Hoạt động gia tăng, liều lĩnh, phức tạp
Theo Công an TX.Tân Uyên, trong những năm gần đây, tình hình tội phạm về lĩnh vực kinh tế ngày càng gia tăng với thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong lĩnh vực đất đai, loại tội phạm này hoạt động rất tinh vi, khó lường, gây thiệt hại lớn về tài sản cho người dân, làm mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Lợi dụng người dân có nhu cầu mua bất động sản (đất nền, nhà ở,...) với giá rẻ nhưng không tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan đến bất động sản cần mua, các đối tượng đã dùng thủ đoạn đưa ra thông tin sai lệch để người mua tin tưởng.
Thực tế, chúng không đứng tên quyền sử dụng đất (không có đất) nhưng tự vẽ, in các sơ đồ phân lô (đất nền) để quảng cáo, chào bán, sau đó nhận tiền đặt cọc rồi bỏ trốn.
Ngoài ra, thông qua mối quan hệ từ trước, các đối tượng tạo lòng tin cho người mua là đang kinh doanh ngành nghề môi giới bất động sản đem lại lợi nhuận cao để huy động vốn, vay mượn tiền...
Sau khi chiếm đoạt được tài sản, chúng sẽ tuyên bố mất khả năng chi trả và bỏ trốn.
Điển hình một số vụ việc đã bị cơ quan chức năng điều tra, xử lý như vụ công ty TNHH Dịch vụ tư vấn môi giới bất động sản Gia Kỳ tại phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên có hành vi lừa đảo với tổng số tiền là 1 tỷ 320 triệu đồng thông qua hình thức ký kết hợp đồng đặt cọc mua, bán đất nền…
Bên cạnh đó, còn xuất hiện thêm thủ đoạn, đối tượng chỉ có 1 quyền sử dụng đất (1 thửa đất) nhưng chuyển nhượng cho nhiều người nhằm chiếm đoạt tài sản.
Điển hình, là vụ đối tượng Bùi Văn An (SN 1959, thường trú tại phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên) có hành vi ký kết hợp đồng chuyển nhượng 1 thửa đất nhưng nhận tiền đặt cọc với nhiều người, chiếm đoạt tổng số tiền là 524 triệu đồng, sau đó bỏ trốn.
Rủi ro luôn rình rập
Theo tìm hiểu của PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Bình Dương một số dự án có hình thức quảng cáo, rao bán, đặt cọc giữ chỗ, huy động vốn trái phép… khi dự án chưa được phê duyệt, chưa triển khai cơ sở hạ tầng, chưa được cấp duyệt mở bán.
Đơn cử, như dự án Alva Plaza nằm trên địa bàn ấp Bình Thuận, phường Thuận Giao (TP.Thuận An, Bình Dương) do công ty Cổ phần Bất động sản Việt An làm chủ đầu tư và công ty Cổ phần đầu tư VietHome (công ty VietHome) làm đơn vị phân phối và phát triển độc quyền là một trong những trường hợp khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn về độ an toàn cho cả khách hàng lẫn các nhà đầu tư bất động sản?
Theo tìm hiểu của PV, công ty Cổ phần Đầu tư VietHome thu tiền của khách hàng từ đầu năm 2020. Mỗi căn hộ thu tối thiểu 30 triệu đồng và yêu cầu khách hàng cam kết đây là mức “phí tìm hiểu”, hoặc “ưu tiên mua…”.
Tại văn bản sở Xây dựng tỉnh Bình Dương phản hồi cho tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, nêu: “Dự án Khu phức hợp thương mại căn hộ Việt An tại phường Thuận Giao, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương được UBND tỉnh chấp thuận cho công ty Cổ phần Bất động sản Việt An đăng ký đầu tư tại Công văn số 496/UBND-KT ngày 10/2/2020. Hiện nay, công ty đang thực hiện các bước tiếp theo để triển khai thực hiện dự án.
Đến nay, Khu phức hợp thương mại căn hộ Việt An chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tên thương mại là Alva Plaza, chưa có văn bản xác nhận chủ đầu tư dự án Khu phức hợp thương mại căn hộ Việt An được huy động vốn cho phát triển nhà ở thương mại theo quy định”.
Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, trong quý 1/2020 đã kiểm tra và ban hành 114 quyết định xử lý vi phạm hành chính, bình quân 1,2 vụ/ngày. Trong 114 trường hợp vi phạm có 76 trường hợp xây dựng không phép, 7 trường hợp xây dựng sai phép và 35 trường hợp vi phạm khác. Tổng số tiền phạt là 5,6 tỷ đồng, trong đó các tổ chức, cá nhân đã nộp phạt 4,9 tỷ đồng.
Tháng 3/2020, Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án liên quan đến Công ty bất động sản Phú Đại Tín, trụ sở tại số 52 đường Phú Lợi, phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương không có dự án nào nhưng đã rao bán và nhận tiền đặt chỗ hàng tỷ đồng của khách hàng.
Mới đây, Công an tỉnh Bình Dương cũng đã vào cuộc vụ nhiều khách hàng tổ cáo công ty CP TMDV-XDĐT PT địa ốc Bình Dương City Land (công ty Bình Dương City Land, địa chỉ tại P.Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một) có dấu hiệu lừa đảo.
Tương tự, tháng 8/2020, phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bình Dương tiếp nhận hàng chục đơn tố cáo của người dân, liên quan đến việc công ty cổ phần đầu tư & phát triển địa ốc SP Land (công ty SP Land) bán đất nền tại dự án Khu dân cư An Điền 1 và An Điền 2 (xã An Điền, thị xã Bến Cát), khi 2 dự án chưa đủ cơ sở pháp lý, có dấu hiệu lừa đảo khách hàng.
Cơ quan Công an cảnh báo, để tránh rủi ro cho người dân và khách hàng với các vụ việc tương tự, khuyến cáo các cơ quan, tổ chức và người dân cần nâng cao cảnh giác, khi giao dịch mua bán về lĩnh vực bất động sản cần tìm hiểu kỹ thông tin có liên quan đến bất động sản cần mua, để tránh trường hợp bị lừa đảo.
Nếu xảy ra trường hợp bị lừa đảo, hay phát hiện các hành vi nghi vấn lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến bất động sản, người dân cần nhanh chóng thông báo cho cơ quan Công an các địa phương nơi xảy ra vụ việc để kịp thời điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 55 luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định, điều kiện bất động sản hình thành trong tương lai nếu được đưa vào kinh doanh thì phải có giấy phép xây dựng, giấy tờ nghiệm thu về việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo Nghị định 139/2017 có hiệu lực từ ngày 15/01/2018, phạt tiền từ 250 triệu – 300 triệu đồng đối với trường hợp chủ đầu tư huy động hoặc chiếm dụng vốn trái phép, sử dụng vốn huy động của tổ chức cá nhân hoặc tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích cam kết.
Nghị định 139/2017 cũng thể hiện, nếu sàn giao dịch bất động sản nào đưa lên sàn giao dịch sản phẩm bất động sản không đủ điều kiện kinh doanh sẽ bị xử phạt 40 triệu – 50 triệu đồng và bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản từ 6 - 12 tháng.