Cụ thể, tại phiên chất vấn của Quốc hội ngày 10/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu, một số nền tảng truyền hình trả tiền xuyên biên giới hoạt động tại Việt Nam như Netflix, Apple TV... có doanh thu ước tính gần 1.000 tỷ đồng với lượng người đăng ký tăng mạnh trên khắp Việt Nam.
"Song, những nền tảng này lại không nộp thuế, không tuân thủ pháp luật đất nước, qua đó gián tiếp tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh", Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.
Sau đó, đại diện phát ngôn của Netflix chính thức lên tiếng trước thông tin chưa nộp thuế tại Việt Nam. Đại diện nền tảng này cho hay, chính phủ các quốc gia có toàn quyền quyết định về chính sách thuế ở quốc gia mà Netflix hoạt động và nền tảng này luôn tuân thủ các pháp luật hiện hành được áp dụng của Việt Nam.
Đại diện Netflix khẳng định: "Chúng tôi ủng hộ việc triển khai những cơ chế để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài như Netflix có thể hoàn thành nghĩa vụ thuế tại Việt Nam. Song, hiện nay một cơ chế như vậy vẫn chưa hiện hữu". Netflix nêu rõ sẽ phối hợp với các cơ quan thẩm quyền để xây dựng cơ chế như vậy.
Bên cạnh đó, tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng chỉ ra nhiều nội dung trên dịch vụ của Netflix vi phạm quy định pháp luật Việt Nam về báo chí, điện ảnh, trẻ em. Bộ trưởng nêu rõ loạt phim về chiến tranh Việt Nam trên Netflix đã phản ánh sai trái lịch sử; phim có xuyên tạc về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam như Madam Secretary...
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Netflix nhận định trong một số trường hợp, công ty sẽ gỡ nội dung, hoặc các tập phim được chiếu tại một số quốc gia cụ thể khi nhận được thư viết chính thức có tính luật pháp của chính phủ, trong đó có Việt Nam.
Điển hình như năm 2017, Netflix đã gỡ bỏ phim "Full Metal Jacket" của Stanley Kubrick ra khỏi danh mục sau khi có yêu cầu từ chính phủ.
Trên thế giới, nhiều quốc gia hiện cũng đang xem xét quyết định áp thuế đối với các gã khổng lồ công nghệ Mỹ. Vừa qua, Tây Ban Nha đã thông báo về việc chuẩn bị thông qua luật áp thuế 5% lên các nền tảng truyền hình như Netflix, nhằm gây quỹ để thúc đẩy các hãng sản xuất phim trong nước.
Xem thêm: mth.82950643121110202-man-teiv-iat-euht-pon-auhc-ceiv-ev-iol-art-xilften/nv.ahos