Thử nghiệm khâu vào lọ vắc xin AZD1222 (Đại học Oxford hợp tác với AstraZeneca) tại nhà máy ở Ý của Tập đoàn đa quốc gia Catalent (Mỹ) - Ảnh: AFP
Còn bao nhiêu dự án vắc xin?
Theo thông báo cập nhật mới nhất ngày 3-11 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu giữa tháng 6-2020 chỉ có 11 ứng viên vắc xin ngừa COVID-19 được thử nghiệm lâm sàng thì con số này hiện thời đã tăng lên 47 vắc xin.
Trong số này có 10 dự án vắc xin đang thử nghiệm ở giai đoạn 3 (giai đoạn cuối thử nghiệm trên hàng chục ngàn người tình nguyện) và 37 dự án ở giai đoạn 1 (đánh giá mức độ an toàn) và giai đoạn 2 (tìm hiểu hiệu quả).
10 dự án vắc xin trong giai đoạn 3 được chia làm bốn loại:
* 4 vắc xin theo công nghệ vector virus (sử dụng một loại virus khác đã biến đổi làm vật chủ) gồm vắc xin của Viện nghiên cứu Gamaleya (Nga), vắc xin của Janssen Pharmaceutical Companies (Bỉ), vắc xin của Đại học Oxford hợp tác với AstraZeneca (Anh), vắc xin của Viện Công nghệ sinh học Bắc Kinh và phòng thí nghiệm CanSino (Trung Quốc).
* 3 dự án nghiên cứu vắc xin bất hoạt (virus được làm mất khả năng lây nhiễm) gồm các vắc xin của các phòng thí nghiệm Sinopharm và Sinovac (Trung Quốc).
* 2 dự án dựa trên vật liệu di truyền ARN gồm vắc xin của Pfizer (Mỹ) hợp tác với BioNTech (Đức) cùng với vắc xin của Moderna (Mỹ). Đây là công nghệ mới nhằm cung cấp cho cơ thể thông tin di truyền cần thiết để kích hoạt cơ chế chống lại virus.
* 1 dự án nghiên cứu vắc xin dưới đơn vị của Công ty công nghệ sinh học Novavax (Mỹ). Vắc xin dưới đơn vị chỉ sử dụng bản sao protein của virus để kích hoạt phản ứng miễn dịch mà không cần dùng chính virus đó.
Người tình nguyện được tiêm vắc xin thử nghiệm của Viện nghiên cứu Gamaleya (Nga) - Ảnh: themoscowtimes.com
Các thử nghiệm đạt kết quả đến đâu?
Ngày 9-11 (giờ địa phương), liên minh Pfizer và BioNTech (Mỹ và Đức) là đơn vị đầu tiên công bố kết quả thử nghiệm ban đầu cho thấy vắc xin ngừa COVID-19 đạt hiệu quả ngăn ngừa 90%. Tuy nhiên họ vẫn chưa công bố dữ liệu thử nghiệm.
Đến nay chỉ có các kết quả thử nghiệm ở giai đoạn 1 và/hoặc giai đoạn 2 được công bố trên các tạp chí khoa học.
Ví dụ nghiên cứu vắc xin của Sinopharm đã đăng trên tạp chí The Lancet Infectious Diseases hoặc các nghiên cứu vắc xin của Nga, Đại học Oxford, CanSino và Moderna.
Ngày 10-11, Brazil thông báo dừng thử nghiệm lâm sàng đối với vắc xin CoronaVac do phòng thí nghiệm Sinovac Biotech (Trung Quốc) sản xuất sau khi một người tình nguyện gặp sự cố nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong.
Trong khi đó, Sinovac Biotech ra thông báo "tự tin vào mức độ an toàn của vắc xin" và sự cố ở Brazil không liên quan đến vắc xin.
Đánh giá chung kết quả thử nghiệm trên thế giới đều đáng khích lệ, chứng tỏ vắc xin ngừa COVID-19 không gây tác dụng phụ nghiêm trọng và đã tạo được phản ứng miễn dịch tốt.
Khi nào có thể có vắc xin?
Các nhà nghiên cứu ước tính phải mất 18 tháng nữa mới có sẵn vắc xin để tiêm phòng đại trà.
Trao đổi với hãng tin AFP, GS miễn dịch học Alain Fischer tại Bệnh viện Necker ở Paris (Pháp) ghi nhận thông báo hôm 9-11 của Pfizer và BioNTech mang lại hy vọng nhưng vẫn còn quá sớm để khẳng định sẽ có vắc xin ngừa COVID-19 thực sự hiệu quả.
Ông kết luận: "Phải chờ thử nghiệm giai đoạn 3 kết thúc chứ chúng ta không nên dựa vào kết quả trung gian cũng như các vấn đề về tính an toàn và hiệu quả".
Báo Le Monde (Pháp) ghi nhận đây là ý kiến đáng suy nghĩ vì vẫn còn nhiều bí mật về cơ chế miễn dịch mà giới khoa học vẫn chưa hiểu rõ trong lúc đã xảy ra một số trường hợp tái nhiễm COVID-19.
TTO - Đến nay toàn cầu đã ghi nhận hơn 50 triệu ca mắc COVID-19, trong bối cảnh virus corona đang lây nhanh hơn và xa hơn. Trong khi đó vắc xin khả dụng có thể dùng đại trà chưa thấy đâu.