vĐồng tin tức tài chính 365

Singapore dự định xây trung tâm dữ liệu nổi trên biển

2020-11-11 10:32

Singapore dự định xây trung tâm dữ liệu nổi trên biển

Lê Hiếu – Ricky Hồ

(TBKTSG Online) -  Khi thế giới bước vào cuộc đua chuyển đổi số sau mùa dịch Covid, nhu cầu về các trung tâm dữ liệu đang tăng nhanh và tập đoàn Keppel của Singapore muốn tạo ra thay đổi mới trên thị trường này. Họ lên kế hoạch xây dựng các trung tâm dữ liệu ở ngoài khơi Singapore.

Mô hình trung tâm dữ liệu nổi trên biển của Keppel

Công trường nổi trên biển

Các trung tâm dữ liệu là nơi tiêu thụ năng lượng rất khủng khiếp vì nhu cầu phải làm mát cho các hàng ngàn máy chủ. Nay, tập đoàn Keppel xem các cơ sở dữ liệu ngoài khơi này là giải pháp vừa tiết kiệm năng lượng, vừa loại bỏ các hạn chế địa lý của Singapore khi đảo quốc này luôn thiếu đất xây dựng. Hồi tháng 4, Keppel đã ký bản ghi nhớ với tập đoàn Toll của Úc để thực hiện nghiên cứu khả thi về một trung tâm dữ liệu nổi trên biển – không phải chìm dưới biển như ở gần vùng biển Bắc Cực.

Keppel là một trong những nhà xây dựng giàn khoan dầu ngoài khơi lớn nhất thế giới và có nhiều kinh nghiệm và bí quyết trong việc xây dựng các công trình nổi lớn. Trung tâm dữ liệu trên biển sẽ được xây dựng dựa trên một mô hình tương tự như một giàn khoan ngoài khơi và sử dụng nước biển để làm mát máy chủ, giúp cắt giảm nhu cầu năng lượng.

Theo hãng Nautilus Data Technologies đặt trụ sở tại Mỹ, các trung tâm dữ liệu ngoài khơi có thể cần ít hơn khoảng 30% năng lượng so với các trung tâm dữ liệu trong đất liền. Một nhà máy điện phát thải thấp cũng sẽ được xây dựng ngoài khơi nhằm phục vụ cho các trung tâm dữ liệu nổi.

Keppel đã công bố sẽ hợp tác với tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries của Nhật Bản hồi tháng 6 để bảo đảm nguồn cung năng lượng hydro, và với công ty con của Osaka Gas vào tháng 10 cho năng lượng khí tự nhiên hóa lỏng và hydro. Singapore là nơi đặt trung tâm dữ liệu của một số hãng công nghệ quốc tế như Facebook, nhờ vào các cơ sở hạ tầng viễn thông và pháp lý hiện đại. Hơn thế nữa, quốc gia này cũng hiếm khi bị thiên tai tấn công.

Chính phủ Singapore đang kêu gọi các hãng công nghệ thiết lập cơ sở hạ tầng tại nước này. Nhưng việc thiếu đất đai sẽ là một yếu tố hạn chế. Các trung tâm dữ liệu nổi trên biển được coi là có thể giải quyết vấn đề này. Keppel tin rằng mô hình này cũng sẽ thu hút các thành phố khan hiếm đất đai khác trên thế giới.

Tuy vậy, nhưng mô hình cơ sở hạ tầng ngoài khơi không phải là hoàn toàn mới. Google đã được cấp bằng sáng chế cho các trung tâm dữ liệu nổi vào năm 2009, mặc dù họ vẫn chưa chính thức xây dựng một trung tâm nào. Nautilus Data hiện cũng đang phát triển một thiết kế của riêng mình và Microsoft đang thử nghiệm một phiên bản dưới nước.

Khó khăn?

Các vấn đề tiềm ẩn đối với việc xây dựng các trung tâm dữ liệu trên biển bao gồm việc xin giấy phép thích hợp để xây dựng một cơ sở hạ tầng ngoài khơi, cũng như chi phí. Keppel đã có kế hoạch xây dựng các trung tâm dữ liệu của mình theo mô hình gồm các khối nhỏ, có thể được điều chỉnh thành các kích thước khác nhau theo nhu cầu.

Các động thái mở rộng quy mô này của công ty diễn ra trước sự gia tăng ​​về nhu cầu đối với trung tâm dữ liệu, được thúc đẩy bởi việc triển khai các mạng di động 5G cực nhanh và tăng tốc các nỗ lực kỹ số hóa trên toàn thế giới do đại dịch Covid-19.

Theo Cơ quan Nghiên cứu Cấu trúc có trụ sở tại Canada, thị trường toàn cầu cho các trung tâm dữ liệu, không bao gồm các trung tâm vận hành nội bộ, dự kiến ​​sẽ tăng trưởng trung bình 9,9% mỗi năm, từ năm 2018 đến năm 2024.
Keppel đã có lịch trình riêng cho hướng phát triển mới. Hồi tháng 1-2020, CEO Loh Chin Hua đã phát biểu rằng: “Kinh doanh trung tâm dữ liệu là một lĩnh vực tăng trưởng quan trọng cho Keppel”.

Bên trong một xưởng đóng tàu của Keppel. Từ một hãng đóng tàu, Keppel đang mở rộng sang các lĩnh vực xây dựng giàn khoan, bất động sản và viễn thông. Và nay, tập đoàn bước vào mảng xây dựng trung tâm dữ liệu. Ảnh: Reuters

Tầm nhìn 2030 – đầu tư cơ sở dữ liệu

Thành lập năm 1968, sau khi tiếp quản một nhà máy đóng tàu của Anh, Keppel bắt đầu hoạt động kinh doanh bằng việc sửa chữa các tàu chở dầu và tàu chở hàng cập cảng vào Singapore. Khi các đối thủ cạnh tranh ở Trung Quốc và các nơi khác bắt đầu trỗi dậy, tập đoàn Singapore này đã bắt đầu mở rộng sang các lĩnh vực mới như xây dựng giàn khoan, bất động sản và viễn thông.

Thêm vào đó, họ đã bắt đầu phát triển và xây dựng các trung tâm dữ liệu để quản lý các máy chủ khách hàng vào khoảng năm 2000, và hiện có 27 trung tâm, bao gồm cả những trung tâm đang được xây dựng, ở châu Á và châu Âu.

Dồn sức đầu tư vào các trung tâm dữ liệu là một phần của kế hoạch Vision 2030 được Keppel công bố vào đầu năm nay, bao gồm việc cải tổ mạnh mẽ các hoạt động của công ty để cung cấp “các giải pháp cho đô thị hóa bền vững”, tập trung vào điện gió và các nguồn năng lượng tái tạo khác.

Công ty đã có kế hoạch để thoái vốn các tài sản trị giá 3-5 tỉ đô la Singapore, tức 2,2-3,7 tỉ đô la Mỹ, bao gồm đất đai và tài sản “không có nguồn gốc”. Thay vào đó, họ sẽ đầu tư vào các khu vực có tiềm năng tăng trưởng. Keppel đã đặt mục tiêu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu dài hạn là 15%, so với mức 6,3% từ năm ngoái.

Công ty đang xem xét các lựa chọn bao gồm kêu bán mảng hàng hải và ngoài khơi của mình, bao gồm các giàn khoan. Các nhà quan sát thị trường đã gợi ý rằng các hoạt động kinh doanh của công ty có thể được bán cho nhà cạnh tranh đồng hương Sembcorp Marine.

Nhu cầu cho các giàn khoan đã giảm mạnh kể từ năm 2015 do giá dầu thô suy giảm, và xu hướng này hiện tại đã ngày càng trở nên trầm trọng hơn do đại dịch Covid-19. Keppel đã lỗ ròng 697 triệu đô la trong quí 2 vừa rồi. Đây là kết quả hàng quý tồi tệ nhất từ ​​trước đến nay, khiến giá cổ phiếu của hãng giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 11 năm vào tháng 9 vừa rồi. Hãng tàu biển của tập đoàn cũng đã thua lỗ vào quí kết thúc cuối tháng 9 rồi.

Năm ngoái, quỹ đầu Temasek Holdings của chính phú Singapore đã công bố kế hoạch tăng cổ phần của mình trong Keppel từ 20% lên 51%. Nhưng họ đã rút khỏi thỏa thuận này vào tháng 8 do lợi nhuận của Keppel đã suy giảm. CEO Loh đã nói rằng Keppel sẽ nổi lên và tăng trưởng trở lại từ sự suy giảm do Covid-19. Các trung tâm dữ liệu ngoài khơi sẽ là một phần quan trọng cho chiến lược trở lại của công ty.

Xem thêm: lmth.neib-nert-ion-ueil-ud-mat-gnurt-yax-hnid-ud-eropagnis/994013/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Singapore dự định xây trung tâm dữ liệu nổi trên biển”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools