vĐồng tin tức tài chính 365

Mobile money - bài học từ các nước

2020-11-14 08:21

Mobile money - bài học từ các nước

Lưu Minh Sang (*)

(TBKTSG) - Tiền di động (mobile money) được kỳ vọng sẽ trở thành một mảnh ghép quan trọng cho bức tranh tài chính toàn diện tại Việt Nam. Tuy nhiên cũng có những quan ngại về sự phù hợp của việc triển khai mobile money trong bối cảnh của Việt Nam.

Bối cảnh thị trường và dư địa phát triển

Mobile money là tiền điện tử do một tổ chức trung gian thanh toán phát hành và định danh khách hàng dựa trên dữ liệu gắn liền với tài khoản thuê bao di động. Tổ chức phát hành mobile money có thể là các ngân hàng nhưng phổ biến nhất vẫn là các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông (MNO). Mobile money sẽ là phương tiện thanh toán hiệu quả và linh hoạt cho những người không được tiếp cận dịch vụ ngân hàng (không có tài khoản ngân hàng) ở vùng nông thôn, đặc biệt khu vực chưa được bao phủ Internet.

Ở các nước đang phát triển như Kenya, Haiti, Bangladesh, Philippines, Indonesia…, mobile money đã tạo ra những thay đổi lớn khi mà người dân ở vùng nông thôn được tiếp cận dịch vụ chuyển tiền, thanh toán an toàn, nhanh chóng và tiết kiệm nhiều chi phí so với dùng tiền mặt.

Nhờ đó thúc đẩy tài chính toàn diện ở khu vực vùng sâu, vùng xa, giúp cơ quan quản lý kiểm soát lượng tiền trong lưu thông, tiến tới chiến lược quốc gia về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Vì vậy, mobile money được đánh giá là một phần quan trọng trong chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện đối với các quốc gia đang phát triển.

So sánh bối cảnh thị trường tại các nước triển khai hiệu quả mobile money, người viết nhận thấy Việt Nam hiện có dư địa lớn dành cho dịch vụ này. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết tháng 6-2020, Việt Nam đang có 126,95 triệu thuê bao di động(1), tuy nhiên tỷ lệ sử dụng Internet chỉ chiếm khoảng 70% người dân cả nước(2) - tập trung chủ yếu ở khu vực thành thị. 

Cần nhất quán với tôn chỉ ưu tiên cho mục tiêu phổ cập tài chính và tạo ra một thị trường cạnh tranh công bằng. Đồng thời, hướng đến việc hỗ trợ, khuyến khích sự hợp tác, cấy ghép các dịch vụ ngân hàng với mobile money để các bên cùng đạt được lợi ích.

Mặt khác, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản ngân hàng tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 70%, còn 30% chưa có tài khoản đều là đối tượng khó tiếp cận với hệ thống ngân hàng truyền thống(3).

Việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch dân sự tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn còn phổ biến. Đồng thời, mạng lưới các địa điểm giao dịch của ngân hàng tại những nơi này thì rất ít và hầu như không có. Hiện tại, trên 50% số xã của Việt Nam chưa có chi nhánh ngân hàng. Do đó người dân vẫn còn phải đi rất xa và vất vả mới tiếp cận được dịch vụ ngân hàng.

Mặt khác, số thuê bao di động tại Việt Nam đã vượt ngưỡng 100% dân số và người dân cũng đã hình thành thói quen sử dụng thuê bao di động. Đây là lợi thế cho việc triển khai mobile money tại Việt Nam trong hoạt động thanh toán nhanh các giao dịch có giá trị nhỏ với chi phí thấp, đặc biệt với người dân ở vùng sâu, vùng xa.

Thách thức từ hệ thống ngân hàng

Thực tế tại một số nước, điển hình như Kenya, cho thấy tồn tại một sự mâu thuẫn nhất định giữa hệ thống ngân hàng và tổ chức phát hành mobile money phi ngân hàng. Bởi không ít thì nhiều, mobile money được triển khai cũng sẽ cạnh tranh trực tiếp với dịch vụ thanh toán của hệ thống ngân hàng.

Trong thời gian đầu triển khai mobile money, các ngân hàng đã gây áp lực lên ngân hàng trung ương nước này để yêu cầu xếp dịch vụ mobile money vào dịch vụ thanh toán và chịu sự điều chỉnh nghiêm ngặt như đối với các ngân hàng. Điều này gây cản trở không nhỏ cho quá trình triển khai và phát triển của mobile money tại Kenya.

Nếu so với Kenya hay những đại diện điển hình trong việc triển khai thành công mobile money như Philippines hay Indonesia thì mức độ phổ cập các dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam cao hơn. Các dịch vụ thanh toán di động như thẻ ngân hàng, ví điện tử đã hình thành và đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, sự cạnh tranh hay tâm lý “thù địch” giữa hệ thống ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán với nhà cung cấp dịch vụ mobile money phi ngân hàng hoàn toàn có thể xảy ra, thậm chí gay gắt.

Giải pháp của Kenya là xác định rõ mobile money không phải là một hoạt động ngân hàng và được điều chỉnh bởi một khung pháp lý riêng với mức độ quản lý đơn giản hơn tương ứng với mức độ rủi ro. Các nhà quản lý đã tiếp cận mobile money với tôn chỉ phổ cập dịch vụ tài chính quan trọng hơn so với việc bảo hộ cho hệ thống ngân hàng.

Từ kinh nghiệm các nước cho thấy, cơ quan hoạch định chính sách và cơ quan quản lý cần nhất quán với tôn chỉ ưu tiên cho mục tiêu phổ cập tài chính và tạo ra một thị trường cạnh tranh công bằng. Đồng thời, cơ chế quản lý cần hướng đến việc hỗ trợ, khuyến khích sự hợp tác, cấy ghép các dịch vụ ngân hàng với mobile money để các bên cùng đạt được lợi ích.

Thách thức pháp lý

Sự thành bại trong việc triển khai mobile money đến từ nhiều yếu tố, nhưng khung pháp lý và cơ chế quản lý vẫn luôn là một thách thức lớn và mang tính then chốt. Điển hình như tại Philippines, mobile money được triển khai từ năm 2001 nhưng đến năm 2009 vẫn phát triển rất chậm.

Nguyên nhân chính là do những quy định không cần thiết trong việc đặt ra các điều kiện đối với tổ chức đại lý. Theo đó, muốn trở thành đại lý dịch vụ mobile money, tổ chức đại lý phải có giấy phép kinh doanh chuyển tiền và bắt buộc phải tham dự lớp đào tạo về phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố (thường chỉ tổ chức tại thủ đô và vào giờ làm việc).

Cho đến khi các rào cản về điều kiện kinh doanh đại lý mobile money được thay đổi theo chiều hướng phù hợp hơn vào năm 2008 (bằng cách cho phép nhà cung cấp được tự đào tạo các đại lý dựa trên tài liệu do ngân hàng trung ương nước này phát hành) thì mobile money mới thực sự phát triển mạnh.

Đúc rút từ những bằng chứng cụ thể tại các nước đã triển khai mobile money cho thấy sự cần thiết phải có khung pháp lý được thiết kế một cách linh hoạt phù hợp với từng giai đoạn phát triển của dịch vụ này. Cơ chế quản lý nên bắt đầu từ việc thiết kế khung thử nghiệm, vận hành cơ chế hợp tác, phản hồi giữa các bên liên quan để liên tục tinh chỉnh khung pháp lý cho phù hợp với nhu cầu và thực tế của thị trường.

Điểm cốt lõi trong cơ chế quản lý là tìm được điểm cân bằng giữa mục tiêu khuyến khích các nhà cung cấp mobile money gia nhập thị trường và mục tiêu bảo vệ quyền lợi người dùng. Trong giai đoạn đầu tạo dựng thị trường thì cơ chế quản lý cần nghiêng về đồng hành và giám sát. Khi thị trường bắt đầu bùng nổ, cơ chế quản lý sẽ được siết chặt để đảm bảo kỷ luật thị trường, tránh biến tướng.

Việt Nam là nước đi sau nên việc xây dựng khung pháp lý và định hình cơ chế quản lý sẽ có nhiều thuận lợi hơn từ những bài học thực nghiệm của các nước. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, cơ chế quản lý đối với mobile money vẫn đang là một ẩn số. Khung pháp lý vẫn chưa được công bố chính thức và mọi thứ chỉ mới dừng ở chủ trương và mục tiêu. Có lẽ đây sẽ là thách thức pháp lý đầu tiên cần phải vượt qua.

(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM

(1) https://vnpt.com.vn/tin-tuc/thue-bao-bang-rong-di-dong-cua-viet-nam-tang-truong-manh.html

(2) Báo cáo Digital Vietnam 2020 của We are social, https://vnetwork.vn/news/thong-ke-internet-viet-nam-2020

(3) http://baochinhphu.vn/Tai-chinh/NHNN-trien-khai-ke-hoach-tai-chinh-toan-dien-de-phat-trien-ben-vung/407378.vgp

(4) Simone di Castri, ‘Mobile Money: Enabling Regulatory Solutions’ [2013] SSRN Electronic Journal .

Xem thêm: lmth.coun-cac-ut-coh-iab--yenom-elibom/584013/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Mobile money - bài học từ các nước”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools