Ngành nông nghiệp hỗ trợ người dân Quảng Bình khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất sau lũ lụt.
Trong tháng 10.2020, Quảng Bình là một trong những tỉnh miền Trung phải chịu ảnh hưởng của thiên tai "lũ chồng lũ". Đặc biệt, đợt mưa lũ lịch sử từ ngày 16-21.10 với cường độ lớn, nhất là địa bàn huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, các địa phương lưu vực sông Gianh, sông Son đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và hoạt động sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp.
Theo thống kê, để khôi phục sản xuất nông nghiệp sau lũ lụt, các tỉnh miền Trung đang cần hỗ trợ 5.600 tấn giống lúa, 225 tấn giống ngô, 44,2 tấn hạt rau giống; cùng với đó là 560.000 liều vắc xin, 140.000 lít và 105 tấn hóa chất khử trùng.
Để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả lũ lụt, tái sản xuất, ổn định cuộc sống, Bộ NNPTNT đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy, khôi phục sản xuất nông nghiệp, tạo sinh kế cho đồng bào miền Trung sớm ổn định cuộc sống.
Ngày 11.11.2020, Đoàn công tác của Bộ NNPTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn cùng các cơ quan chuyên môn của bộ đến tỉnh Quảng Bình kiểm tra, chỉ đạo và hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông nghiệp.
Ông Mai Văn Minh – Giám đốc sở NNPTNT tỉnh Quảng Bình, cho biết: Mặc dù cấp ủy, chính quyền các cấp đã có sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, sát sao, nhưng do mưa quá lớn, nước lên rất nhanh, vượt quá năng lực ứng phó của thiết chế hạ tầng, hệ thống phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nên tính mạng, tài sản, nhà cửa của người dân, công trình hạ tầng của nhà nước vẫn bị thiệt hại, tổn thất hết sức nặng nề, sản xuất bị đình trệ, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, hệ thống thiết chế hạ tầng phá hủy cần nhiều thời gian và nguồn lực để khôi phục.
“Mưa lũ làm 183 thôn, bản/33 xã; nhiều tuyến giao thông bị chia cắt (75 vị trí tắc đường); 107 điểm có nguy cơ sạt lở đất; tài sản của nhân dân hầu hết bị hư hỏng, cuốn trôi; mưa lũ đã làm 25 người bị chết, 197 người bị thương; 106.220 hộ bị ngập, nặng nhất là huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh...
Ước tính tổng giá trị thiệt hại sơ bộ toàn tỉnh do 2 đợt mưa lũ 3.511,6 tỉ đồng, trong đó lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, thủy lợi 1.780,713 tỉ đồng” – ông Mai Văn Minh cho biết.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị, trước mắt, chăn nuôi gia cầm cần được chú trọng khôi phục trong thời gian tới, vì có chu kỳ sản xuất ngắn. Theo tính toán, từ nay đến Tết Nguyên Đán sẽ có sản phẩm, nhờ đó sẽ giúp bà con có thêm thu nhập và tạo sinh kế cho những chu kỳ sau.
Tuy nhiên, để đẩy mạnh việc chăn nuôi sau lũ lụt, các địa phương phải thực hiện tốt công tác khử trùng, tiêu độc, đảm bảo môi trường an toàn, sạch bệnh…
Xem thêm: odl.875358-tul-ul-uas-peihgn-gnon-taux-nas-hnid-no-hnib-gnauq-nad-gnon-ort-oh/et-hnik/nv.gnodoal