Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động nặng nề tới ngành hàng không và du lịch, việc cấp phép bay sẽ khiến các hãng chồng chất khó khăn do thị trường vốn đã bị thu hẹp 50%, giờ tiếp tục lại phải' chia miếng bánh' nhỏ cho hãng hàng không khác.
Vì vậy, các chuyên gia có kinh nghiệm về lĩnh vực hàng không bày tỏ: Cần cân nhắc thời điểm nào Vietravel Airlines được phép chính thức bay. Nếu không, cả doanh nghiệp, Nhà nước và người lao động sẽ phải chịu hậu quả.
Tiềm ẩn rủi ro!
Đánh giá về việc cấp phép cho Vietravel Airlines, TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Giao thông Vận tải cho rằng: "Việc cấp phép cho Vietravel Airlines tiềm ẩn nhiều rủi ro".
TS. Nguyễn Xuân Thủy phân tích, thời gian qua, chúng ta đã cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia thành lập hãng hàng không. Điều này phù hợp với chủ trương phát triển các thành phần kinh tế của Đảng và Nhà nước, đồng thời tạo môi trường cạnh tranh, đặc biệt là tận dụng vốn của khu vực kinh tế tư nhân cho phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Tuy nhiên, việc có thêm một hãng hàng không mới giai đoạn này là vấn đề rất hệ trọng, liên quan đến sự phát triển có hợp lý hay không, có hiệu quả hay không. "Do đó Bộ GTVT cần hết sức cân nhắc thời điểm nào Vietravel Airlines tham gia thị trường", TS. Nguyễn Xuân Thủy lo ngại.
Nhiều chuyên gia lo lắng rủi ro khi cấp phép cho Vietravel Airlines.
Theo TS. Nguyễn Xuân Thủy, để thành lập một hãng bay mới đòi hỏi sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ tài chính, nhân lực, công nghệ…
Đối chiếu với trường hợp của Vietravel, theo Bộ Tài chính, tại thời điểm 30.6.2020, một số chỉ tiêu về tình hình tài chính cần chú ý như: Tổng nợ phải trả là 1.578 tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, dài hạn là 942 tỷ đồng, chiếm 60% tổng nợ phải trả; hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 10,8 lần, hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn là 0,82 lần, lợi nhuận trước thuế âm 65 tỷ đồng….
"Vietravel vốn đang lỗ ở kinh doanh du lịch và với tình hình dịch này thì còn lỗ. Trong khi hàng không đòi hỏi đầu tư lớn, chậm thu hồi vốn, thua lỗ vài năm đầu là khó tránh khỏi. Vietravel Airlines chính thức bay trong năm nay hoặc sang năm sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro và không hợp lý", TS. Nguyễn Xuân Thủy nhận định.
Thực tế, đầu năm nay, Vingroup – một tập đoàn lớn, tiềm lực tài chính mạnh, vốn lên tới cả tỷ USD song đã quyết định rút khỏi mảng hàng không sau khi cân nhắc kỹ cho thấy, tham gia thị trường hàng không giai đoạn này, đặc biệt khi dịch Covid-19 vẫn chưa biết khi nào kết thúc, thực sự mang lại những rủi ro.
Với Vingroup còn như vậy, liệu Vietravel có thành công là câu hỏi rất đáng được quan tâm.
Hai là, hiện nay, hàng không quốc tế vẫn bị ngưng trệ, chúng ta cũng chưa nối lại đường bay quốc tế. Ngành du lịch chưa biết khi nào mới phục hồi, đặc biệt là du lịch quốc tế. Do đó, nếu cho phép mở hãng và bay vào lúc này là không nên.
Sẽ có lập luận rằng kinh doanh hàng không là ngành có điều kiện, nếu Vietravel đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định thì hoàn toàn có quyền thành lập hãng bay và phải chấp nhận "lời ăn lỗ chịu", Nhà nước không nên lo thay cho doanh nghiệp. Chưa kể, có thêm một hãng bay mới sẽ tăng tính cạnh tranh cho thị trường, người dân – khách hàng có lợi.
Tuy nhiên, cần nhớ rằng dù là tư nhân hay Nhà nước thì vốn bỏ ra đều là của cải của xã hội, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động. Do vậy, nếu tư nhân mở hãng bay mà bị lỗ thì cả doanh nghiệp, Nhà nước lẫn người lao động làm công ăn lương đều phải chịu hậu quả.
Do vậy, cần hết sức cân nhắc, bảo đảm việc lập hãng bay mới phải đủ điều kiện về năng lực tài chính, năng lực quản lý, năng lực nghề nghiệp. Cạnh tranh tự do không phải là tùy tiện mà phải bảo đảm để nền kinh tế phát triển, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động.
Tôi được biết trước đó, Thủ tướng đã đồng ý về nguyên tắc kiến nghị của Bộ GTVT về việc không thành lập thêm các hãng hàng không mới trước năm 2022 (do thị trường hàng không cần thời gian phục hồi vì dịch COVID-19).. Thủ tướng giao Bộ GTVT chịu trách nhiệm về các kiến nghị của mình trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành hàng không.
Câu hỏi cần đặt ra ở đây là trong bối cảnh các hãng đang thua lỗ nặng vì Covid 19, tại sao Chính phủ đã có chỉ đạo như vậy, với năng lực tài chính như thế, Vietravel vẫn có giấy phép và bay? Cơ quan quản lý nhà nước cần làm rõ các vấn đề này.
Trong bối cảnh hạ tầng hàng không đang bị áp lực việc cấp phép hãng bay mới tiềm ẩn nhiều hệ luỵ.
Trong khi đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính đặt câu hỏi: "Liệu có phải lập hãng bay rồi sang nhượng?
Trong bối cảnh các hãng hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, việc lập thêm hãng hàng không mới vào lúc này là không nên. Bởi lẽ, các đường bay quốc tế chưa được nối lại, đồng nghĩa du lịch chưa thể phục hồi.
Thứ hai, năng lực tài chính của Vietravel cho thấy có nhiều vấn đề. Trong khi đó, muốn đầu tư vào hàng không đòi hỏi năng lực tài chính của doanh nghiệp phải rất lớn, không thể chỉ sử dụng vốn vay hay phần lớn vốn vay.
Bài học kinh nghiệm cho thấy, nếu hãng hàng không chủ yếu dựa vào vốn vay sẽ có rất nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến hoạt động, an toàn của doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế vì vốn đầu tư cho hàng không rất lớn.
Thực tế, từ đầu năm nay, một số dự án hàng không trong nước đã dừng lại sau khi cân nhắc kỹ lưỡng. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa biết khi nào mới kết thúc, các nền kinh tế chưa thể phục hồi, doanh nghiệp nên tập trung vốn vào phát triển thị trường – những nơi mà doanh nghiệp đang có tiềm năng.
Hiện, ngay với các hãng hàng không như Vietnam Airlines, VietJet, Bamboo đang phải giải bài toán rất hóc búa về sự phát triển của mình do tác động của đại dịch Covid-19 mà một doanh nghiệp du lịch vẫn quyết lập hãng hàng không như Vietravel cho thấy có nhiều vấn đề rất đáng quan tâm.
Liệu có tình trạng doanh nghiệp cứ lập hãng bay rồi sau đó sang nhượng lại? Do vậy, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần xem xét thấu đáo.
Tất nhiên, việc lập hãng bay là quyền của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện thì cơ quan quản lý phải cấp phép theo đúng quy định.
Trong đó, doanh nghiệp phải chứng minh tài chính có bảo đảm để hãng bay hoạt động an toàn, ổn định. Tuy vậy, với thẩm quyền của mình, cơ quan quản lý cần đánh giá một cách toàn diện bởi hàng không còn liên quan đến an ninh, quốc phòng.
Đồng thời, cần cân nhắc trong cả bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Theo tôi, chưa nên tính đến việc lập hãng bay mới vào lúc này và càng không nên cho thêm một hãng tham gia thị trường không giai đoạn này.
Tương tự, TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đề nghị: "Phải làm rõ sự chuẩn bị của doanh nghiệp".
Việc Vietravel muốn thành lập hãng hàng không Vietravel Airlines đã kéo dài mấy năm nay. Khác với các hãng hàng không thành lập trước đó, Vietravel Airlines định hướng là hãng hàng không bay vận chuyển hành khách, hàng hoá và bưu kiện phục vụ, phát triển ngành du lịch và các nhu cầu đi lại khác của cộng đồng.
Về nguyên tắc, tôi ủng hộ đề án này vì đó là một dạng hãng hàng không đặc thù, đóng góp lớn cho ngành du lịch.
Do tác động của dịch Covid-19, các doanh nghiệp hàng không lẫn du lịch đều bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó có Vietravel. Bộ Tài chính cũng chỉ ra doanh nghiệp này còn nhiều vấn đề cần lưu ý về tình hình tài chính. Song, khi nào Vietravel Airlines được bay thì cần tính toán, cân nhắc thật kỹ.
Theo tôi, vấn đề quan trọng bây giờ không phải là có nên cấp phép cho Vietravel Airlines hay không, mà là khi nào thì bay? Muốn vậy, phải đánh giá xem Vietravel đã chuẩn bị cho việc thành lập hãng bay mới thế nào? Đã chín muồi chưa?
Doanh nghiệp cũng cần phải có báo cáo tài chính giải trình với cơ quan quản lý xem thời điểm đi vào hoạt động có bảo đảm điều kiện tài chính không? Trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến hàng không, du lịch vẫn chưa thể phục hồi, cần tính toán lại thời điểm hãng này được bay.
Cần xem xét thấu đáo khi cấp phép hãng hàng không mới.
Quốc hội, Chính phủ cần xem xét thấu đáo
Cũng đặt ra nhiều dấu hỏi trong việc cấp phép cho Vietravel Airlines, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không, Trường Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh cho rằng: "Trong khi Bộ Tài chính – cơ quan chuyên môn, có trách nhiệm quản lý nhà nước đặt ra một loạt vấn đề về năng lực tài chính của hãng hàng không Vietravel Airlines, mà Bộ Giao thông – Vận tải vẫn nhanh chóng cấp phép thành lập cho hãng này khiến tôi thực sự khó hiểu".
Với những người hiểu biết về tài chính, đầu tư sẽ thấy Bộ Tài chính đã rất hợp lý. Bởi lẽ, đại dịch Covid-19 khiến ngành du lịch và hàng không đều bị thiệt hại rất nặng nề, cần thời gian để hồi phục.
Đặc biệt, ngành du lịch và hàng không của nước ta lại phụ thuộc phần lớn vào lượng khách quốc tế. Doanh thu , với trên 50% , trong khi hiện các chuyến bay quốc tế vẫn đang bị ngưng trệ. Du lịch nội địa dù đã rục rịch trở lại song cũng không thể đạt con số tăng trưởng như năm 2019.
Các tổ chức quốc tế chỉ ra, sẽ phải mất 3 năm nữa, tức phải từ năm 2023, hàng không và du lịch may ra mới trở lại số liệu của năm 2019.
Thực tế, nhiều hãng hàng không trên thế giới đã bị phá sản. Trong nước, Vietnam Airlines và VietJet cũng đang gặp vô vàn khó khăn.
Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các hãng đang rất trông chờ sự phục hồi phần nào đó của đi lại trong nước để duy trì hoạt động, giảm bớt lỗ. Trong bối cảnh ấy, Vietravel vốn phụ thuộc cả vào du lịch và hàng không mà vẫn "sống chết" xin thành lập hãng bay thì rất lạ lùng.
Chưa kể, thông thường, hãng bay mới thành lập sẽ phải mất vài năm đầu chấp nhận thua lỗ để đầu tư, sau đó mới dần thu hồi vốn và có lãi nếu được chia thị phần. Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động nặng nề tới cả du lịch và hàng không, thời gian lỗ này sẽ kéo dài hơn trước.
Từ đó, dư luận hoàn toàn có quyền đặt nghi vấn động cơ thực sự của Vietravel là gì? Liệu họ có một tổ chức tài chính quốc tế nào đó "chống lưng", để sau đó tổ chức này sẽ được sang nhượng hãng bay và khai thác các chuyến bay trên bầu trời Việt Nam? Khi đó vấn đề an ninh quốc phòng liệu có được bảo đảm?
Đứng về mặt quản lý nhà nước, mặc dù Bộ Tài chính đã chỉ ra những vấn đề về năng lực tài chính của Vietravel song Bộ Giao thông – Vận tải vẫn cấp phép bay là một điều rất lạ lùng. Liệu Bộ Giao thông – Vận tải có đang phớt lờ ý kiến của Bộ Tài chính không? Lãnh đạo Bộ Giao thông – Vận tải có cam kết chắc chắn rằng quyết định mình đưa ra hoàn toàn trong sáng, trên cơ sở kế hoạch kinh doanh để khẳng định sau mấy năm nữa thì Vietravel Airlines sẽ có lãi không?
Trong bối cảnh hiện nay, khi các hãng hàng không đang phải chật vật để trụ vững, "miếng bánh" thị phần vốn đã eo hẹp do đi lại nội địa chưa thể khôi phục như năm 2019, đường bay quốc tế chưa được nối lại, việc có thêm một hãng bay mới rõ ràng càng khiến các hãng khó khăn hơn.
Điều này chẳng những không mang lại lợi ích cho chính các hãng hàng không mà còn cho cả nền kinh tế. Cơ quan quản lý là Bộ Giao thông – Vận tải có tính đến điều này? Nói cách khác, cần làm rõ động cơ ra quyết định của Bộ Giao thông - Vận tải là gì.
Hiện, với quyết định cấp phép của Bộ Giao thông – Vận tải cho hãng Vietravel Airlines đã đưa mọi sự vào "thế đã rồi". Do vậy, lúc này, cần sự vào cuộc của Thủ tướng Chính phủ bằng cách lùi thời gian cho phép bay, tốt nhất là để sau năm 2022 đối với hãng này.
Quốc hội cũng cần giám sát, thậm chí xem xét lại quyết định thành lập hãng bay mới trong bối cảnh hiện nay. Nếu quyết định đó không đủ cơ sở, thiếu hợp lý thì cần được bãi bỏ.
Thực tế, đã có nhiều trường hợp lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước ra quyết định sai, sau đó bị truy tố, xử lý hình sự. Do vậy, Quốc hội, Chính phủ cần xem xét thấu đáo để tránh tình trạng tương tự với quyết định thành lập hãng hàng không mới trong bối cảnh hiện nay.