ doanh thu chỉ được thực hiện với các quy định khó khăn kể trên và chỉ áp dụng đối với các dự án sẽ được ký hợp đồng từ 2021 trở đi. Điều đó đồng nghĩa với dự án cao tốc Bắc - Nam nào ký được hợp đồng trong năm nay cũng không được áp dụng cơ chế này.
Vấn đề 5 năm nay không ký được bất cứ dự án BOT hay PPP giao thông nào là do cơ chế “chỉ định thầu” của nhiều năm trước đã không còn nữa. Cộng với nhiều rủi ro pháp lý tại các dự án PPP, việc sử dụng các mệnh lệnh hành chính để can thiệp vào các dự án, giảm thời gian thu phí... dẫn đến dư nợ của các dự án tại ngân hàng tăng vọt và ngân hàng siết chặt tín dụng với các nhà đầu tư, nhất là các dự án “tay không bắt giặc”.
Việc các dự án PPP quay lại cơ chế đầu tư công ngày càng nhiều trong thời gian qua và cơ chế chia sẻ doanh thu tài chính mới cũng khó thực hiện do quy định ngặt nghèo, việc các dự án PPP giao thông khởi sắc trở lại còn rất xa.