Người dân làm nghề đan lục bình sau khi được đào tạo tại Đồng Tháp - Ảnh: NGỌC TÀI
Tọa đàm được tổ chức trong bối cảnh 10 năm triển khai đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Đỗ Năng Khánh - phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - nói:
"Sau hơn 10 năm thực hiện, số lượng lao động nông thôn được đào tạo, nâng cao kỹ năng không ngừng tăng lên. Bình quân mỗi năm có trên 1 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề. Tỉ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt từ 78-81%".
Tăng năng suất lao động
* Đâu là những điểm nổi bật sau 10 năm triển khai đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thưa ông?
- Theo dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ tăng năng suất lao động Việt Nam không ngừng tăng trong 10 năm qua. Cụ thể, giai đoạn 2011-2015 tăng 4,3%/năm, giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm.
Chất lượng nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn tăng lên cũng góp phần quan trọng trong vấn đề tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, thực hiện tiêu chí nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực nông thôn ở nước ta còn chưa cao, số lao động chất lượng trong các ngành nghề chất lượng cao còn thấp. Cụ thể, số lao động nông thôn được đào tạo nghề chủ yếu là trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, nhưng ở trình độ trung cấp, cao đẳng còn thấp.
Thị trường lao động sau học nghề chủ yếu là lao động phổ thông, lao động nông thôn khó tìm được việc ở các vị trí đòi hỏi kỹ năng nghề cao hơn. Nguyên nhân là việc gắn kết giữa đào tạo và doanh nghiệp còn hạn chế, thậm chí một bộ phận lao động được tuyển dụng vẫn phải được đào tạo lại.
* Những thuận lợi và thách thức với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và các địa phương trong việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn là gì?
- Về một số thuận lợi, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được Đảng, Chính phủ quan tâm và dành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ. Các bộ, ngành địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch dạy nghề hằng năm, chỉ đạo thực hiện phương châm "chỉ đào tạo nghề khi xác định được việc làm và thu nhập sau học nghề".
Tình trạng chạy theo số lượng, chỉ tiêu cơ bản được khắc phục. Dạy nghề đã gắn với thế mạnh địa phương, với quy hoạch phát triển sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội... Các cơ sở dạy nghề chuyển từ dạy theo năng lực sẵn có sang đào tạo theo yêu cầu, nhu cầu của doanh nghiệp. Các cơ sở cũng chủ động đa dạng hóa các hình thức đào tạo, vừa làm vừa học, từ xa, tự học có hướng dẫn, đào tạo thường xuyên.
Về khó khăn, nguồn lực dành cho đào tạo nghề nghiệp cho lao động nông thôn chưa đáp ứng với nhu cầu kinh phí trong đào tạo. Các cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là các trung tâm giáo dục nghề nghiệp cấp huyện, được đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo từ trước năm 2015. Do vậy, nhiều cơ sở hiện nay xuống cấp, thiết bị đào tạo còn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động...
TS Đỗ Năng Khánh - phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp
Tăng cường kết nối giữa các cơ sở đào tạo
* Một trong những mục tiêu của đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn là nhằm nâng cao năng suất lao động. Ông có thể chia sẻ thêm về điểm này?
- Sau 10 năm, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo từ 40% (có văn bằng chứng chỉ đạt 14,6%) năm 2010 lên 64,5% (có văn bằng chứng chỉ đạt khoảng 24,5%) năm 2020. Nhờ đó, thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội từ 48,6% làm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản năm 2010 xuống còn khoảng 34% năm 2020.
Tuy nhiên, còn tồn tại những hạn chế như kết quả, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn không đồng đều giữa các vùng trong cả nước. Các vùng trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên có số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề và tỉ lệ có việc làm sau học nghề thấp hơn các vùng khác, trong khi kinh phí trung ương hỗ trợ bình quân luôn bằng hoặc cao hơn mức hỗ trợ bình quân chung của các vùng khác trong cả nước.
* Trong thời gian tới, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp có những giải pháp gì để tiếp tục nâng chất cho lao động nông thôn?
- Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ trình cấp có thẩm quyền và triển khai thực hiện các giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Song song đó, tổng cục sẽ hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thực hiện nhiều giải pháp như:
Tăng cường kết nối giữa cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, các cơ quan chức năng; rà soát hằng năm danh mục nghề đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế ở địa phương, quy hoạch sản xuất nông nghiệp; tăng cường đầu tư trang thiết bị đào tạo để phù hợp với tiến bộ khoa học, công nghệ hiện nay...
Đáp ứng đủ nhu cầu học nghề
* Mạng lưới đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện như thế nào, thưa ông?
- Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển rộng khắp cả nước, đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo và mô hình hoạt động. Các bộ, ngành, địa phương đã rà soát mạng lưới này. Những cơ sở đáp ứng các điều kiện theo quy định hoặc hoạt động không hiệu quả đã được sắp xếp lại theo hướng sáp nhập hoặc giải thể.
Tháng 6-2020, cả nước có 1.914 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm 399 trường cao đẳng, 462 trường trung cấp và 1.053 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Cùng với đó, các địa phương cũng huy động hàng ngàn doanh nghiệp trực tiếp tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Với hệ thống phân bổ rộng khắp và đa dạng các ngành nghề, cơ bản đáp ứng được nhu cầu học nghề nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
TTO - Trong nhiều năm thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, không ít địa phương đã tạo cơ hội cho các gia đình chuyển đổi nghề nghiệp, có việc làm ổn định. Từ những hộ khó khăn, họ đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Xem thêm: mth.59985400121110202-man-iom-noht-gnon-gnod-oal-ueirt-1-ohc-ehgn-yad/nv.ertiout