Giá cao su bật tăng mạnh mẽ nhờ nhu cầu của ngành ô tô, y tế
Chánh Tài
(TBKTSG Online) - Giá cao su trên thị trường quốc bật dậy mạnh mẽ nhờ sản xuất ô tô phục hồi ở Trung Quốc và nhu cầu găng tay y tế đang gia tăng trên toàn cầu. Cao su nằm trong số những loại hàng hóa có mức tăng giá tốt nhất thế giới trong những tháng gần đây.
Giá sao su tăng 50% so với tháng 4
Tại Singapore, một trong ba trung tâm giao dịch cao su lớn nhất châu Á, giá loại cao su tự nhiên dùng để sản xuất lốp xe đã tăng gần 50% so với điểm giá thấp nhất trong năm 2020. Hôm 10-11, giá cao su tương lai trên Sàn giao dịch hàng hóa Singapore đã tăng vượt mức 1,51 đô la Mỹ/kg so với mức 1,03 đô la/kg vào ngày 1-4 năm nay. Thậm chí hồi cuối tháng 10, giá cao su tương lai ở Singapore có khi tăng lên mức gần 1,8 đô la/kg.
Công nhân kiểm tra găng tay cao su dùng một lần ở nhà máy của Công ty Top Glove tại vùng ngoại ô của Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: Getty |
Ít loại hàng hóa nào chịu tác động mạnh bởi đại dịch Covid-19 giống như cao su. Giá mặt hàng này lao dốc khi các nhà máy sản xuất ô tô đóng cửa trong thời kỳ ban đầu của dịch bệnh. Cú sụp đổ lịch sử của giá dầu cũng làm giảm mạnh giá cao su tổng hợp, một sự lựa chọn thay thế được sản xuất từ các phụ phẩm của dầu mỏ. Sự phục hồi của ngành công nghiệp ô tô, đặc biệt là ở Trung Quốc, cộng với doanh số găng tay y tế tăng vọt trong thời kỳ dịch bệnh đã giúp thị trường cao su hồi sinh ngoạn mục
Trong khi đó, nguồn cung cao su bị hạn chế cũng là một yếu tố hỗ trợ giá. Lệnh phong tỏa biên giới đã khiến các công nhân nhập cư từ các nước láng giềng không thể sang các đồn điền cao su ở Thái Lan và Malaysia để làm việc. Các cơn bão nhiệt đới trong khu vực cũng gây khó khăn cho hoạt động khai thác mủ cao su và làm ngập lụt các con đường vận chuyển cao su từ các đồn điền đến các cơ sở chế biến.
“Chúng tôi tin rằng chúng tôi đã vượt qua giai đoan khó khăn”, Andrew Trevatt, người đồng sáng lập Công ty cao su Halcyon Agri, nhà sản xuất và phân phối cao su ở Singapore, nói.
Các nhà máy của Halcyon Agri đang vận hành hết công suất sau khi công ty phải đóng cửa một số nhà máy vào hồi đầu năm nay trong cơn khủng hoảng dịch bệnh Covid-19. Ông Trevatt dự báo giá cao su sẽ còn biến động mạnh vì các hoạt động đầu cơ ở Trung Quốc khiến giá cao su tăng vọt trong hai tháng 10 và 11 này.
Người tiêu dùng có thể phải trả nhiều hơn cho các các sản phẩm được sản xuất dựa vào mủ cao như dây thun, bong bóng và bao cao su. Davin Wedel, Chủ tịch Global Protection Corp, một thành viên của Công ty sản xuất bao cao su Karex (Malaysia), cho hay giá mủ cao su đã tăng hơn 50% chỉ trong tháng 10. Lần đầu tiên trong nhiều năm, Karex bắt đầu tính giá cao hơn trong các thương vụ với các chính phủ và các thương hiệu bao cao su khác. Nhưng công ty này vẫn giữ giá bán ổn định đối với các nhà bán lẻ khác.
Nhu cầu của Trung Quốc chi phối thị trường
Trung Quốc đang chi phối thị trường cao su tự nhiên, đóng góp đến 2/3 nhu cầu của toàn cầu. Nước này mua phần lớn cao su từ nước ngoài để phục vụ nhu cầu trong nước. Trung Quốc nhập khẩu 4,5 triệu tấn cao su trong 10 tháng đầu năm nay, cao hơn 587.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái, theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC).
Giá cao su tương lai ở Sàn giao dịch hàng hóa Singapore tăng mạnh trong những tháng gần đây. Ảnh: WSJ |
Jom Jacob, nhà kinh tế cao cấp ở ANRPC, nói: “Nhu cầu cao su khổng lồ bị dồn nén đã được giải tỏa khi các lệnh phong tỏa chấm dứt và các nhà máy quay trở lại hoạt động”. Hoạt động nhập khẩu cao su của Trung Quốc phục hồi đúng vào lúc doanh số ô tô của Trung Quốc bật tăng 13% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái, theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc.
Các hãng xe của Mỹ đang chạy đua tăng sản lượng sau khi lượng xe tồn kho ở các đại lý giảm mạnh vì hoạt động sản xuất tạm dựng vào hồi đầu năm nay. Các nhà máy sản xuất lốp xe cũng đang hoạt động hết tốc lực. Các nhà máy của hãng lốp Goodyear Tire (Mỹ) đã vận hành công suất tối đa trở lại nhờ nhu cầu mạnh mẽ của dòng xe thể thao đa dụng (SUV) và xe tải hạng nhẹ ở Mỹ.
Nhu cầu găng tay y tế tăng vọt trong thời kỳ dịch bệnh cũng hỗ trợ cho giá cao su tự nhiên. Trong ba tháng kết thúc vào cuối tháng 8, doanh số găng tay y tế của Công ty Top Glove (Malaysia), nhà sản xuất găng tay lớn nhất thế giới, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Cổ phiếu của Top Glove tăng gần 400% trong năm nay. Trong khi đó, cổ phiếu của Mercator Medical, một công ty sản xuất thiết bị y tế và găng tay ở Ba Lan, tăng gần 5.000% trong năm nay.
Nhà máy của Công ty chế biến mủ cao su Phatthalung Paratex (Thái Lan) đang hoat động 16 giờ mỗi ngày và 7 ngày mỗi tuần, sản xuất lượng cao su cao trong một tháng gấp đôi so với trước đại dịch. Tuy nhiên, công ty này vẫn không đáp ứng kịp nhu cầu từ các nhà sản xuất găng tay. Ian Shearer, cố vấn kinh doanh của Phatthalung Paratex, nói: “Hoạt động kinh doanh của chúng tôi đang bùng nổ ở thời điểm hiện tại”.
Dù đà tăng của giá cao su sẽ giúp các nông dân ở Thái Lan, Indonesia và Việt Nam và các sản xuất khác bớt lo lắng, giá cao su tương lai hiện nay vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh gần 6 đô la Mỹ/kg vào đầu năm 2011.
Theo Wall Street Journal
Xem thêm: lmth.et-y-ot-o-hnagn-auc-uac-uhn-ohn-em-hnam-gnat-tab-us-oac-aig/595013/nv.semitnogiaseht.www