Theo thống kê, riêng chương trình kích cầu đầu tư và cho vay phát triển công nghiệp hỗ trợ, TP đã hỗ trợ 725 dự án với số vốn cho vay hỗ trợ là 4.618 tỉ đồng, thu hút được thêm 53.699 tỉ đồng. Như vậy, bình quân 1 đồng ngân sách bỏ ra đã thu hút được khoảng 12 đồng từ xã hội.
Doanh nghiệp đầu tư số hóa muốn được vay ưu đãi
Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế tạo máy dược phẩm Tiến Tuấn, cho biết công ty là một trong những doanh nghiệp (DN) khoa học - công nghệ tham gia chương trình vay vốn kích cầu đầu tư của TP HCM với tổng vốn được vay ưu đãi gần 100 tỉ đồng. "Mức lãi suất vay vốn thương mại ở Việt Nam, đặc biệt cho các dự án trung và dài hạn tương đối cao, khoảng 8,5%-11%/năm tùy ngân hàng và tùy giai đoạn. Nhờ chương trình kích cầu đầu tư, DN được hỗ trợ lãi suất và chỉ còn phải trả lãi suất 1,5%-2%/năm, đưa về mức lãi suất chung của khu vực, đặc biệt là bình đẳng với các DN FDI đang hoạt động tại Việt Nam" - ông Vũ Anh Tuấn nêu so sánh để chứng minh chương trình kích cầu đầu tư của TP HCM đã là nguồn động viên giúp DN mạnh dạn đầu tư đổi mới, phát triển.
Ngoài lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, sản xuất sản phẩm chủ lực của TP HCM cũng sẽ được xem xét tham gia chương trình vay vốn kích cầu đầu tư của TP
Cũng theo Tổng Giám đốc Công ty Tiến Tuấn, chính sách đồng hành với DN này của TP cần được mở rộng hơn nữa. Thực tế hiện nay, không ít DN triển khai các dự án đầu tư số hóa DN, nhất là dự án lĩnh vực phần mềm đang gặp khó khăn về vốn vay vì các dự án này không nằm trong đối tượng được ưu đãi vay của ngân hàng. Vì vậy, ông Vũ Anh Tuấn mong chương trình kích cầu đầu tư xem xét bổ sung thêm đối tượng hỗ trợ đối với DN đầu tư các phần mềm quản lý, đầu tư chuyển đổi số hóa.
Cũng đề xuất TP đưa lĩnh vực đầu tư số hóa vào danh mục được hưởng ưu đãi kích cầu đầu tư trong giai đoạn tới, ông Nguyễn Viết Toàn - Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật tự động ETEC, Chủ tịch Hội DN quận Tân Phú - cho hay TP vừa có chương trình chuyển đổi số. Xu hướng tự động hóa, số hóa đang giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo năng suất, chất lượng để giúp DN xây dựng chỗ đứng trong nước lẫn xuất khẩu nhưng những gói đầu tư của họ về tự động hóa, robot hóa và các chuyển đổi số trong nhà máy hầu như không nhận được sự hỗ trợ nào. Nếu TP có chính sách hỗ trợ sẽ khuyến khích DN đầu tư số hóa và hiệu quả mang lại sẽ vô cùng to lớn.
Đề xuất ưu đãi cho 4 ngành công nghiệp trọng yếu
TP HCM đã giao Sở Công Thương TP xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 16 trong giai đoạn mới để phù hợp với tình hình phát triển mới và nhu cầu thực tế của các DN, giúp chính sách hỗ trợ đến đúng đối tượng cũng như hỗ trợ hiệu quả hơn nhằm phát huy sức cạnh tranh của DN, đóng góp cho sự phát triển kinh tế TP.
Theo ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 16 sẽ được điều chỉnh theo hướng mở rộng đối tượng được vay vốn kích cầu đầu tư. Theo đó, các DN được xét vay vốn kích cầu đầu tư không chỉ gói gọn trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ mà mở rộng ra 4 ngành công nghiệp trọng yếu của TP là cơ khí, chế biến lương thực - thực phẩm, hóa chất - nhựa - cao su và ngành điện tử - công nghệ thông tin. Trong đó bao gồm các DN sản xuất sản phẩm chủ lực, DN đầu tư phát triển khoa học - công nghệ, công nghệ số, DN sản xuất phần mềm độc lập ứng dụng vào sản xuất… "Trên cơ sở thực tế và đề xuất của DN, Sở Công Thương ghi nhận, phối hợp trong bổ sung, sửa đổi Nghị quyết 16 để trình HĐND trong kỳ họp tháng 12 sắp tới" - Phó Giám đốc Sở Công Thương thông tin.
Xem thêm: mth.24074359111110202-ut-uad-uac-hcik-nov-yav-coud-gnout-iod-meht/et-hnik/nv.moc.dln