vĐồng tin tức tài chính 365

Để “không bỏ ai lại phía sau”

2020-11-15 10:23

Để “không bỏ ai lại phía sau”

TS. Trịnh Tiến Dũng (*)

(TBKTSG) - Đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu gây hạn hán, nước biển dâng, xâm nhập mặn, thiên tai bão lũ lịch sử... làm gia tăng tình trạng nghèo đói cùng cực của hàng triệu người nghèo và cận nghèo, các đối tượng yếu thế và dễ bị tổn thương. Việt Nam đã cam kết và tích cực thực hiện yêu cầu “không bỏ ai lại phía sau”nhưng mức độ sẵn sàng hiện đến đâu? Quan trọng hơn, Việt Nam cần làm gì để nâng cao mức độ sẵn sàng đó?

Cam kết toàn cầu về phát triển bền vững 2015-2030

“Leave No One Behind” hay “Không bỏ ai lại phía sau” (không bỏ sót ai) là thông điệp xuyên suốt của Chương trình nghị sự (Chương trình 2030) mới của Liên hiệp quốc giai đoạn 2015-2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Một trong ba nội hàm chính của chương trình là cải thiện đáng kể đời sống của những người nghèo nhất, ở đáy xã hội.

Đây là tiêu chí đo lường quan trọng nhất để nhận biết mức độ hoàn thành các SDGs. Nó nhấn mạnh khía cạnh phân bổ nguồn lực phát triển trên phạm vi toàn cầu và ở mỗi quốc gia nhằm cải thiện căn bản cuộc sống của những người nghèo nhất, nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương.

Để hiện thực hóa Chương trình 2030, năm 2016 Liên hiệp quốc (LHQ) tổ chức Diễn đàn chính trị cấp cao về phát triển bền vững (HLPF). Diễn đàn họp hàng năm và đóng vai trò nòng cốt trong việc theo dõi và đánh giá những tiến bộ đạt được của Chương trình 2030 ở mỗi quốc gia và trên toàn thế giới.

Phương pháp đánh giá, xếp hạng

Để hỗ trợ các nỗ lực nêu trên của HLPF, từ năm 2017 Viện Phát triển hải ngoại (ODI)(1) đã xây dựng bộ chỉ số gồm ba thành phần để đánh giá và giám sát mức độ sẵn sàng của các quốc gia cả ở chính sách và thực tiễn để đáp ứng cam kết không bỏ sót ai. Ba thành phần gồm: 1. Số liệu (điều tra hộ gia đình); 2. Chính sách (tiếp cận bình đẳng về đất đai, việc làm và y tế) và 3. Tài chính (chi tiêu của chính phủ cho giáo dục, y tế và đảm bảo xã hội).

Từ kết quả bước đầu của hai năm 2017 và 2018, mẫu khảo sát năm 2019 tăng đáng kể phạm vi khảo sát so với năm 2018 để bao quát đến 159 quốc gia, trong đó có 24 quốc gia có mức thu nhập thấp, 41 quốc gia có thu nhập trung bình thấp, 45 quốc gia có thu nhập trung bình cao và 49 quốc gia có thu nhập cao (theo phân loại của Ngân hàng Thế giới).

Sau khi đánh giá định tính và định lượng ba chỉ số thành phần trên (cột 2, 3 và 4 bảng 1), mỗi quốc gia được xếp hạng theo hai chỉ số: 1. Xếp hạng chung (theo hai cấp: sẵn sàng và sẵn sàng một phần); và 2. Xếp hạng theo kết quả đầu ra (theo hai cấp: triển vọng đạt (on track) và tiến bộ một phần), ở hai cột cuối 5 và 6 bảng 1.

Bản đồ thế giới về mức độ sẵn sàng không bỏ ai lại phía sau

Bản đồ thế giới về mức độ sẵn sàng năm 2019, về số tuyệt đối, có 81 trên tổng số 159 quốc gia được coi là sẵn sàng, không bỏ sót ai; 54 quốc gia sẵn sàng một phần và 12 quốc gia chưa sẵn sàng, còn lại 12 quốc gia không đủ số liệu để xem xét xếp hạng.

Đáng chú ý là mức độ sẵn sàng, không bỏ sót ai, tương quan chặt chẽ với trình độ phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia. Cụ thể, tỷ lệ sẵn sàng của các nhóm quốc gia năm 2019 tương ứng như sau: thu nhập cao, thu nhập trung bình cao, thu nhập trung bình thấp, thu nhập thấp tương ứng là 80%, 73%, 37% và 4%.

Xét theo chỉ số thành phần tài chính (cột 4, bảng 1), năm 2019 chỉ có 45 trong số 159 quốc gia đáp ứng tiêu chí sẵn sàng về chi tiêu của chính phủ cho giáo dục, y tế và bảo trợ xã hội. Tuy tăng hơn 25 quốc gia so với năm 2018, nhưng xét về tỷ lệ, nó vẫn không thay đổi. Tức là chỉ có 29% quốc gia được coi là “sẵn sàng” và đó là tỷ lệ sẵn sàng thấp nhất trong ba thành phần của chỉ số chung. Đáng lưu ý là trong năm 2019, số quốc gia chưa sẵn sàng tăng lên tới 28% so với mức 18% trong năm 2018.

Việt Nam đang ở đâu?

Việt Nam thuộc nhóm 41 quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp. Số liệu bảng 1 cho thấy, năm 2019 (theo số liệu năm 2018), Việt Nam có thứ hạng về sẵn sàng rất thấp. Cụ thể, Việt Nam mới chỉ sẵn sàng một phần theo chỉ số chung hoặc “tiến bộ một phần” theo chỉ số kết quả đầu ra, tương tự như Lào và Campuchia, trong khi các nước Asean khác như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore đều đã “sẵn sàng” và có triển vọng đạt các kết quả đầu ra.

Để tham chiếu và so sánh, bảng 1 (2 dòng cuối) cũng liệt kê thêm Trung Quốc và Nga là những quốc gia có dân số thuộc loại lớn và gặp nhiều thách thức không kém Việt Nam trong việc hiện thực hóa cam kết không bỏ sót ai, nhưng kết quả đầu ra của họ tốt hơn hẳn so với Việt Nam (triển vọng đạt).

Ở Việt Nam nhóm nào đang ở phía sau?

“Báo cáo nghèo đa chiều ở Việt Nam” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và UNDP Việt Nam phối hợp nghiên cứu và công bố năm 2018 cho thấy một số nét chủ yếu về thực trạng nghèo đói ở Việt Nam như sau:

Theo nhóm dân tộc: bảng 2 cho thấy, tính bình quân, tám nhóm dân tộc thiểu số có tỷ lệ nghèo thu nhập và chỉ số nghèo đa chiều cao hơn so với dân tộc Kinh tương ứng là 8,6 và 6,1 lần. Cá biệt, riêng nhóm người Mông cao gấp 22,7 và 14 lần.

Theo vùng địa lý, các vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long đều có tỷ lệ nghèo cao hơn nhiều lần so với hai vùng đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ và so với bình quân gia quyền (theo dân số) của cả nước (cột 9 bảng 3).

Cho dù đo lường bằng thước đo nào, tỷ lệ nghèo cũng có xu hướng cao hơn ở trẻ em dưới 16 tuổi, mặc dù nghèo đói được đo lường chung cho cả hộ gia đình

Việt Nam có thể làm gì để cải thiện mức độ sẵn sàng?

Căn cứ vào đối tượng đang bị tụt lại phía sau nêu trên, Quốc hội đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, theo Nghị quyết số 120/2020/QH14. Ngày 15-9-2020, Thủ tướng đã ký Quyết định số 1409/QĐ-TTg ban hành kế hoạch triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia này. Đây là hành động rất kịp thời và đúng hướng của Chính phủ.

Việc thực hiện chương trình này cần ưu tiên vào trọng tâm là cải thiện mức độ sẵn sàng về tài chính. Cụ thể là tăng tỷ lệ chi tiêu của Chính phủ cho giáo dục, y tế và đảm bảo xã hội cho các đối tượng kể trên. Để đo lường kết quả thực hiện, có thể căn cứ vào một số chỉ tiêu ưu tiên được chọn để xếp hạng về mức độ sẵn sàng, gồm tỷ lệ chết trẻ em dưới 5 tuổi, suy dinh dưỡng, tiếp cận tài chính và điện (xem bảng 1). Đây là một thách thức rất lớn khi mà dự toán thu ngân sách năm 2021 Chính phủ trình Quốc hội giảm 11,1% so với dự toán năm 2020.

(*) Nguyên Trưởng ban Quản trị quốc gia UNDP Việt Nam

(1) The Overseas Development Institute (ODI) là một think tank độc lập về phát triển quốc tế của Vương quốc Anh, được thành lập năm 1960 và có trụ sở tại London

(2) Tỷ lệ chết trẻ em dưới 5 tuổi, suy dinh dưỡng, tiếp cận tài chính và điện

(3) Số liệu lấy từ NGTK năm 2016

(4) Tác giả tính bình quân gia quyền theo dân số

(5) Như trên

Xem thêm: lmth.uas-aihp-ial-ia-ob-gnohk-ed/315013/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Để “không bỏ ai lại phía sau””0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools