Nhiều công trình xây dựng vi phạm đất rừng diễn ra tại khu vực hồ Đồng Đò (xã Minh Trí, Sóc Sơn, Hà Nội) - Ảnh: NAM TRẦN
Một trong những nguyên nhân mà Bộ NN&PTNT đưa ra khi thời gian qua các chỉ tiêu về trồng rừng chưa đạt, đó là nguồn vốn từ ngân sách nhà nước đầu tư để thực hiện chiến lược, triển khai các chương trình, dự án bảo vệ, phát triển rừng và phát triển sản xuất lâm nghiệp còn rất thấp so với nhu cầu, dẫn tới nhiều chỉ tiêu chưa thể hoàn thành dù giai đoạn 2016 - 2020 Chính phủ đã tăng định mức đầu tư và hỗ trợ đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng. Do đó, cần phải có những hỗ trợ thêm để bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả, và tổng nhu cầu vốn để thực hiện chiến lược 2021 - 2030 dự kiến cần 522.515 tỉ đồng (hơn 22 tỉ USD).
Trồng cây phân tán hằng năm đạt 1/4 kế hoạch
Theo báo cáo kết quả thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2006 - 2020 của Bộ NN&PTNT, nhiều chỉ tiêu chưa đạt so với mục tiêu ban đầu của chiến lược như trung bình hằng năm cả nước trồng được hơn 0,23 triệu hecta rừng trồng tập trung, trong đó 90% là rừng sản xuất, chưa đạt so với mục tiêu trồng lại rừng sau khai thác là 0,3 triệu hecta/năm.
Đáng chú ý, trong chiến lược, mục tiêu trồng cây phân tán trong giai đoạn này là 200 triệu cây/năm, tuy nhiên ngành lâm nghiệp mới trồng đạt trung bình 55 triệu cây/năm, chỉ bằng khoảng 1/4 so với kế hoạch. Tổng diện tích trồng rừng mới từ năm 2006 - 2010 đạt hơn 0,78 triệu hecta, từ năm 2011 - 2019 đạt hơn 1,23 triệu hecta, không đạt mục tiêu so với kế hoạch đề ra 1 triệu hecta năm 2010 và 1,5 triệu hecta cho năm 2011 - 2020.
Mặc dù, tỉ lệ che phủ rừng toàn quốc liên tục tăng, từ 37,7% năm 2006 lên 41,89% vào năm 2019, ước đạt 42% vào năm 2020 nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu chiến lược là 47% (nhưng đạt mục tiêu theo nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng). Riêng rừng phòng hộ trong vòng 15 năm qua cả nước đã mất 0,6 triệu hecta, giai đoạn 2006 - 2015 diện tích rừng phòng hộ giảm từ 5,2 triệu hecta xuống còn 4,4 triệu hecta và giai đoạn 2015 đến nay diện tích rừng phòng hộ tương đối ổn định 4,6 triệu hecta.
Đối với kết quả thực hiện theo vùng, đáng chú ý là diện tích rừng, tỉ lệ che phủ rừng ở vùng Tây Nguyên giảm nhiều nhất cả nước trong vòng 15 năm qua. Trong khi đó, các vùng trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ diện tích rừng đều tăng và chủ yếu tăng rừng trồng, còn rừng tự nhiên tăng rất ít.
Diện tích cây xanh đạt 10m2/người năm 2030
Theo kế hoạch chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu duy trì tỉ lệ che phủ rừng ổn định khoảng 42 - 43%. Trồng rừng sản xuất khoảng 340.000 ha/năm vào năm 2030, trong đó chủ yếu là trồng tái canh. Riêng hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ở miền núi và ven biển sẽ bảo tồn và bảo vệ khoảng 3,3 triệu hecta. Trồng rừng phòng hộ, đặc dụng 4.000 - 6.000 ha/năm và phấn đấu phục hồi khoảng 150.000ha rừng.
Bộ NN&PTNT cũng phấn đấu đến năm 2025 số đô thị đạt tiêu chí cây xanh là 60% và 90% năm 2030, diện tích cây xanh đô thị bình quân 5m2/người năm 2025 và 10m2/người năm 2030. Tỉ lệ các đơn vị nông thôn mới đạt tiêu chí về cây xanh và cảnh quan môi trường hoặc có quy định, hương ước về bảo vệ rừng đối với miền núi năm 2025 là 60% và năm 2030 là 100%.
Đối với lâm nghiệp đô thị, ngành nông nghiệp sẽ tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình phát triển lâm nghiệp đô thị nhằm sử dụng hiệu quả diện tích dành cho cây xanh trong quy hoạch các đô thị, khu công nghiệp, cụm dân cư, các tuyến giao thông...
Cải tạo, nâng cấp các khu rừng hiện có và phát triển các đai xanh xung quanh thành phố, khu dân cư... thành các khu rừng bảo vệ cung cấp các dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe, giải trí, và các nhu cầu ngày càng cao của cư dân đô thị.
Đồng thời, phát triển trồng cây phân tán trong nhân dân, nâng cao quy mô, chất lượng, hiệu quả thông qua chương trình Tết trồng cây, huy động các nguồn lực theo hướng xã hội hóa, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, ứng dụng khoa học công nghệ, bảo đảm trồng cây phân tán đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái, tạo cảnh quan xanh, đẹp cho nông thôn và tăng thu nhập cho người lao động.
Sức ép dân số, xử lý chưa nghiêm hành vi xâm hại rừng
Một trong những nguyên nhân mà Bộ NN&PTNT đưa ra nữa khi các chỉ tiêu về trồng rừng chưa đạt là mật độ dân số cao, sức ép vào rừng ngày càng tăng, điển hình như vùng miền núi thiếu đất sản xuất nông nghiệp và nơi có dân di cư tự do, cùng với đó là do yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhiều diện tích rừng phải chuyển đổi mục đích sử dụng.
Tại một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo quy định, chưa kiên quyết chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện pháp luật và cơ chế chính sách lâm nghiệp, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng.
TTO - Già Cil Ju Ha Giản (62 tuổi, thôn Liêng Bông, xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) từ 15 năm qua vẫn được nhiều người ở vùng rừng Bidoup - Núi Bà và rừng phòng hộ Đa Nhim nhắc đến như một minh chứng cho những người Cil yêu rừng.
Xem thêm: mth.19415358031110202-gnur-gnort-ed-dsu-it-22-noh-nac-0302-man-ned/nv.ertiout