vĐồng tin tức tài chính 365

Chống chuyển giá: áp dụng cho cả doanh nghiệp nội

2020-11-11 10:32

Chống chuyển giá: áp dụng cho cả doanh nghiệp nội

Hoàng Thắng

(TBKTSG Online) – Hoạt động quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết sẽ dựa trên nguyên tắc công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, theo lãnh đạo Tổng cục Thuế.

Coca-Cola Việt Nam từng báo cáo kết quả kinh doanh thua lỗ nhiều năm, dù liên tục ghi nhận tăng trưởng doanh thu.

Gian nan chống chuyển giá

Ông Đặng Ngọc Minh - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - cho biết, tinh thần của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết là không phân biệt giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong hoạt động chống chuyển giá.

Lý giải điều này, ông Minh cho rằng hoạt động chuyển giá giữa các doanh nghiệp trong nước đã xuất hiện do đặc thù chính sách ưu đãi thuế theo địa bàn, lĩnh vực. Theo đó, chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam có nhiều loại, mức độ và thời gian ưu đãi - được phân loại theo địa bàn lĩnh vực đầu tư của doanh nghiệp.

"Ngành thuế đã truy thu, truy hoàn, phạt hơn 525 tỉ đồng, giảm lỗ gần 9.043 tỉ đồng, giảm khấu trừ 4,74 tỉ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 4.191 tỉ đồng trong 10 tháng của năm 2020 - sau khi thanh, kiểm tra 263 doanh nghiệp có giao dịch liên kết", ông Đặng Ngọc Minh cho biết.

Vì vậy, doanh nghiệp được ưu đãi và doanh nghiệp không được ưu đãi sẽ được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp khác nhau.

Để giảm thiểu nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nội địa cũng thực hiện chuyển giá từ doanh nghiệp có thuế suất cao sang doanh nghiệp có thuế suất thấp hoặc không phải chịu thuế, theo ông Minh.

Bên cạnh đó, vị Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nhận định hiện tượng chuyển giá có thể xuất hiện giữa các doanh nghiệp trong cùng tập đoàn, tổng công ty do tính chất hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực và trên nhiều địa bàn.

“Ngành nghề, địa bàn nào đó có ưu đãi thuế thì hiện tượng chuyển giá sẽ diễn ra”, ông Minh chia sẻ tại buổi họp báo chiều 9-11.

Thậm chí, ông Minh cho rằng hoạt chuyển giá từ doanh nghiệp kinh doanh có lãi sang doanh nghiệp kinh doanh lỗ giữa các công ty thành viên trong cùng một tập đoàn, tổng công ty để giảm thiểu số thuế phải nộp khi không có sự chênh lệch về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cũng có khả năng xảy ra.

Trước đó, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam chia sẻ, việc đưa ra quá nhiều chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế như ưu đãi theo địa bàn, ngành nghề, lĩnh vực, quy mô vốn đầu tư, quy mô lao động đã khuyến khích doanh nghiệp cả nội địa lẫn nước ngoài chuyển giá từ nơi không được ưu đãi thuế vào nơi được ưu đãi thuế.

Cụ thể, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông của Việt Nam giảm từ 32% trước đây xuống còn 20% từ 1-1-2016. Nhưng nếu tính các quy định về ưu đãi thuế do các cơ quan quản lý Nhà nước và địa phương đưa ra với nhiều hình thức, cấp độ khác nhau thì mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn nhiều.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng từng thể hiện sự buông lỏng với các nhà đầu tư trên phương diện quản lý thuế - làm gia tăng động cơ không tuân thủ chính sách pháp luật thuế của họ.

Theo đánh giá của ông Tuấn, đây là những thách thức lớn với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam trong hoạt động chống chuyển giá do thị trường trong nước tồn tại nhiều khiếm khuyết như thông tin giao dịch không đầy đủ và chưa đáng tin cậy. Còn hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế chưa được thu thập đầy đủ và tổ chức khoa học.

Băn khoăn cách tính chi phí lãi vay

Nhằm khắc phục những hạn chế trên, ông Đặng Ngọc Minh cho biết hoạt động quản lý thuế thời gian tới sẽ dựa trên nguyên tắc bình đẳng, minh bạch, không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, theo tinh thần của Nghị định số 132.

Cụ thể, Nghị định này sẽ kế thừa toàn bộ quy định khống chế chi phí lãi vay là 30% của Nghị định số 68/2020. Ngoài ra, quy định tại Nghị định mới ban hành sẽ cho phép khống chế chi phí lãi vay sau khi đã trừ lãi tiền gửi, tiền vay theo Nghị định 68/2020 và những quy định còn phù hợp của Nghị định 20/2017 - bảo đảm vừa quản lý chặt hành vi lợi dụng giao dịch liên kết để gian lận thuế, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động

Ngoài ra, Nghị định mới sẽ đưa ra nhiều quy định phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tế tại Việt Nam nhằm ngăn chặn kịp thời hành vi chuyển giá.

PGS. TS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - cho rằng, so với Nghị định 20, Nghị định 132 đã có những sửa đổi quan trọng.

Thứ nhất, khi tính tỷ lệ tổng chi phí lãi vay/EBITDA để áp dụng mức trần lãi vay, Nghị định 132 sử dụng tổng chi phí lãi vay ròng – chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay.

"Nghị định số 132/2020 là bước tiến lớn của Bộ Tài chính trong nỗ lực phòng chống chuyển giá, chuyển lợi nhuận theo tinh thần của chương trình BEPS đang được nhiều quốc gia OECD đang thực hiện"- TS Phạm Thế An

Thứ hai, Nghị định này cho phép các doanh nghiệp có phần chi phí lãi vay vượt trần được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo, nhưng không quá năm năm. Trước đó, nếu tỷ lệ tổng chi phí lãi vay/EBITDA vượt quá mức trần quy định thì doanh nghiệp không được khấu trừ thuế.

“Điều này giúp cho các doanh nghiệp có giá trị vốn đầu tư lớn – được hình thành chủ yếu từ nợ vay vào một năm nào đó có thể phân bổ chi phí lãi vay cho những năm kế tiếp”, ông Thế Anh cho biết.

Một quy định tích cực của Nghị định số 132/2020 được vị chuyên gia này chỉ ra là yêu cầu các công ty đa quốc gia phải thực hiện báo cáo lợi nhuận liên quốc gia (The country - by - country report).

Tuy nhiên, TS Phạm Thế Anh cho rằng việc điều chỉnh mức trần của tổng chi phí lãi vay/EBITDA từ 20% lên 30% không hợp lý. Cụ thể, có chưa tới 5% số doanh nghiệp trong khu vực FDI có tỷ lệ tổng chi phí lãi vay/EBITDA lớn hơn 20% và hơn 3% số doanh nghiệp trong khu vực này có tỷ lệ tổng chi phí lãi vay/EBITDA lớn hơn 30% vào năm 2016 - giai đoạn trước khi Nghị định 20/2017 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết được ban hành.

“Nếu loại bỏ những doanh nghiệp không có giao dịch liên kết thì con số còn lại rất ít”, ông Thế Anh cho biết.

Ngoài ra, băn khoăn của các doanh nghiệp về chi phí lãi vay dùng để tính mức trần tổng chi phí lãi vay/EBITDA là chi phí lãi vay phát sinh giữa doanh nghiệp có giao dịch liên kết với bất kỳ bên nào (dù có giao dịch liên kết hay không), hay chỉ là chi phí lãi vay phát sinh từ các bên có quan hệ liên kết chưa được làm rõ trong Nghị định 132/2020. Vì vậy, các doanh nghiệp có thể sẽ cần sự giải thích, hướng dẫn trong thời gian tới.

Một điểm đáng chú ý của Nghị định số 132 là nhóm đối tượng không bị giới hạn chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đã được bổ sung, gồm: Khoản vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); Vay ưu đãi của Chính phủ thực hiện theo phương thức Chính phủ đi vay nước ngoài cho các doanh nghiệp vay lại; Khoản vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia như chương trình nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; Khoản vay đầu tư chương trình, dự án thực hiện chính sách phúc lợi xã hội của Nhà nước như nhà ở tái định cư, nhà ở công nhân, sinh viên, nhà ở xã hội và dự án phúc lợi công cộng khác.

 

Xem thêm: lmth.ion-peihgn-hnaod-ac-ohc-gnud-pa-aig-neyuhc-gnohc/505013/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Chống chuyển giá: áp dụng cho cả doanh nghiệp nội”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools