Đóng cửa 5 sân bay để ứng phó bão Vamco giật cấp 17
T.H
(TBKTSG Online) - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vào lúc 8 giờ ngày 14-11, vị trí tâm bão số 13 (bão Vamco) khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc, 111,2 đô Kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 322km, Thừa Thiên Huế khoảng 416km, Quảng Trị khoảng 467km. Sức gió mạnh nhất cấp 14 (150-165km/giờ), giật cấp 17. Do ảnh hưởng bão số 13, các tỉnh Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa to; Cục Hàng không Việt Nam đã có quyết định tạm dừng khai thác 5 sân bay tại miền Trung như Chu Lai, Đà Nẵng, Phú Bài, Đồng Hới và Vinh.
Tạm thời đóng cửa 5 sân bay tại khu vực miền Trung, gồm Chu Lai, Đà Nẵng, Phú Bài, Đồng Hới, Vinh từ 9 giờ ngày 14-11 đến 20 giờ ngày 15-11, để ứng phó bão Vamco đang mạnh lên. Ảnh minh họa: TTXVN |
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo, từ ngày 14 đến 16-11, từ phía Nam Nghệ An đến Quảng Nam có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 150-250 mm/đợt, có nơi trên 350mm; ở Thanh Hóa, phía Bắc Nghệ An và Quảng Ngãi có mưa to với lượng mưa từ 50-150mm. Dự báo bão di chuyển hướng Tây cho tới khi cách bờ biển Việt Nam khoảng 250 km sau đó chuyển hướng Tây Tây Bắc, tiếp cận bờ Trung và Bắc Trung bộ rồi vào bờ ở khu vực Quảng Trị - Quảng Bình trong sáng ngày 15-11.
Tạm thời đóng cửa 5 sân bay
Do ảnh hưởng của bão số 13, một số sân bay tại khu vực miền Trung như Chu Lai, Đà Nẵng, Phú Bài, Đồng Hới, Vinh tạm thời đóng cửa và ngừng tiếp nhận tàu bay. Các hãng hàng không cũng đã điều chỉnh lịch khai thác đến và đi tại khu vực này.
Cụ thể, sân bay Chu Lai đóng cửa từ 9 giờ ngày 14-11 đến 10 giờ ngày 15-11. Sân bay Đà Nẵng đóng cửa từ 12 giờ ngày 14-11 đến 10 giờ ngày 15-11. Sân bay Phú Bài đóng cửa từ 14 giờ ngày 14-11 đến 10 giờ ngày 15-11. Sân bay Đồng Hới đóng cửa từ 19 giờ ngày 14-11 đến 20 giờ ngày 15-11. Sân bay Vinh đóng cửa từ 6 giờ ngày đến 20 giờ ngày 15-11.
Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện tổ chức trực 24/24 giờ theo quy chế Trực ban phòng, chống thiên tai trong ngành hàng không dân dụng.
Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam chỉ đạo các cơ sở cung cấp dịch vụ khí tượng hàng không tăng cường công tác đảm bảo chất lượng thông tin khí tượng; liên tục theo dõi tình hình thời tiết trong khu vực trách nhiệm, cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo; cung cấp đầy đủ kịp thời thông tin quan trắc, dự báo, cảnh báo tới người dùng.
Các cảng hàng không, hãng hàng không, các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay tăng cường công tác phối hợp; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để điều chỉnh kế hoạch hoặc thay đổi lịch bay tại một số địa phương có ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 13 và đảm bảo an toàn tuyệt đối hoạt động bay.
Trước đó, từ chiều 13-11, UBND tỉnh Nghệ An có công điện hỏa tốc số 44/CĐ-UBND về việc cấm tàu thuyền ra khơi kể từ 17 giờ ngày 13-11. Các tàu thuyền đang hoạt động trên biển phải về bờ neo đậu để đảm bảo an toàn trước 10 giờ ngày 14-11.
Cưỡng chế Thủy điện Thượng Nhật phải mở 5 cửa van
Trong một diễn biến có liên quan đến bão số 13, sáng 14-11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết tỉnh đã triển khai biện pháp cưỡng chế Thủy điện Thượng Nhật phải mở 5 cửa van để ứng phó với bão, sau khi tự ý tích nước khi chưa được cấp phép.
Hiện nay, đơn vị quản lý Thủy điện Thượng Nhật đã chấp hành lệnh mở hoàn toàn các cửa van.
Chính quyền địa phương xã Thượng Nhật và huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế) sẽ trực tiếp giám sát việc mở các cửa van này.
Trước đó, trong các văn bản chỉ đạo ứng phó với mưa bão, tỉnh Thừa Thiên Huế đều yêu cầu những công trình thủy điện đang thi công dở dang, công trình chưa được phép tích nước, các công trình không đảm bảo điều kiện vận hành an toàn không được phát điện, duy trì cửa van ở trạng thái mở hoàn toàn, xả nước để phòng lũ.
Tỉnh cương quyết xử lý các chủ đập không thực hiện đúng pháp luật về phòng, chống thiên tai.
Công trình Nhà máy Thủy điện Thượng Nhật do Công ty Cổ phần đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam làm chủ đầu tư, có công suất 11MW, hiện chưa được các cơ quan chức năng cấp phép để tích nước. Tuy nhiên, đơn vị quản lý công trình này nhiều lần vi phạm quy định, tự ý tích nước hồ.
Cuối tháng 10-2020, Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã có văn bản gửi Tổng công ty Điện lực miền Trung đề nghị không mua điện đối với Nhà máy Thủy điện Thượng Nhật, cho đến khi được các cơ quan chức năng cho phép tích nước.
Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế, sáng 14-11, bão số 13 đã mạnh lên cấp 13-14, giật cấp 17 và di chuyển nhanh hơn dự kiến.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát đi thông báo khẩn, thay đổi thời gian yêu cầu người dân không ra khỏi nhà để ứng phó với cơn bão nguy hiểm này.
Cụ thể, người dân trên địa bàn tỉnh không được ra khỏi nhà từ 12 giờ ngày 14-11 (trừ lực lượng chức năng, cứu hộ, cứu nạn) cho đến khi có thông báo mới. Đồng thời, các địa phương, lực lượng liên quan khẩn trương sơ tán dân ở các khu vực ven biển, ven sông có nguy cơ sạt lở đất, ngập úng..., hoàn thành trước 9 giờ ngày 14-11.
Theo kế hoạch, các địa phương trong tỉnh đang hoàn tất việc di dời tập trung và tại chỗ 19.671 hộ dân, với 65.890 khẩu đến nơi an toàn. Trong ngày 14-11, học sinh trên địa bàn tỉnh cũng được thông báo nghỉ học.
Đến nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức bắn pháo hiệu, kêu gọi 2.062 tàu thuyền với 11.350 lao động đã vào bờ, phối hợp với các đơn vị, địa phương ven biển hướng dẫn tàu thuyền tránh trú, neo đậu tại bến.
Tổng hợp từ Chinhphu.vn, TTXVN
Xem thêm: lmth.71-pac-taig-ocmav-oab-ohp-gnu-ed-yab-nas-5-auc-gnod/956013/nv.semitnogiaseht.www