Chiều 10/11, lãnh đạo Công an quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, đơn vị đã làm rõ vụ Cố ý làm hư hỏng tài sản xảy ra vào rạng sáng 8/11, tại địa bàn phường Dương Nội.
Tại cơ quan công an, Trần Đình Thắng (SN 1974, trú phường Đồng Mai, quận Hà Đông, là Đội trưởng - Công ty Bảo vệ Tây Hồ có trụ sở tại đường Hoàng Quốc Việt, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) hiện đang làm bảo vệ đảm bảo an ninh và trông giữ xe tại khu chung cư CT7 đã thừa nhận hành vi sai phạm của mình.
Thắng khai rằng, Thắng cùng Nguyễn Xuân Loan (SN 1955, ở tổ 7 phường Đồng Mai, quận Hà Đông) và Nguyễn Văn Tâm (SN 1964, ở xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) cũng là bảo vệ của công ty Bảo vệ Tây Hồ xịt sơn vào một số xe ô tô trong đêm mùng 7 và rạng sáng ngày 8/11, tại phường Dương Nội.
Nguyên nhân Thắng và các đối tượng trên làm vậy là do phát hiện trục đường bao phía sau chung cư có nhiều người dân đỗ xe qua đêm mà không gửi vào bãi xe của khu chung cư quản lý. Ngày 7/11, Thắng đưa 70 nghìn đồng cho Tâm và Loan đi mua 2 bình sơn màu đỏ. Sau đó, nhóm này đã sơn, xịt lên hàng loạt chiếc xe ô tô "cứng đầu" trên.
Về tình huống pháp lý trong vụ việc trên, luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nhận định, cơ quan chức năng sẽ chờ kết quả định giá thiệt hại tài sản để ra quyết định khởi tố vụ án.
"Khi xuất hiện dấu hiệu tội phạm, cơ quan chức năng sẽ điều tra làm rõ mục đích, động cơ của nhóm đối tượng, đồng thời căn cứ vào kết quả định giá thiệt hại với số ô tô bị sơn, xịt. Nếu thiệt hại được định giá trên 2 triệu đồng cơ quan chức năng sẽ khởi tố vụ án", vị luật sư cho hay.
Luật sư Cường còn nhận định, tổng thiệt hại với số ô tô bị nhóm đối tượng sơn, xịt là tương đối lớn. Riêng với chiếc xe đắt tiền thì chi phí sơn lại mỗi chiếc có thể lên tới hàng chục triệu đồng.
Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản như sau: Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc các tình tiết định khung tăng nặng thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm (khoản 1).
Phạm tội có tổ chức có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm (khoản 2).
Theo quy định tại khoản 3 điều luật trên, nếu phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.
Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm nếu gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.