Trong văn bản vừa gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư, UBND TP Huế xin nhiều cơ chế, chính sách đặc thù đối với địa phương này.
Trong đó, đáng chú ý là chính sách cho phép tỉnh Thừa Thiên – Huế được để lại 100% phí tham quan di tích, sử dụng cho mục đích bảo tồn và trùng tu các giá trị di sản văn hóa.
Cạnh đó, được tiếp nhận ngân sách nhà nước, nguồn huy động từ các tổ chức, cá nhân khi thành lập quỹ bảo tồn di sản Huế, để đẩy nhanh tiến độ tu bổ, tôn tạo và phục hồi di sản văn hóa Huế.
Thừa Thiên - Huế xin thí điểm mô hình đô thị trực thuộc Trung ương. Ảnh: VIẾT LONG
Ngoài ra, tỉnh này cũng xin thực hiện thí điểm mô hình đô thị Thừa Thiên - Huế trực thuộc Trung ương. Trong đó, bao gồm thành phố Huế mở rộng, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, thị xã Phong Điền và năm huyện. Song song đó, được áp dụng định mức phân bổ chi thường xuyên trong các thời kỳ ổn định ngân sách từ năm 2022 trở đi như các thành phố trực thuộc Trung ương khác.
Đặc biệt, tỉnh này đề xuất thống nhất chủ trương cho phép bố trí tái định cư, hỗ trợ lãi suất mua và xây nhà, bán nhà ở xã hội đối với các hộ gia đình có nhu cầu tách thửa xây dựng nhà ở trong khu vực kinh thành Huế, thuộc đối tượng không được tách thửa theo quy định về cơ chế bảo vệ nhà vườn.
Bởi hiện khu vực kinh thành Huế (vùng lõi) có khoảng 80.000 người đang sinh sống, không kể một số lượng lớn du khách trong và ngoài nước thường xuyên có mặt hằng ngày. Những tác động tiêu cực do hoạt động của con người gây ra trong thời gian gần đây, xuất phát từ áp lực của sự phát triển du lịch… “Nếu có chính sách phù hợp, người dân sẽ di dời, hình thành không gian của phố cổ phục vụ hoạt động du lịch, dịch vụ…”- tỉnh này nhấn mạnh.
Thừa Thiên – Huế cũng đề nghị Chính phủ có chính sách ưu tiên bố trí vốn cho các dự án trọng điểm, đặc biệt là dự án di dời khu vực I kinh thành giai đoạn 2 (khoảng 3.000 tỉ đồng) và trùng tu khẩn cấp các di sản đang xuống cấp nghiêm trọng...
Liên quan đến các đề xuất này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Duy Đông vừa có văn bản xin ý kiến các bộ, ngành để báo cáo Chính phủ, trước khi trình lên Ủy ban Thường vụ quốc hội xem xét quyết định.