- Nâng cao vai trò của Liên hợp quốc trong thời kỳ mới
- Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Liên hợp quốc
- Khẳng định vai trò, tiếng nói của Việt Nam tại Liên hợp quốc
Sáng 15/11, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị Cấp cao ASEAN-LHQ lần thứ 11.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trong 75 năm qua, LHQ đóng vai trò trung tâm điều phối hành động chung của các quốc gia, là trung tâm của nỗ lực quốc tế nhằm đảm bảo hòa bình và thúc đẩy phát triển bền vững. Các nguyên tắc của Hiến chương LHQ đóng vai trò nền tảng cơ bản điều khiển các mối quan hệ quốc tế ngày nay.
Là một trong những tổ chức khu vực được đánh giá là thành công nhất, Thủ tướng nhấn mạnh, ASEAN đã khẳng định vai trò trung tâm không thể thiếu trong thúc đẩy đối thoại và hợp tác về các vấn đề chung vì hòa bình ổn đinh và phát triển ở khu vực. ASEAN đồng thời tham gia đóng góp tích cực vào nỗ lực toàn cầu do LHQ lãnh đạo nhằm thúc đẩy hòa bình an ninh, phát triển bền vững trên thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. |
"Trải qua hơn bốn thập kỷ, quan hệ ASEAN-LHQ đã trở thành hình mẫu trong các hợp tác giữa LHQ với các tổ chức khu vực. Mối quan hệ đó càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh khó khăn phức tạp hiện nay, nhất là những thách thức chưa từng có do COVID-19 gây ra", Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng trông đợi hội nghị sẽ trao đổi, đề ra định hướng quan trọng thúc đẩy đối tác toàn diện ASEAN-LHQ vượt qua thời điểm khó khăn này và đóng góp hiệu quả vào quá trình phục hồi tăng trưởng bền vững của hai bên và tại khu vực.
Tại hội nghị, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres gửi lời chúc mừng Việt Nam đã thể hiện thành công vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Ông cũng bày tỏ chia buồn sâu sắc trước những mất mát của Việt Nam trong thiên tai, bão lũ vừa qua, khẳng định LHQ luôn sát cánh với chính phủ và nhân dân Việt Nam.
Tổng Thư ký LHQ nhận định, cộng đồng toàn cầu đang phải đối mặt với những thách thức liên tục, như dịch bệnh COVID-19, sự cố môi trường, gia tăng căng thẳng chính trị, nguy cơ phố biến vũ khí hạt nhân, đói nghèo dai dẳng và bất bình đẳng ngày càng gia tăng, kéo theo các cuộc xung đột và bùng phát các cuộc xung đột mới, gây khó khăn trên đà đạt được các mục tiêu bền vững 2030.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Việt Nam. |
Ông trông đợi sự lãnh đạo của ASEAN cũng như các kết quả hội nghị trong việc đưa ra những hành động khẩn cấp để bảo vệ thế giới chung, theo đó hoan nghênh sự ủng hộ của ASEAN đối với vấn đề xóa bỏ vũ khí hạt nhân, kêu gọi hành động hiệu quả dựa trên cam kết đối với hợp tác quốc tế và đoàn kết khu vực.
Liên quan đến ứng phó với đại dịch COVID-19, ông Gutteres đánh giá cao quan điểm của ASEAN về việc phân phối vaccine công bằng vì sức khỏe công cộng, hoan nghênh Khung phục hồi tổng thể của ASEAN và tuyên bố LHQ sẵn sàng hỗ trợ cũng như hợp tác với ASEAN trong hoạt động này.
Liên quan đến vấn đề Biển Đông, Tổng Thư ký LHQ bày tỏ sự ủng hộ việc giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. Ông Gutteres cũng kêu gọi tránh những hành vi khiến thế giới chia rẽ thành 2 khối như thời Chiến tranh Lạnh, ghi nhận nỗ lực của ASEAN điều 5.000 quân nhân tham gia chiến dịch gìn giữ hòa bình của LHQ.
"Trong những năm gần đây, quan hệ đối tác toàn diện của chúng ta đã phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. LHQ sẽ ủng hộ các sáng kiến đầy tham vọng của ASEAN", Tổng Thư ký LHQ bày tỏ.