Nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc đang được bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ khoa học trình Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Địa phương tích cực hoàn thiện “bản cam kết”
Vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) Kiên Giang phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Phú Quốc tổ chức cuộc họp lấy ý kiến của các cơ sở chế biến và sản xuất nước mắm, kinh doanh nước mắm trên địa bàn huyện. Qua đó, nhằm hoàn thiện “bản cam kết bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc” để đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tại cuộc họp, đại diện các nhà thùng, cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh nước mắm Phú Quốc đã ký cam kết, tích cực bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Văn hóa phi vật thể nhân loại, đồng thời thống nhất đề cử Di sản Văn hóa phi vật thể “nghề truyền thống chế biến nước mắm Phú Quốc” vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bên cạnh đó, để hoàn chỉnh hồ sơ khoa học, Sở VHTT phối hợp với UBND huyện Phú Quốc, Hội nước mắm Phú Quốc và các đơn vị có liên quan cũng đã tổ chức triển khai thực hiện nhiều công việc như: Tổ chức khảo sát, nghiên cứu về nghề truyền thống chế biến nước mắm trên địa bàn huyện Phú Quốc; tiến hành công tác kiểm kê, chụp hình, ghi âm và quay phim về nghề truyền thống chế biến nước mắm, để thu thập thông tin phục vụ công tác lập hồ sơ khoa học.
Ông Phạm Văn Nghiệp - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc - cho biết: “Chúng tôi đang tranh thủ thực hiện và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để Sở VHTT phối hợp với Hội nước mắm và địa phương thực hiện hồ sơ khoa học này được nhanh chóng. Xây dựng hồ sơ nghề truyền thống chế biến nước mắm trên địa bàn huyện Phú Quốc, gồm: Lý lịch di sản, ảnh tư liệu, bản ghi âm, phim tư liệu, bản đồ phân bố di sản, bản cam kết của cộng đồng địa phương và các văn bản khác theo quy định”.
Nước mắm truyền thống quen thuộc thị trường Châu Âu
Trải qua quá trình hơn 200 năm hình thành và phát triển, năm 2012, tên gọi xuất xứ và chỉ dẫn địa lý “Nước mắm mang tên gọi xuất xứ Phú Quốc” đã được bảo hộ thương mại tại Châu Âu. Hiện nay, nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc đã chuyển dần theo hướng sản xuất quy mô, hiện đại nhằm tăng thêm sản lượng đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm xuất khẩu nhưng vẫn mang tính gia truyền, đặc trưng riêng và là ngành góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế của huyện nhà.
Bà Hồ Kim Liên - Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam - chia sẻ: “Bao nhiêu thế hệ cha ông chúng tôi đã làm nước mắm trên đất đảo và chúng tôi sẵn sàng cung cấp tư liệu cần thiết cho bộ hồ sơ. Có những hộ làm 5, 6 đời con cháu vẫn còn giữ được nghề, giữ được các tài liệu từ thời Pháp đến nay”.
Nghề chế biến nước mắm cá cơm Phú Quốc đã cung cấp một loại thực phẩm thiết yếu trong bữa ăn hằng ngày của người dân. Nó gắn liền với lịch sử phát triển văn hóa - xã hội của huyện đảo. Đối với người dân Phú Quốc, nước mắm Phú Quốc không chỉ là món ăn, là gia vị mà còn được xem là “linh hồn”, là sản phẩm chính tạo nên sự nổi tiếng của Phú Quốc. Ngoài ra, đó còn là một phần của lịch sử, của văn hóa, hàm chứa những tri thức dân gian, thể hiện đậm nét cốt cách, đặc trưng văn hóa của cư dân xứ đảo.
Ông Nguyễn Văn Giáo - chủ doanh nghiệp nước mắm Phúc Hưng - kể: “Cha tôi làm nghề từ năm 1980. Mới đầu làm ít thôi nhưng là sản xuất nước mắm theo quy trình truyền thống, đánh bắt cá cơm nổi, muối ngoài biển luôn nên chất lượng ngon tuyệt vời. Giờ gia đình tôi vẫn giữ truyền thống tiếp tục phát huy nghề và mong nghề này có vị trí không chỉ trong nước mà còn phải vươn tầm thế giới”.
Nghề truyền thống chế biến nước mắm Phú Quốc một khi là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia sẽ là niềm vinh dự và tự hào của người sản xuất nước mắm Phú Quốc. Từ đó sẽ động viên tinh thần và tạo điều kiện thuận lợi để người dân trên đảo phát triển nghề, góp phần quảng bá cho một sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện đảo Phú Quốc vươn xa thị trường trong nước và quốc tế.
Theo thống kê năm 2020, tại Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), có trên 57 cơ sở chế biến nước mắm và đều là doanh nghiệp tư nhân, ước tính sản lượng trên 25 triệu lít/năm.
Xem thêm: odl.959358-couq-uhp-mam-coun-gnoht-neyurt-ehgn-ohc-tek-mac-nab/et-hnik/nv.gnodoal