Cách đây ít ngày, căn cứ tờ trình của Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hải Dương, tỉnh này đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính bà Trần Thị Kim Oanh với số tiền 59 triệu đồng. Đồng thời, tịch thu gần 3.000 sản phẩm mỹ phẩm, hàng gia dụng nhập lậu có trị giá trên 90 triệu đồng. Đây là số hàng hóa do bà Oanh mua về để bán trên các trang mạng xã hội nhằm kiếm lời. Tất cả các sản phẩm này đều là hàng "ba không", tức không nhãn phụ, không hóa đơn, chứng từ và không được khai báo hải quan, kiểm soát ở khâu nhập khẩu.
Một kho mỹ phẩm lậu bị lực lượng QLTT phát hiện gần đây
Cũng mới đây, lực lượng QLTT tỉnh Quảng Ninh phối hợp với các đơn vị chức năng lật tẩy một kho hàng lớn chứa gần 8.000 sản phẩm thời trang nhập lậu và giả mạo các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Nike, Adidas, Chanel... Hầu hết sản phẩm thời trang này được bán thông qua nền tảng thương mại điện tử. Chủ kho hàng nêu trên đã bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng tiền phạt và trị giá hàng hóa trên 300 triệu đồng.
"Hằng ngày, đơn hàng được nhân viên của cơ sở chốt qua các trang thương mại điện tử, sau đó đóng hàng và sử dụng dịch vụ vận chuyển nhanh để phân phối. Thời điểm lực lượng QLTT ập vào kiểm tra, tại kho đang có 6 nhân viên đóng gói hàng để chuyển cho khách đã chốt đơn hàng" - đại diện cơ quan QLTT cho hay.
Ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục QLTT, cho biết tháng 7 vừa qua, khi QLTT phối hợp công an "đột kích" một kho hàng lậu ở Lào Cai và phát hiện hơn 160.000 sản phẩm giày dép, quần áo, mỹ phẩm nhái thương hiệu, lực lượng QLTT đã rất bất ngờ khi tất cả đều được tiêu thụ trên không gian mạng với số lượng tới 90.000 đơn hàng/tháng.
"Chi phí thuê kho hàng với diện tích trên 10.000 m2 chỉ 146 triệu đồng/tháng nhưng chi phí họ bỏ ra để chạy quảng cáo trực tuyến nhằm lôi kéo khách lên tới 400 triệu đồng/tháng và chi phí điện thoại để chốt đơn hàng là 200 triệu đồng/tháng. Với hoạt động livestream (phát trực tiếp) để bán hàng trên mạng, chỉ cần người xem bình luận, chia sẻ là họ lập tức chuyển tài khoản người xem đến bộ phận chốt đơn hàng…" - ông Minh giải thích về cách thức bán hàng online của chủ nhân kho hàng trên và cho biết bản thân lực lượng QLTT cũng hết sức ngạc nhiên với quy mô kinh doanh trên internet lớn đến vậy.
Theo đại diện Tổng cục QLTT, hàng loạt vụ việc lợi dụng mạng xã hội, các trang thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng bị phát hiện, xử lý gần đây cho thấy những lỗ hổng, hạn chế trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh trên không gian mạng. Để hạn chế rủi ro của người tiêu dùng khi giao dịch thông qua hình thức này, cần thiết phải có các công cụ đủ mạnh để quản lý có hiệu quả hoạt động thương mại điện tử vốn có nhiều tính năng ưu việt, thiết thực và là xu thế phát triển tất yếu trong thời gian tới.