Chiều 13-11, với 446/453 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành, QH đã biểu quyết thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC).
Đáng chú ý, tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH, dự thảo luật vừa được thông qua đã điều chỉnh, quy định thời gian có hiệu lực thi hành từ 1-1-2022, thay vì dự kiến ban đầu là 1-7-2021. Việc này nhằm tạo thời gian cần thiết để Chính phủ, các bộ, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các nghị định, thông tư quy định cụ thể về xử phạt VPHC.
207 ĐBQH không đồng ý biện pháp ngừng cung cấp điện, nước…
Một trong những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau khi thảo luận là quy định có liên quan đến việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng cho hay: Một số ý kiến tán thành phương án 1 là không bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước. Trong khi đó, có nhiều ý kiến tán thành phương án 2 là bổ sung biện pháp này.
Quốc hội biểu quyết luật vào chiều 13-11. Ảnh: QH
Do còn có sự khác nhau nên Ủy ban Thường vụ QH đã gửi phiếu xin ý kiến các ĐBQH. Kết quả, trong 399 vị ĐB cho ý kiến (tổng số ĐBQH là 481), có 207 ĐBQH đề nghị không bổ sung biện pháp cưỡng chế này và 190 ĐB tán thành phương án 2.
Vì số lượng ĐBQH ủng hộ từng phương án chênh lệch nhau không lớn, đồng thời đều chưa vượt quá 50% tổng số ĐBQH nên Ủy ban Thường vụ QH đã trình cả hai phương án như thể hiện tại dự thảo để QH xem xét, quyết định.
“Đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ QH tán thành phương án 1, vì qua tổng kết thi hành luật cho thấy về cơ bản không có khó khăn, vướng mắc do thiếu biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC” - ông Hoàng Thanh Tùng nói.
Kết quả bấm nút riêng quy định này trước khi thông qua toàn bộ dự thảo luật có 390/452 ĐB đồng ý phương án 1. Đó là không bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước.
Không cho phép nộp tiền để tiếp tục sử dụng tang vật bị tịch thu
Cũng theo ông Hoàng Thanh Tùng, trong quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị quy định nộp tiền bằng giá trị tang vật, phương tiện bị tịch thu là một hình thức xử phạt. Tuy nhiên, ý kiến khác lại đề nghị quy định nộp tiền bằng giá trị tang vật, phương tiện bị tịch thu là hình thức thi hành quyết định xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện VPHC.
Liên quan đến vấn đề này, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng việc tịch thu tang vật, phương tiện VPHC không chỉ nhằm mục đích buộc cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu trách nhiệm đối với hành vi trái pháp luật của mình. Việc này còn để bảo đảm tang vật, phương tiện đó không được tiếp tục sử dụng, lưu hành trong xã hội.
“Việc cho người vi phạm nộp khoản tiền bằng với giá trị tang vật, phương tiện bị tịch thu và cho họ sử dụng tang vật, phương tiện đó là không hợp lý” - ông Tùng nêu ý kiến.
Riêng đối với trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc đã được đăng ký thế chấp tài sản, ông Tùng cho biết người vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương với giá trị tang vật, phương tiện bị tịch thu theo quy định tại khoản 1 Điều 126 của Luật Xử lý VPHC 2012.
Giao Chính phủ quy định về thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính Cũng trong quá trình thảo luận, góp ý xây dựng dự án luật, một số ý kiến đề nghị giữ quy định về thời hạn lập biên bản như hiện hành. Cũng có ý kiến đề nghị nâng thời hạn lập biên bản của từng trường hợp để bảo đảm tính khả thi. Ủy ban Thường vụ QH cho rằng khoản 1 Điều 58 của Luật Xử lý VPHC hiện hành quy định người có thẩm quyền phải kịp thời lập biên bản, dẫn tới một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành do không định lượng được thế nào là “kịp thời”. Để giải quyết bất cập này, Chính phủ đã trình QH sửa đổi nội dung này theo hướng quy định cụ thể thời hạn lập biên bản trong từng trường hợp. Tuy nhiên, qua tổng hợp các ý kiến góp ý cho thấy việc quy định cụ thể thời hạn lập biên bản như dự thảo luật để áp dụng chung cho tất cả lĩnh vực là chưa thực sự phù hợp, chưa bảo đảm tính khả thi do hành vi VPHC rất đa dạng. “Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo luật theo hướng quy định nguyên tắc phải kịp thời lập biên bản”và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này” - ông Tùng cho hay. Cạnh đó, dự thảo luật cũng đã được tiếp thu, chỉnh lý đối với quy định về địa điểm lập biên bản, nội dung của biên bản, việc ký, gửi biên bản, việc chuyển biên bản VPHC trong trường hợp không thuộc thẩm quyền xử phạt… Chưa bổ sung mức phạt tiền tối đa với “lĩnh vực dân tộc” Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay có ý kiến đề nghị bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa đối với lĩnh vực dân tộc. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng hiện một số hành vi vi phạm như xúc phạm dân tộc, gây mất đoàn kết dân tộc, phương hại đến truyền thống văn hóa dân tộc, kỳ thị dân tộc... đã được quy định trong các nghị định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực báo chí, văn hóa, du lịch... Trong lần sửa đổi này, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị chưa bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa đối với lĩnh vực dân tộc. Trong quá trình thi hành luật, nếu cần thiết phải tách riêng lĩnh vực này, Chính phủ có thể quy định sau khi báo cáo và được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ QH theo quy định tại khoản 4 Điều 24 Luật Xử lý VPHC. |