Người đang cai nghiện tại cơ sở điều trị methadone tại trạm y tế thị trấn Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang tham gia một điểm hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng - Ảnh: THU HIẾN
Theo ông Trần Ngọc Du - chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM), nguyên nhân chính khiến số người nghiện ma túy tăng do tội phạm về ma túy, nhất là ma túy tổng hợp tăng mạnh từ số lượng đường dây, tổ chức cho đến tang vật ma túy thu giữ, sự gia tăng rất nhanh và ngày càng mạnh hơn của các chất ma túy mới, các chất hướng thần có tác dụng tương tự ma túy như cần sa, tem giấy, cỏ Mỹ…
Các loại tội phạm ma túy lợi dụng các loại hình kinh doanh nhạy cảm như khách sạn, nhà hàng, quán bar, vũ trường, karaoke để mua bán, dụ dỗ, lôi kéo, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Cũng theo số liệu, người sử dụng ma túy chủ yếu là thanh thiếu niên, có độ tuổi từ 18-35 chiếm đến 60%. Những trường hợp này đã số thích cách sống đua đòi, thể hiện "đẳng cấp" nhưng nhận thức mơ hồ về ma túy.
Theo Công an TP.HCM, tính đến tháng 9-2020, trên địa bàn TP.HCM có khoảng 27.000 người nghiện ma túy. Trong đó, người nghiện có mặt tại địa phương hơn 11.590 người (chiếm hơn 43%), đang cai nghiện ở tại cơ sở chữa bệnh 14.200 người (chiếm tỷ lệ hơn 52%), vi phạm pháp luật hình sự đang bị giam, giữ tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ hơn 1.130 người (chiếm tỷ lệ hơn 4,2%).
Tuy nhiên, con số khoảng 27.000 người nghiện chưa thật sự chính xác, số người nghiện chưa được thống kê còn tiềm ẩn rất lớn. Qua khảo sát cuối năm 2018, ghi nhận tỉ lệ sót lọt có thể lên đến 80% (số người nghiện đã được thống kê chỉ chiếm tỉ lệ 20%), nghĩa là có khả năng số người nghiện, người sử dụng ma túy trên địa bàn TP.HCM có thể lên đến gần 100.000 người.
Trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội vì dịch COVID-19, các hoạt động liên quan đến tội phạm ma túy như sử dụng, tổ chức sử dụng ma túy có sự chuyển hướng từ các điểm kinh doanh dịch vụ nhạy cảm như quán bar, vũ trường đến các điểm nhà riêng, nhà cho thuê, phòng trọ.
Các loại tội phạm liên quan đến ma túy diễn biến phức tạp cũng là thách thức rất lớn đối với công tác phòng, chống ma túy cũng như an ninh trật tự trên địa bàn TP.
Người sau cai nghiện khó tiếp cận vốn
Cũng theo ông Du, thời gian qua TP đã tổ chức thực hiện và xét duyệt công khai cho 29 hộ gia đình người sau cai nghiện ma túy, người nghiện điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế với tổng số tiền vay gần 600 triệu đồng. Tuy nhiên con số này còn khá khiêm tốn.
Trong khi đó, người sau cai nghiện trở về tìm kiếm việc làm còn gặp nhiều khó khăn do trình độ văn hóa và tay nghề thấp, nên thu nhập chưa cao, chưa ổn định; sức khỏe kém, sự kỳ thị của cộng đồng, gia đình, các doanh nghiệp còn nhiều nên khó tạo được việc làm ổn định.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận các nguồn vốn tại địa phương còn nhiều vướng mắc do các thủ tục quy định nên chưa giải quyết được nhiều trường hợp có nguyện vọng, nhu cầu về vốn.
Do đó để người nghiện hòa nhập cộng đồng bền vững thì trong thời gian cai nghiện tại các cơ sở cần được đào tạo, dạy nghề chuyên sâu, đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp và nguồn kinh phí cho công tác dạy nghề cũng cần được nâng lên cho phù hợp; gia đình và xã hội cần có sự cảm thông, chia sẻ nhiều hơn để từ đó giảm đi sự kỳ thị đối với họ.
Bên cạnh đó, ông Du cũng cho rằng cần tập trung đẩy mạnh các giải pháp, tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng, chống ma túy trực tiếp đến cơ quan, đơn vị, trường học...
Nâng cao tính chủ động, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy. Mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm ở các tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm...
TTO - "Đã là người nghiện ma túy nếu không có đủ điều kiện để cai nghiện tại cộng đồng thì phải bắt buộc đi cai nghiện tập trung", đại biểu Ngô Minh Châu (TP.HCM) đề xuất.
Xem thêm: mth.88094602131110202-aoh-ert-gnouh-ux-oc-gnat-aig-yut-am-neihgn-iougn-mch-pt/nv.ertiout