Phụ huynh tìm mua sách giáo khoa cho con tại một nhà sách ở TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Ngày 10-11, tại buổi họp mở đầu đợt thẩm định vòng 2 sách giáo khoa (SGK) lớp 6, ông Nguyễn Hữu Độ - thứ trưởng Bộ GD-ĐT - lưu ý hội đồng thẩm định cần nắm chắc, bám sát chương trình tổng thể, từng môn học và bảo đảm độ tương đồng giữa sách giáo khoa và chương trình.
Ông Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh các thành viên hội đồng cần xem xét kỹ ngữ liệu, ngôn ngữ trong từng bản mẫu sách giáo khoa và cộng đồng trách nhiệm cùng với Bộ GD-ĐT trong việc giải trình trước xã hội.
Quy định độ dày rất quan trọng vì liên quan tới giá bìa và độ nặng của mỗi cuốn sách, độ nặng của chiếc cặp sách mà học sinh phải mang theo đến trường.
Ông Đặng Tự Ân (nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT)
Công khai bản mẫu để góp ý
Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các hội đồng thẩm định tập trung vào thảo luận kỹ, thậm chí có thể dành thêm thời gian để tranh luận giữa tác giả và hội đồng thẩm định để đạt được thống nhất cao. Đảm bảo những vấn đề hội đồng thẩm định còn băn khoăn, thấy bất ổn được giải quyết tới cùng.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành - vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, với SGK lớp 6 đang trong quá trình thẩm định vòng 2, ngoài việc tăng cường tương tác giữa hội đồng thẩm định và nhóm tác giả, có thể mở rộng lấy ý kiến rộng rãi hơn từ các nhà chuyên môn, từ giáo viên trực tiếp giảng dạy ở cơ sở.
Ông Nguyễn Hữu Độ cũng khẳng định: "Các bản mẫu SGK trước khi trình bộ trưởng được công khai để xin ý kiến góp ý rộng rãi của các lực lượng xã hội. Điểm mới này nhằm tăng thêm một khâu kiểm soát, tránh xảy ra sai sót khi SGK đã được phê duyệt.
Đây là áp lực, cũng là động lực để hội đồng thẩm định SGK lớp 2, lớp 6 phải làm việc nghiêm túc hơn, chặt chẽ hơn, hạn chế việc nể nang, nhân nhượng trong quá trình đối thoại với nhóm tác giả".
Cần quy định cụ thể việc góp ý
Ủng hộ việc lấy ý kiến rộng rãi công luận song GS Phạm Tất Dong - phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - cho rằng chỉ nên tập trung, chú trọng vào các chuyên gia, nhà khoa học và những giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy, ý kiến người dân được xem là một kênh tham khảo. Nếu không sẽ khó khăn trong việc tiếp thu, chỉnh sửa để thẩm định.
"Ý kiến của giáo viên, cán bộ quản lý trực tiếp giảng dạy sẽ sát thực tế, sát đối tượng học sinh. Trong khi ý kiến các nhà chuyên môn, nhà nghiên cứu có thể sẽ góp ý cho cấu trúc, cho nội dung kiến thức, ngữ liệu đảm bảo tính khoa học, giáo dục. Đó là hai kênh cần lắng nghe, phân tích và tiếp thu nghiêm túc. Còn ý kiến của người dân nói chung có ý nghĩa tham khảo. Nếu không phân định mà cứ lấy ý kiến rộng rãi quá có thể xảy ra tình trạng loạn ý kiến" - ông Phạm Tất Dong đề nghị.
Tương tự, ThS Nguyễn Viết Đăng Du - giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP.HCM) - cho rằng: "Việc lấy ý kiến các lực lượng xã hội cũng cần có quy định cụ thể ai sẽ được có ý kiến về SGK. Tôi cho rằng chỉ cần lấy ý kiến hai lực lượng giáo viên trực tiếp đứng lớp và chuyên gia chuyên ngành về môn học đó. Tránh tình trạng chín người mười ý, các ý kiến tản mạn không đâu vào đâu".
Lưu ý độ dày của sách
Ông Đặng Tự Ân - nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT - cho rằng độ dày của SGK là điều cần lưu ý khi thẩm định. Sau khi thẩm định vòng 1 hoàn toàn có cơ sở quy định số trang sách tối đa cho một cuốn SGK/môn học, tránh tình trạng cùng một môn, một lớp sách dày mỏng khác nhau.
"Việc quy định này rất quan trọng vì liên quan tới giá bìa và độ nặng của mỗi cuốn sách, độ nặng của chiếc cặp sách mà học sinh phải mang theo đến trường. Việc khống chế số trang sách cũng khiến tác giả phải viết cô đọng hơn, nó mang tính gợi mở cho giáo viên trong việc thiết kế bài dạy một cách sáng tạo" - ông Ân nói.
Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh - giáo viên tiểu học đồng thời là phụ huynh lớp 1 ở quận Thủ Đức, TP.HCM - đưa ra ý kiến: "Tôi đề nghị giảm bớt số lượng SGK lớp 2, 3, 4, 5 vì có nhiều cuốn sách học sinh không cần thiết phải đọc.
Như con tôi năm nay học lớp 1 nhưng từ đầu năm học đến giờ cháu không sử dụng sách giáo dục thể chất, sách âm nhạc, đạo đức. Đối với học sinh tiểu học, những môn này không cần thiết phải có SGK vì trên lớp giáo viên đã dạy theo hướng trực quan rồi...".
TS Nguyễn Hà Thanh (giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):
Không thể chỉ thực nghiệm 10%
Bộ GD-ĐT phải giám sát quá trình thực nghiệm các bộ sách, chứ không thể giao phó cho các NXB. Nếu việc dạy thực nghiệm tiến hành bài bản thì không thể nào xảy ra tình trạng sai sót như SGK môn tiếng Việt lớp 1 vừa qua. Việc dạy thực nghiệm chỉ có 10% số bài là quá ít, rất dễ để lọt những "hạt sạn" về mặt khoa học giáo dục hoặc kiến thức. Tôi nghĩ cần dạy thực nghiệm cả cuốn sách, chứ thực nghiệm 10% là không ổn. Tuy nhiên, nếu thời gian quá gấp gáp, không thể dạy thực nghiệm trong suốt năm học như bộ sách trước đây thì cũng phải nâng tỉ lệ thực nghiệm lên, đồng thời để cho các trường tiểu học góp ý về nội dung bộ sách trước khi đưa ra thẩm định.
TTO - Sự cố sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, bộ sách Cánh Diều là bài học và cũng là hồi chuông cảnh tỉnh khi Bộ GD-ĐT tiến hành thẩm định sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6.
Xem thêm: mth.20440209021110202-gnor-auq-neik-y-yal-nac-gnohk-6-pol-aohk-oaig-hcas-hnid-maht/nv.ertiout