Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Wendy Matthews
* Sau thời gian đàm phán kéo dài, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), hiệp định thương mại tự do lớn nhất hành tinh, dự kiến sẽ được thông qua ngày 15-11 ở Việt Nam. Việt Nam và New Zealand có thể kỳ vọng gì từ thỏa thuận này, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, thưa bà?
- Việt Nam và New Zealand đã cùng tham gia một số hiệp định thương mại tự do (FTA) trước đó, có thể kể đến như Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Úc - New Zealand và mới đây là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Chỉ tính riêng FTA giữa ASEAN - Úc - New Zealand đã giúp tăng giá trị tổng giá trị thương mại lên 336%.
Do đó chúng tôi kỳ vọng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) dự kiến được ký trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 sẽ mang tới nhiều cơ hội hợp tác thành công mới cho cả Việt Nam và New Zealand.
Điểm nhấn nổi bật nhất của RCEP là tác động đến chuỗi cung ứng và môi trường kinh doanh khu vực, tạo điều kiện linh động hơn cho việc chuyển dịch hàng hoá giữa 15 nước thành viên.
Bên cạnh các vấn đề kỹ thuật, RCEP còn thể hiện cam kết chính trị của New Zealand, Việt Nam và các nước thành viên khác trong việc tăng cường hội nhập kinh tế. Trong những năm gần đây, chúng ta đã nhận thấy sự gia tăng của các rào cản phi thuế quan và chủ nghĩa bảo hộ trên toàn cầu. Và sứ mệnh của RCEP là phát đi tính hiệu rằng những nước thành viên rất cởi mở trong tăng cường hợp tác thương mại, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn hoành hành.
* 2020 đánh dấu kỷ niệm 45 quan hệ ASEAN – New Zealand. Việt Nam và New Zealand cũng vừa thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào tháng 7 vừa qua. Bà đánh giá như thế nào về vai trò của Việt Nam trong nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN 2020?
- Hôm nay là đúng kỉ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao ASEAN - New Zealand. Thủ tướng Jacinda Ardern của chúng tôi sẽ gặp gỡ các lãnh đạo ASEAN nhân dịp này để cùng thảo luận xem đâu là lĩnh vực trọng tâm hợp tác giữa ASEAN và New Zealand trên 4 trụ cột chính: hòa bình, thịnh vượng, con người và hành tinh.
Việt Nam phải gánh vác những thách thức rất lớn khi nắm giữ vị trí chủ tịch ASEAN trong năm 2020 này và chúng tôi rất trân trọng những nỗ lực của Việt Nam trong việc vượt qua những đứt gãy gây ra bởi COVID-19 để đạt được những thành quả nhất định cho nhiệm kỳ này, đặc biệt là đóng góp vào các kế hoạch phục hồi hậu đại dịch cho khu vực.
Năm 2021, New Zealand sẽ chủ trì Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và chúng tôi đang tích cực học từ các kinh nghiệm tổ chức hội nghị trực tuyến mà Việt Nam có được để áp dụng vào năm sau.
Việc nâng quan hệ song phương lên mức đối tác chiến lược vào tháng 7 vừa qua là khởi đầu cho các hợp tác sâu rộng hơn trên nhiều lĩnh vực đồng thời phản ánh những mối quan tâm và lợi ích chung giữa hai nước, đặc biệt trong vấn đề thương mại, văn hoá, giáo dục.
* Đâu sẽ là trọng tâm hợp tác trong thời gian tới của Việt Nam và New Zealand sau khi hai nước đã nâng cấp quan hệ và RCEP có hiệu lực?
- Cả Việt Nam và New Zealand đều tự hào là những quốc gia nông nghiệp với các sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận. Hợp tác nông nghiệp song phương đã vượt qua trao đổi hàng hóa đơn thuần và tiến đến trao đổi kỹ thuật, nghiên cứu phát triển sản phẩm, trở thành một mắt xích không thể thiếu cho chuỗi cung ứng.
Bên cạnh những lĩnh vực hợp tác truyền thống, New Zealand đang mong muốn cùng Việt Nam đẩy mạnh phát triển công nghệ.
New Zealand là một nước có trình độ khoa học kỹ thuật cao. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng. Vì vậy tôi rất hi vọng trong thời gian tới hai bên có thể thắt chặt hợp tác trong lĩnh vực này, tạo điều kiện cho những người trẻ tài năng của Việt Nam được tiếp cận với tinh hoa công nghệ của New Zealand. Sự kết hợp này được kỳ vọng sẽ mở ra cánh cửa mới cho hợp tác giữa hai bên.
Thương mại hai chiều giữa Việt Nam và New Zealand, bất chấp trong thời điểm khó khăn vừa qua, vẫn chứng kiến sự tăng trưởng khoảng 60%.
Dù còn nhiều thách thức đối với chuỗi cung ứng, tôi nghĩ đây là một tính hiệu tích cực cho thấy vẫn còn đó động lực thúc đẩy thương mại hai nước. Nhiều công ty New Zealand đã bắt đầu thành lập các văn phòng đại diện ở Việt Nam nhằm đảm bảo trải nghiệm khách hàng ở mức độ cao nhất khi việc di chuyển giữa hai nước đang bị hạn chế. Các doanh nghiệp chúng tôi đã nhìn thấy nhiều cơ hội mở ra sau thời kỳ đen tối gây ra bởi COVID-19.
TTO - Ngày 12-11, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, tái khẳng định lập trường của Việt Nam về chính sách đối ngoại cũng như tính trung tâm và trung lập của ASEAN.