- 3 dự án Luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo được Quốc hội thảo luận
- 10 ưu điểm nổi bật trong dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ
Trên cơ sở ý kiến thảo luận tại phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, ý kiến của các Ủy ban và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Chính phủ xin báo cáo về việc tiếp thu, giải trình một số nội dung lớn, nội dung còn nhiều ý kiến tham gia của dự án Luật như sau:
1. Về ý kiến đề nghị làm rõ sự cần thiết ban hành Luật
Về ý kiến này, Chính phủ báo cáo giải trình như sau:
Một là, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng tại Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 và Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/02/2019 của Ban Bí thư, xác định: Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là một nội dung của công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và đề ra một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là: Tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật về trật tự, an toàn giao thông phù hợp với tình hình mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông.
Hai là, xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là sự cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của con người và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, trật tự, an toàn giao thông.
Ba là, trên cơ sở tổng kết 10 năm thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cho thấy Luật có phạm vi điều chỉnh gồm cả hai lĩnh vực là bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý vận tải đường bộ. Tuy nhiên, trật tự, an toàn giao thông đường bộ thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật. Hai lĩnh vực này có mục tiêu chính và đối tượng điều chỉnh khác nhau (trật tự, an toàn giao thông bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông; xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an toàn kỹ thuật công trình giao thông). Luật chưa xác định cơ quan chịu trách nhiệm chính về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Bốn là, trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang diễn biến rất phức tạp, vi phạm phổ biến là ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đáng báo động; hơn 10 năm qua, tai nạn giao thông ở Việt Nam đã làm chết trên 100 nghìn người, làm bị thương trên 330 nghìn người, trong đó nhiều người bị thương tật suốt đời, để lại gánh nặng cho xã hội và cho mỗi gia đình. Nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc xuất phát từ nguyên nhân lái xe sử dụng chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn… Đường bộ là nơi diễn ra nhiều vấn đề phức tạp về hoạt động của tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, như: Trộm, cướp, gây rối trật tự công cộng, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu…
Năm là, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều quốc gia đã ban hành luật riêng về trật tự, an toàn giao thông, tách bạch với luật về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Việc Chính phủ quyết định trình Quốc hội dự án Luật này cùng với dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đã được thảo luận, cân nhắc, đánh giá khách quan, thận trọng xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn. Quá trình xây dựng Luật đã nhận được sự đồng thuận cao của các bộ, ngành, thành viên Chính phủ, đặc biệt là Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải đã thống nhất. Việc xây dựng 2 dự án Luật sẽ gắn trách nhiệm của các bộ, ngành đối với từng lĩnh vực cụ thể, trong đó ngành Công an chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
2. Về ý kiến làm rõ các lĩnh vực giao thông đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không có tách phần nội dung bảo đảm trật tự, an toàn thành luật khác không
Về ý kiến này, Chính phủ báo cáo giải trình như sau:
Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ đã giao các bộ, ngành nghiên cứu, đánh giá công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên cả 03 lĩnh vực là đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa. Trong 03 lĩnh vực này, trật tự, an toàn giao thông đường bộ có diễn biến phức tạp nhất và đang phát sinh nhiều bất cập, bức xúc nhất: Tai nạn giao thông đường bộ chiếm hơn 95% trong tổng số vụ, số người chết, số người bị thương của các lĩnh vực giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải, hàng không), để lại hậu quả rất lớn cho xã hội; vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ rất phổ biến, chiếm tỷ lệ trên 80% tổng số hành vi vi phạm của các lĩnh vực giao thông, với gần 60 triệu trường hợp bị phát hiện và xử lý. Bên cạnh đó, đường bộ là nơi diễn ra nhiều hoạt động phạm tội, các vấn đề về an ninh, trật tự và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Giao thông đường bộ liên quan, tác động trực tiếp đến quyền con người, liên quan đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội và hình ảnh của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Giao thông đường bộ chiếm tỷ lệ trên 90% trong tổng số các loại hình giao thông, số lượng người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là nhiều nhất so với các lĩnh vực giao thông khác như hàng không, hàng hải, đường sắt, đường thủy, vì đây là những lĩnh vực giao thông đặc thù có yêu cầu chuyên môn kỹ thuật rất cao. Đồng thời, đối với các lĩnh vực như hàng không, hàng hải phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế rất chặt chẽ, không chỉ là an toàn giao thông mà còn là vấn đề an ninh hàng không, an ninh hàng hải.
Vì vậy, Chính phủ đã giao các bộ, ngành có liên quan (Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ) nghiên cứu để xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đối với các lĩnh vực giao thông khác, căn cứ vào tổng kết đánh giá khoa học và yêu cầu của thực tiễn, Chính phủ sẽ báo cáo với Quốc hội để sửa đổi, bổ sung phù hợp.
Tham khảo kinh nghiệm xây dựng pháp luật của các quốc gia được biết một số quốc gia như Hàn Quốc, Liên bang Nga…có luật chung về an toàn giao thông để điều phối mối quan hệ, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong bảo đảm an toàn giao thông, không quy định về quy tắc giao thông, người, phương tiện tham gia giao thông; những vấn đề cụ thể này sẽ được điều chỉnh trong các luật chuyên biệt tùy theo tình hình thực tế về an toàn giao thông của mỗi quốc gia.
3. Về ý kiến bổ sung đánh giá tác động của việc chuyển nhiệm vụ quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấp phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an
Về ý kiến này, Chính phủ báo cáo giải trình như sau:
Chính phủ đã giao Bộ Công an có Báo cáo đánh giá tác động của việc chuyển giao nhiệm vụ quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an để báo cáo Quốc hội. Theo đó khi thực hiện việc chuyển giao nhiệm vụ này giữa hai Bộ, sẽ có những tác động cơ bản như sau:
a) Về biên chế, tổ chức bộ máy
Bộ Giao thông vận tải có tổng số 64 đơn vị trực tiếp làm quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe được phân thành 2 cấp, gồm: Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Vụ quản lý phương tiện và người lái) và 63 Sở Giao thông vận tải thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Phòng quản lý phương tiện và người lái). Bộ Giao thông vận tải đã cấp 1.655 thẻ sát hạch viên (số liệu do Tổng cục Đường bộ Việt Nam cung cấp), chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm, trong đó có 589 là giáo viên dạy lái xe tại các cơ sở đào tạo được cấp thẻ sát hạch viên phục vụ sát hạch kỹ năng lái xe trên đường giao thông công cộng (không hưởng lương, không trong biên chế nhà nước). Hiện tại Bộ Giao thông vận tải biên chế 650 cán bộ, công chức chuyên trách làm công tác quản lý đào tạo, tổ chức sát hạch, cấp, quản lý giấy phép lái xe (trong đó 600 cán bộ, công chức được cấp thẻ sát hạch viên) tại Vụ quản lý phương tiện và người lái thuộc Tổng cục Đường bộ và 63 Phòng quản lý phương tiện và người lái thuộc Sở Giao thông vận tải địa phương. Do đó, khi chuyển giao, ngành Giao thông vận tải chỉ phải bố trí sắp xếp lại 650 biên chế theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đảm bảo tiết kiệm nguồn nhân lực.
Đối với Bộ Công an được bố trí ở 4 cấp (bộ, tỉnh, huyện, xã) trong đó đã bố trí cán bộ làm công tác đăng ký và quản lý phương tiện theo 3 cấp (bộ, tỉnh, huyện) gồm 769 đầu mối, nên chỉ thêm nhiệm vụ, không tăng biên chế, đủ điều kiện tiếp nhận công tác chuyển giao từ 64 đầu mối của ngành Giao thông vận tải. Cán bộ, chiến sỹ làm công tác quản lý đảm bảo yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, đã có kinh nghiệm thực tế về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Sau khi Luật được thông qua, Chính phủ sẽ xem xét, quyết định về thời điểm, tiến độ chuyển giao; về cách thức, lộ trình, các bước chuyển giao… để bảo đảm mục tiêu, tính liên tục, thông suốt của quản lý, cũng như bảo đảm chế độ, chính sách phù hợp đối với cán bộ, công chức, viên chức và các vấn đề khác có liên quan.
b) Về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật
- Hệ thống cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe
Thực hiện Nghị định 65/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 và Nghị định 138/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ thì cơ sở đào tạo lái xe và trung tâm sát hạch lái xe được xác định là loại hình kinh doanh dịch vụ có điều kiện, cơ sở đào tạo lái xe ô tô là cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện chức năng đào tạo nghề lái xe ô tô. Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ được xây dựng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, cung cấp dịch vụ cho thuê sân sát hạch. Hiện nay tổng số cơ sở đào tạo lái xe trên toàn quốc là 340, Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ là 137.
Hệ thống cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe hiện nay cơ bản được xây dựng theo hình thức xã hội hóa, là một loại hình kinh doanh dịch vụ có điều kiện, cơ sở vật chất được đầu tư từ nguồn vốn của tổ chức, cá nhân, được tự chủ thu chi, nguồn nhân lực, do đó việc thay đổi cơ quan quản lý không ảnh hưởng đến các cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch lái xe đã được đầu tư xây dựng.
Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định tiếp tục thực hiện xã hội hóa theo Luật Đầu tư. Đối với đội ngũ giáo viên dạy lái đã được cấp giấy chứng nhận sẽ tiếp tục được tham gia công tác đào tạo lái xe nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện. Cơ sở vật chất kỹ thuật, phương tiện thuộc các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch sẽ tiếp tục được sử dụng.
- Hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ công tác quản lý giấy phép lái xe
Để phục vụ công tác quản lý, Bộ Công an đã đầu tư, triển khai và lắp đặt hệ thống hơn 700 điểm đăng ký quản lý phương tiện tại 63 địa phương, phân cấp quản lý thành 3 cấp từ Trung ương đến tỉnh, huyện; xây dựng phần mềm quản lý giấy phép lái xe và phần mềm in giấy phép lái xe trên chất liệu nhựa tại 63 Công an các địa phương để cấp và quản lý giấy phép lái xe trong Công an nhân dân. Định hướng khi chuyển giao nhiệm vụ, công tác quản lý giấy phép lái xe sẽ được phân cấp đến Công an cấp huyện, việc tiếp nhận hồ sơ đổi, cấp lại của người dân sẽ được thực hiện từ cấp xã; sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ triển khai cấp, đổi giấy phép lái xe trên cổng dịch vụ công, kết hợp tiếp nhận hồ sơ theo phương pháp thủ công dành cho người dân thuộc địa bàn vùng sâu vùng xa, địa bàn chưa phát triển về khoa học, công nghệ. Trên cơ sở tiếp nhận bàn giao hệ thống phần mềm quản lý, cơ sở dữ liệu về giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an sẽ nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, kết nối dữ liệu căn cước công dân, dữ liệu xử lý vi phạm và tai nạn giao thông phục vụ công tác quản lý. Sử dụng 700 điểm đăng ký quản lý phương tiện tại Công an cấp tỉnh và cấp huyện để thực hiện công tác tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi giấy phép lái xe.
c) Tác động đối với người dân
Việc chuyển giao cơ quan quản lý được xây dựng theo định hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. Người lái xe tiếp tục sử dụng giấy phép lái xe đã cấp cho đến khi hết thời hạn hoặc khi có nhu cầu đổi, cấp lại. Người dân được lựa chọn hình thức học, lựa chọn cơ sở đào tạo, giáo viên dạy lái, trung tâm sát hạch lái xe có chất lượng tốt, phù hợp với nhu cầu, điều kiện của cá nhân. Việc tích hợp dữ liệu quản lý căn cước công dân giúp giảm thiểu thủ tục hành chính, người dân sẽ không phải kê khai thông tin cá nhân mà cơ quan quản lý căn cứ vào dữ liệu căn cước công dân để thực hiện thủ tục cấp, đổi theo yêu cầu. Người dân có thể nộp hồ sơ cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe qua Công an xã, tương tự như nộp hồ sơ về căn cước công dân.
4. Về ý kiến tiếp tục rà soát kỹ dự thảo Luật để phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên
Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an tiếp thu ý kiến trên và đã rà soát các nội dung dự thảo Luật, qua rà soát thấy rằng các chính sách quy định trong dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, không trái Hiến pháp, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, phù hợp với Công ước Viên 1968 và tương thích với các điều ước quốc tế khác có liên quan.
5. Về ý kiến đề nghị rà soát, phân định về phạm vi điều chỉnh và các nội dung quy định trong dự thảo Luật này với dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), không để chồng chéo, trùng lặp
Về ý kiến này, Chính phủ báo cáo giải trình như sau:
a) Về phạm vi điều chỉnh
Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành (Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ...) tổng kết thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008, nghiên cứu, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm xây dựng pháp luật của nhiều quốc gia, tổ chức lấy ý kiến bằng văn bản, tổ chức nhiều cuộc họp ở nhiều cấp giữa các bộ, ngành liên quan và đã đạt được sự thống nhất cao về phạm vi điều chỉnh của 02 dự án Luật trước khi báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Chính phủ đã tổ chức các cuộc họp để thảo luận kỹ lưỡng, khách quan, khoa học về hai dự án Luật. Ngày 31/8/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 123/NQ-CP, trong đó thống nhất: Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định các nội dung: Quy tắc giao thông; đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe; đăng ký và cấp, thu hồi biển số xe cơ giới; tổ chức an toàn giao thông và chỉ huy, điều khiển giao thông; giải quyết ùn tắc, tai nạn giao thông; các biện pháp thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm về an toàn giao thông đường bộ. Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) quy định các nội dung: Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; vận tải đường bộ; quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông đường bộ; hệ thống báo hiệu đường bộ.
Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ Chính phủ trình Quốc hội phù hợp với phạm vi điều chỉnh của luật về an toàn giao thông của nhiều quốc gia có nền văn hóa tương đồng với Việt Nam (như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Campuchia…).
Như vậy, phạm vi điều chỉnh của 02 dự án luật đã được Chính phủ thống nhất và phân định rõ, thể hiện tính cần thiết, khoa học, khách quan, kỹ lưỡng, thận trọng trước khi báo cáo Quốc hội.
b) Về mối quan hệ giữa 02 dự thảo Luật
Hai dự thảo Luật này có quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó một bên điều chỉnh những nội dung “động”, một bên điều chỉnh những nội dung “tĩnh” về giao thông đường bộ. Có những quy định ở luật này là cơ sở, là căn cứ để áp dụng và triển khai thực hiện ở luật kia và ngược lại, như việc thiết kế đường xá, tổ chức hạ tầng giao thông phải căn cứ vào quy tắc giao thông và khi hoàn thành việc xây dựng đường xá, tổ chức giao thông, cắm biển báo, lắp đèn tín hiệu giao thông thì người tham gia giao thông phải chấp hành theo chỉ dẫn của hệ thống này.
Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ủy ban và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho ý kiến, Chính phủ đã giao Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải tiếp tục rà soát, chỉnh lý nội dung còn có sự giao thoa giữa 02 dự thảo luật, bảo đảm không còn chồng chéo, trùng lắp.
6. Về ý kiến cân nhắc các quy định về điểm của giấy phép lái xe, đấu giá biển số xe, cần rà soát đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật và đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Chính phủ tiếp thu và báo cáo như sau:
a) Về quy định điểm của giấy phép lái xe
- Chính phủ đã thảo luận kỹ lưỡng và thống nhất đề xuất quy định trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe là biện pháp quản lý hành chính nhà nước (không phải hình thức xử phạt vi phạm hành chính), nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình hiện nay, tiếp thu kinh nghiệm quản lý an toàn giao thông của các nước tiên tiến trên thế giới để quản lý, giám sát quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe, từ đó sẽ tác động đến hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
- Việc quy định trừ điểm và phục hồi điểm giấy ghép lái xe thời gian qua được dư luận quan tâm và cho rằng đây là một biện pháp quản lý nhà nước cần thiết và hữu hiệu trong tình hình hiện nay; đồng thời quy định trong 12 tháng người lái xe không bị trừ hết điểm sẽ được phục hồi điểm nhằm khuyến khích người lái xe nâng cao và có ý thức hơn trong việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
- Năm 2003 Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2003/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đã quy định áp dụng biện pháp quản lý hành chính nhà nước: “Đánh dấu số lần vi phạm trên giấy phép lái xe”.
- Nghiên cứu tiếp thu kinh nghiệm các nước tiên tiến trên thế giới như: Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Mỹ, Trung Quốc, Campuchia... đều có quy định trừ điểm giấy phép lái xe đối với người lái xe khi có các hành vi vi phạm pháp luật an toàn giao thông.
- Để triển khai quy định này, theo dự thảo Luật, Chính phủ sẽ ban hành nghị định quy định cụ thể thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục thực hiện. Tinh thần là việc trừ điểm được thực hiện khi có quyết định xử phạt vi phạm hành chính (đối với hành vi vi phạm có quy định trừ điểm); thủ tục trừ điểm, phục hồi điểm, thu hồi giấy phép lái xe đơn giản, hợp lý, tránh phiền hà cho người vi phạm, theo hướng ứng công nghệ thông tin, số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu về sát hạch, cấp giấy phép lái xe; hệ thống cơ sở dữ liệu về xử phạt vi phạm hành chính, hệ thống tự động trừ điểm (không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa người có thẩm quyền xử phạt và người vi phạm) nên sẽ không phát sinh tiêu cực; không trùng chéo với các hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời, khi sửa Nghị định số 100/2019/NĐ-CP sẽ quy định áp dụng nhiều hơn hình thức trừ điểm giấy phép lái xe đối với các hành vi vi phạm, giảm số lượng các hành vi bị áp dụng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (chỉ những hành vi nào có tính chất, mức độ nguy hiểm, có nguy cơ cao dẫn đến mất an toàn giao thông cần thiết phải tước thì mới quy định tước), quy định này bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, có tính tiến bộ, nhân văn và có tác dụng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật đối với người tham gia giao thông.
b) Về đấu giá biển số xe
- Căn cứ pháp lý và thực tiễn quy định đấu giá biển số xe
+ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 quy định: Kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước là tài sản công; Nghị định 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định kho số quản lý phương tiện giao thông vận tải là kho số phục vụ quản lý nhà nước. Như vậy, kho số của biển số xe do Bộ Công an đang quản lý để đăng ký, cấp biển số xe là tài sản công.
+ Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định tài sản bán phải thông qua đấu giá, trong đó có tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
+ Những năm gần đây nền kinh tế nước ta phát triển mạnh mẽ, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao, người dân ngày càng có nhu cầu lựa chọn biển số xe cơ giới theo sở thích để đáp ứng tư tưởng trong sinh hoạt, ngày 10/3/2017, Văn phòng Chính phủ có thông báo số 127/TB-VPCP thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp xem xét, xây dựng Đề án đấu giá biển số xe ô tô.
Căn cứ cơ sở pháp lý và thực tiễn nêu trên thì việc quy định hình thức cấp biển số xe cơ giới thống qua đấu giá là phù hợp, đồng bộ với quy định của pháp luật hiện hành.
- Trước đó, xuất phát từ nhu cầu của người dân, Bộ Công an đã hai lần phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép đấu giá và thu lệ phí cấp biển số xe tự chọn: Năm 1993, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an thành phố Hải Phòng nghiên cứu và tổ chức thí điểm đăng ký, cấp biển số, thu lệ phí biển số xe tự chọn; năm 2008, Công an một số địa phương như: Bình Dương, Nghệ An, Hà Nội, Khánh Hòa, Kiên Giang, Tiền Giang, Bắc Ninh, Sơn La đã báo cáo, xin ý kiến Bộ Công an về việc đấu giá biển số xe, sau khi trao đổi thống nhất với các Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép đấu giá biển số xe. Qua hai lần tiến hành thí điểm việc đấu giá biển số xe và cấp biển số xe theo sở thích nhưng phải tạm dừng lại do còn vướng về cơ sở pháp lý.
- Về tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Bộ Công an đã thành lập nhiều đoàn công tác để nghiên cứu, tìm hiểu tại một số nước như Mỹ, Nga, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Myanmar, Hàn Quốc, Trung Quốc… cho thấy một số nước có thực hiện cấp biển số xe bằng hình thức cho người dân tự chọn trong danh sách các biển số xe theo sở thích đã được liệt kê và phải trả một khoản phí cao hơn lệ phí đã quy định hoặc tổ chức đấu giá. Cơ quan có thẩm quyền đăng ký, cấp biển số xe là cơ quan tổ chức thực hiện đấu giá biển số xe thông qua hệ thống phần mềm quản lý biển số xe và bán đấu giá trên mạng internet.
- Về tổ chức thực hiện, việc đấu giá biển số xe sẽ được thực hiện theo quy định của Luật Đấu giá tài sản để cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và tránh tiêu cực trong quá trình đấu giá. Chính phủ sẽ quy định đấu giá biển số được thực hiện thông qua các công ty đấu giá chuyên nghiệp hoạt động độc lập theo quy định tại Luật Đấu giá tài sản. Biển số xe sau đấu giá có đầy đủ thuộc tính về quyền tài sản theo quy định của pháp luật.
Trên đây là báo cáo về việc tiếp thu, giải trình một số nội dung lớn, nội dung còn nhiều ý kiến tham gia của dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Chính phủ xin báo cáo Quốc hội.