vĐồng tin tức tài chính 365

Đừng quên, thị trường trong nước mới là bệ phóng để vươn ra thế giới

2020-11-14 08:21

Đừng quên, thị trường trong nước mới là bệ phóng để vươn ra thế giới

Dương Văn Học (*)

(TBKTSG) - Những hợp đồng trị giá tỉ đô vừa được ký kết bên thềm chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản và Ngoại trưởng Mỹ đã cho thấy sự thật hiển nhiên của xu thế tái cơ cấu chuỗi cung ứng. Chính phủ Việt Nam đương nhiên rất quan tâm và đã có những động thái để nắm bắt cơ hội từ xu thế này, như thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng công nghiệp, xem xét lại hệ thống giao thông và cảng biển; tính toán về việc đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ... Nhưng như thế thì vẫn chưa đủ.

Việc kêu gọi người dân ưu tiên dùng hàng Việt sẽ khó thành công nếu chỉ dựa vào lòng yêu nước. Ảnh: THÀNH HOA

Thị trường trong nước có lớn mạnh thì nhà đầu tư mới đến

Dường như chúng ta đang “gầy dựng” một tiềm năng sản xuất chiến lược để thúc đẩy lợi thế cạnh tranh quốc gia (yếu tố cung của nền kinh tế). Tuy nhiên, còn một yếu tố khác mà có vẻ cơ quan ra chính sách chưa quan tâm đúng mức và cũng ít được đề cập trên các kênh thảo luận: đó là củng cố và phát triển thị trường tiêu dùng trong nước đi đôi với đẩy mạnh xây dựng niềm tin người tiêu dùng.

Theo nhà kinh tế học được xếp vào “thinkers” của thế giới đương đại, Michael E. Porter, nhu cầu trong nước là một trong bốn thành tố chính yếu của lợi thế cạnh tranh quốc gia bên cạnh vai trò của Chính phủ. Cho nên, khi xây dựng chiến lược cạnh tranh hay thúc đẩy đổi mới nền kinh tế trong tương lai, chúng ta nhất định không thể bỏ qua yếu tố quan trọng này.

Kinh tế Việt Nam là nền kinh tế định hướng xuất khẩu, độ mở rất cao, rất phụ thuộc vào sức khỏe của các thị trường xuất khẩu cũng như nền kinh tế thế giới nói chung. Cuộc khủng hoảng kép năm 2020 lần này cho thấy rất rõ hệ quả tiêu cực của một nền kinh tế định hướng xuất khẩu mà chưa chú trọng đúng mức đến phát triển thị trường tiêu dùng trong nước, xây dựng, bảo vệ niềm tin đối với người tiêu dùng.

Xét trên khía cạnh hội nhập kinh tế quốc tế, niềm tin và xu hướng tiêu dùng trong nước sẽ là rào cản tự nhiên, hợp pháp và bền vững giúp chúng ta chống chọi lại những cam kết mở cửa thị trường ngày càng khắt khe trong tương lai.

Hàng nông nghiệp luôn được coi là bệ đỡ cho nền kinh tế lúc lâm nguy, vì cơ bản nó gắn liền với nhu cầu hàng ngày của người dân. Vậy, tại sao chúng ta không thể thúc đẩy hơn nữa lợi thế tiêu dùng tương tự này cho các mặt hàng khác ngoài nông nghiệp?

Kinh nghiệm trải qua các thăng trầm của những ngôi sao kinh tế ở châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, cho thấy thị trường tiêu dùng trong nước là điểm tựa vững chắc cho nền kinh tế nước này lúc bình thường cũng như lúc rơi vào khủng hoảng. Và từ bệ phóng này, nền kinh tế của họ vươn ra thế giới.

Thực tiễn cho thấy qua quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, có vẻ Chính phủ nước ta chưa đặt yếu tố thị trường tiêu dùng và người tiêu dùng trong nước đúng với tầm quan trọng của nó trong quản lý nhà nước cũng như chính sách hỗ trợ. Sự gần gũi và yếu tố văn hóa - xã hội làm cho đặc trưng tiêu dùng và nhu cầu của thị trường trong nước là một lợi thế cạnh tranh của quốc gia.

Trong khi các nước khác coi Việt Nam và người tiêu dùng Việt là một thị trường tiềm năng để khai thác, thì cớ sao doanh nghiệp và Chính phủ lại thiếu động thái rõ ràng nhằm thúc đẩy, bảo vệ và làm lành mạnh hóa thị trường tiêu dùng trong nước, trong khi chính doanh nghiệp chúng ta, về nguyên tắc, lại là người có lợi thế khai thác? Cho nên, chúng ta nhất định phải xây chắc bệ đỡ là thị trường tiêu dùng trong nước thì mới mong doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam tiến sâu, tiến xa trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động, khó lường.

Niềm tin của người tiêu dùng là lá chắn bảo vệ tốt nhất

Niềm tin của người tiêu dùng là một trong những yếu tố quyết định của thị trường tiêu dùng nói chung. Nhìn từ thực tiễn, vấn đề này càng xấu đi trong những năm gần đây khi hàng loạt vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm xảy ra, làm dần mất đi lòng tin, sự kiên nhẫn của người tiêu dùng trong nước.

Việc kêu gọi người dân ưu tiên dùng hàng Việt sẽ khó thành công nếu chỉ dựa vào lòng yêu nước, mà Nhà nước và doanh nghiệp cần có cam kết rõ ràng về chất lượng, bảo vệ người tiêu dùng, củng cố và phát triển thị trường tiêu dùng nội địa.

Việt Nam với mức thu nhập ngày càng tăng cao và tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh sẽ có nhu cầu tiêu dùng quy mô, thêm vào đó là những yêu cầu khắt khe về chất lượng và sự bảo vệ từ phía Nhà nước. Việc người Việt Nam dần mất lòng tin với chính những gì mình sản xuất ra, sính hàng ngoại, là điều dễ hiểu.

Trong những năm đổi mới kinh tế tiếp theo, chúng ta (Nhà nước và phía doanh nghiệp) nhất định phải nhìn nhận lại, phải xây dựng lòng tin, phát triển bền vững, củng cố và bảo vệ thị trường tiêu dùng trong nước đặt trong bối cảnh phù hợp với các cam kết quốc tế.

Càng hội nhập sâu vào kinh tế khu vực và thế giới, thì các cam kết quốc tế về sau càng “bó chặt” sự can thiệp của Nhà nước đối với thị trường. Điều này nói lên rằng, chúng ta phải làm càng sớm càng tốt để xây dựng thị trường tiêu dùng trong nước lớn mạnh, gây dựng niềm tin vững chắc vào những gì ta sản xuất ra trên chính đất nước chúng ta.

Ngược lại, càng làm trễ thì có thể càng gặp những rắc rối mà chính những cam kết mở cửa nền kinh tế đó đem lại. Ví dụ, các nước khác, điển hình là Mỹ, cứ phàn nàn là tại sao khó thâm nhập thị trường Nhật Bản cho những mặt hàng như ô tô hay hàng tiêu dùng, vì cơ bản chính Chính phủ Nhật và người Nhật đã tạo ra niềm tin khó lung lay cho các sản phẩm Made in Japan.

Xét trên khía cạnh hội nhập kinh tế quốc tế, niềm tin và xu hướng tiêu dùng trong nước sẽ là rào cản tự nhiên, hợp pháp và bền vững giúp chúng ta chống chọi lại những cam kết mở cửa thị trường ngày càng khắt khe trong tương lai. Nói là hợp pháp bởi vì niềm tin của người tiêu dùng và nhu cầu thị trường là một thành tố, một xu hướng không phải “rõ ràng” là do sự can thiệp từ phía Chính phủ, không có luật lệ thương mại quốc tế nào có thể cáo buộc Chính phủ vì những đặc tính “tự nhiên” của thị trường nội địa.

(*) Giảng viên, trường Đại học Cần Thơ. Nghiên cứu sinh tại Đại học Quốc gia Yokohama, Nhật Bản

Xem thêm: lmth.ioig-eht-ar-nouv-ed-gnohp-eb-al-iom-coun-gnort-gnourt-iht-neuq-gnud/684013/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Đừng quên, thị trường trong nước mới là bệ phóng để vươn ra thế giới”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools