Mặc dù được coi là kênh đầu tư mạo hiểm, nhiều rủi ro, nhưng kinh doanh bất động sản và chứng khoán vẫn có cơ hội cho lợi nhuận lớn.
Lãi suất thấp hỗ trợ vay vốn
Theo TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, đầu tư chứng khoán và bất động sản dù tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn so với các tài sản an toàn như vàng, trái phiếu chính phủ hay gửi tiết kiệm ngân hàng, nhưng đi kèm với rủi ro luôn là lợi nhuận.
Đối với bất động sản, dù năm 2020, tình hình kinh tế có nhiều biến động, thị trường bất động sản suy giảm mạnh.
Tuy nhiên theo dự báo của DKRA Việt Nam (tháng 11.2020), quý 4/2020 sẽ có nhiều chuyển biến tích cực. Nguồn cung mới và lượng tiêu thụ của phân khúc căn hộ có thể sẽ tăng hơn so với quý 3/2020 với khoảng 7.000 căn hộ được đưa ra thị trường.
Theo TS Cấn Văn Lực, đối với thị trường thứ cấp, có thể sẽ cần khoảng thời gian dài hơn (ít nhất 1-2 năm) để có thể hồi phục hoàn toàn. Đồng thời, với lãi suất vay mua nhà giảm cộng với chính sách/gói ưu đãi của một số chủ đầu tư, đây cũng là thời điểm khá thuận lợi cho đầu tư mua nhà ở.
Theo ông Thái Việt Dũng- chuyên gia phân tích Fintech, thị trường bất động sản, được các nhà đầu tư truyền thống đánh giá cao, là nơi các cá nhân mua đi, bán lại các tài sản địa ốc với tỉ suất lợi nhuận khá tốt.
Đặc biệt khi nhu cầu nhà ở tăng mạnh ở những thành phố lớn khiến cho thị trường bất động sản trở nên sôi động, giúp nhiều nhà đầu tư “thắng” đậm khi chỉ “bỏ 1 vốn thu 4 lời”, 8 - 12%/năm là mức lợi nhuận bình quân của thị trường. Kênh đầu tư này thường sẽ dành cho những người có số vốn lớn và am hiểu sâu sắc về thị trường bất động sản để tránh rủi ro cao, bởi thị trường này cũng biến động liên tục mặc dù có theo chu kỳ nhất định và dài hạn.
Chuyên gia Tài chính Ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng chung nhận định: Tại Việt Nam thị trường bất động sản cũng đang là kênh đầu tư tốt bởi nhu cầu nhà ở rất cao và lãi suất thấp đang hổ trợ việc vay tiền mua nhà.
Thị trường chứng khoán vẫn tích cực
Đối với kênh đầu tư chứng khoán, cùng xu hướng thị trường chứng khoán toàn cầu, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng biến động khá mạnh và sụt giảm (hết ngày 4.11.2020, VNINdex giảm khoảng 2% so với đầu năm).
Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn ở mức tích cực, tổng vốn hoá tăng, thanh khoản thị trường tốt, giá cả hợp lý. Chỉ số P/E của Việt Nam (VNIndex) đến hết ngày 7.11 ở mức 15,77 lần, chỉ cao hơn so với Indonesia (JCI index) và Hồng Kông (HSI index), thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực.
“Với khả năng phục hồi và tăng trưởng kinh tế khá nhanh được dự báo ở mức 6,5-7% giai đoạn 2021-2025 và khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng giai đoạn 2022-2023 là khá cao, kênh đầu tư này được dự báo có nhiều khả quan”- TS Cấn Văn Lực nhận định.
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích của Công ty Chứng khoán VPS cho biết: “Trong QIII/2020, cả hai chỉ số VN-Index và HNX đều chứng kiến mức tăng ấn tượng cả về mặt điểm số đến thanh khoản. Cụ thể, chỉ số VN-Index tăng 9,71%, HNX Index tăng 21,11% so với cuối quý trước. Dự báo, trong quý IV, VN Index sẽ dao động trong vùng 960 – 1.000 điểm với các ngưỡng hỗ trợ mạnh là 880 và 900 điểm. Trong khi đó, HNX Index sẽ hướng tới vùng 145 - 150 điểm với các ngưỡng hỗ trợ mạnh của chỉ số là 120 và 100 điểm”.
Xem thêm: odl.976358-yan-man-iouc-gnout-yl-ut-uad-hnek-al-nav-nas-gnod-tab-av-naohk-gnuhc/et-hnik/nv.gnodoal