Cụm lăng mộ vợ chồng Quận công Nguyễn Hữu Hào- thân phụ của Nam Phương Hoàng hậu (vợ vua Bảo Đại) ẩn mình trong một ngọn đồi ở phía Tây Nam của TP Đà Lạt, nằm trên đường Vạn Thành – Tà Nùng, ngay ngã ba Hoàng Văn Thụ, cách thác Cam Ly 150m.
Cụm lăng mộ mang một vẻ đẹp trầm mặc, cuốn hút với kiến trúc tinh tế, độc đáo. Quần thể lăng mộ được xây trong bốn năm, bao quanh bởi đồi thông. Đây là một di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh nằm trong số các danh lam thắng cảnh chưa khai thác du lịch tại Đà Lạt.
Cổng vào lăng gồm 4 trụ biểu cao, trên đỉnh trụ có hình bông sen và hai con chó ngao cách điệu. Trên các trụ có đề tự hai cặp câu đối do chính Nam Phương Hoàng hậu đề tự.
Cổng đi vào lăng với 4 trụ biểu cao, có hình hoa sen và hai con chó ngao cách điệu. Ảnh: THANH THUỲ
Nội dung hai cặp câu đối viết bằng chữ Hán, dịch ra như sau:
Một lòng với nước, ngàn năm sông núi mãi ghi trong sách sử, khoán ước.
Nuôi dưỡng cha mẹ, trăm năm cây gió khắc ghi nỗi đau buồn trên chuông đỉnh.
Chót vót chống trời, phảng phất khí thiêng về nơi an lạc.
Đất thiêng tốt lành, bao trùm vượng khí bảo vệ chốn giai thành.
Từ cổng, lối đi vào lăng chỉ có một con đường duy nhất. Người đến viếng phải đi qua tổng cộng 158 bậc thang để vào trong lăng chính.
Phần chính của khu lăng mộ, nơi chôn cất vợ chồng Quận công Nguyễn Hữu Hào- Lê Thị Bình. Ảnh: THANH THUỲ
Công trình dù đã trải qua hơn 80 năm nhưng vẫn vững chãi, đầy uy nghiêm dù bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp.
Lối đi chính vào bên trong lăng. Ảnh: THANH THUỲ
Để vào trong khu lăng mộ, phải đi qua tổng cộng 158 bậc tầng cấp. Ảnh: THANH THUỲ
Hai con sư tử được thiết kế ở các bậc tầng cấp cuối cùng để tiến sâu vào khu lăng mộ chính. Ảnh: THANH THUỲ
Một góc dãy hành rào bao xung quanh phía ngoài khi lăng mộ chính. Phần khối phía trên của hàng rào có hoạ tiết hình hoa sen cách điệu. Ảnh: THANH THUỲ
Theo một số tài liệu, ông Nguyễn Hữu Hào vốn là một đại điền chủ giàu có, quê ở Gò Công (tỉnh Tiền Giang). Ông kết hôn với bà Lê Thị Bình, con gái ông Huyện Sỹ (Lê Phát Đạt), một trong những người giàu có nhất Việt Nam thời bấy giờ.
Một góc mái che phần mộ của vợ chồng Quận công. Ảnh: THANH THUỲ
Một góc phía trên của phần khu lăng mộ chính. Ảnh: THANH THUỲ
Khoảnh sân phía trước khu lăng mộ chính nhìn ra. Ảnh: THANH THUỲ
Năm 1914, vợ chồng Nguyễn Hữu Hào đã sinh được người con gái là Nguyễn Hữu Thị Lan. Năm 1927, Nguyễn Hữu Thị Lan lúc bấy giờ sang Pháp học, 7 năm sau trở về Việt Nam và được Hoàng đế Bảo Đại cưới, tấn phong làm Nam Phương Hoàng hậu. Bà Nam Phương đưa cha lên sinh sống ở Đà Lạt.
Bia đá khắc chữ Hán ở khoảnh sân của khu lăng mộ. Ảnh: THANH THUỲ
Một góc của khu lăng mộ chính, bước vào trong là nơi an nghỉ của vợ chồng Quận công. Ảnh: THANH THUỲ
Phần thờ tự phía sau nơi an nghỉ của vợ chồng Quận công. Cả khu quần thể lăng mộ được xây dựng trong 4 năm. Ảnh: THANH THUỲ
Mùa thu năm Kỷ Mão (13-9-1939), ông Nguyễn Hữu Hào mất tại đây, Nam Phương Hoàng hậu cho xây dựng lăng mộ ông vào cuối năm 1939, xây liên tục trong 4 năm thì hoàn thành.
Bụi rậm xung quanh đường vào khu lăng mộ. Ảnh: THANH THUỲ
Hiện nay, khu lăng mộ dường như đang dân bị lãng quên. Xung quanh nơi này cây cỏ, bụi rậm mọc lên khắp nơi, trở nên hoang vu. Một số bậc thềm trong khu vực bia mộ đã bị nứt vỡ, hư hại do tác động bên ngoài.
Nhiều người lo ngại rằng khu lăng mộ sẽ hư hại, xuống cấp vì không được trùng tu, bảo dưỡng.