Trước những tin giả về bầu cử Mỹ khiến dư luận xôn xao trong thời gian qua, trang Cybersecurity and Infrastructure Security Agency do Cơ quan chính phủ phụ trách hệ thống bầu cử và Cơ quan An ninh Mạng và Cơ sở Hạ tầng (CISA) tạo lập đã đưa ra những thông tin xác thực bác bỏ những đồn đoán này.
1) Tin giả: Những phiếu bầu của cử tri đã qua đời vẫn đang được tính.
Thực tế là không có điều này xảy ra. Cụ thể, Luật pháp của tiểu bang và liên bang nghiêm cấm việc mạo danh cử tri, bao gồm việc bỏ phiếu thay mặt cho một người đã qua đời.
Các quan chức bầu cử thường xuyên loại bỏ thông tin những người đã qua đời khỏi danh sách đăng ký cử tri dựa vào hồ sơ chứng tử do các cơ quan thống kê của chính phủ và Cơ quan quản lý An sinh xã hội (SSA).
Trang Cybersecurity and Infrastructure Security Agency đưa ra một số trường hợp khiến dư luận tin rằng có chuyện người đã qua đời đi bầu cử.
Trường hợp thứ nhất là danh sách cử tri chưa cập nhật kịp, nghĩa là chưa kịp xoá tên những cá nhân vừa mới qua đời trong danh sách cử tri. Điều này dẫn đến việc một số lá phiếu gửi qua thư được gửi đến địa chỉ của những người đã chết. Tuy nhiên, các hồ sơ chứng tử sẽ cung cấp thông tin để xác định có chuyện bỏ phiếu thay người chết hay không.
Cũng cần phải lưu ý rằng để bảo vệ tính nghiêm túc của bầu cử và chống lại việc mạo danh cử tri và khắc phục vấn đề những người không đủ điều kiện vẫn đi bỏ phiếu thì mỗi bang sẽ có các biện pháp như bao đối chiếu chữ ký và kiểm tra thông tin.
Trường hợp thứ hai là cá nhân đã đi bỏ phiếu trực tiếp hoặc gửi phiếu bầu qua thư nhưng sau đó chết trước ngày 3-11. Đối với những trường hợp này thì tuỳ vào luật của mỗi tiểu bang. Có tiểu bang tính những phiếu bầu này, trong khi các bang khác thì không và họ tiến hành những thủ tục để xác định và loại bỏ các phiếu này.
Người dân Mỹ bỏ phiếu bầu tổng thống tại thành phố Sterling Heights, bang Michigan. Ảnh: AFP
Trường hợp thứ ba là do lỗi hành chính vô hại hoặc là kết quả của những dữ liệu dự kiến. Ví dụ như trong trường hợp các quan chức bầu cử ở một số tiểu bang sử dụng dữ liệu để giữ chỗ tạm thời cho những người đăng ký bầu cử nhưng không biết ngày tháng năm sinh của họ. Những quan chức này sẽ điền vào một ngày bất kỳ nào đó ở mục này, ví dụ như ngày 1-1-1900 khiến người ta nghĩ rằng người đăng ký là 120 tuổi.
Trường hợp thứ tư là những cá nhân trong độ tuổi bầu cử trùng tên với ông bà, cha mẹ và cùng ở cùng địa chỉ với người đã qua đời. Điều này dẫn đến việc nhiều người tưởng nhầm rằng những cử tri hợp lệ này là người đã chết và dẫn đến sai sót trong vấn đề thủ tục văn thư hành chính.
2) Tin giả: Kẻ xấu có thể thay đổi kết quả bầu cử mà không bị phát hiện.
Thực tế là không thể có chuyện này vì bầu cử bao gồm các biện pháp bảo vệ chặt chẽ bao gồm các thủ tục giám sát kiểm phiếu từ bên thứ 3 (canvassing) và thủ tục kiểm tra phiếu bầu (auditing).
Các biện pháp nghiêm ngặt này gồm các phương án giúp đảm bảo hệ thống lập bảng phiếu bầu như đúng kế hoạch, các phương án bảo vệ chống lại phần mềm độc hại và cho phép nhận diện và chỉnh sửa những sai sót.
Mỗi tiểu bang đều có các biện pháp bảo vệ hệ thống bầu cử để đảm bảo tính chính xác trong việc kiểm phiếu. Hệ thống bỏ phiếu này cũng luôn được kiểm tra hoạt động để đảm bảo các lá phiếu được tính đúng. Bên cạnh đó, các tiểu bang cũng có luật và quy trình để xác minh kết quả bỏ phiếu trước khi công bố kết quả chính thức.
3) Tin giả: Nếu kết quả được báo cáo trong đêm bầu cử thay đổi trong những ngày hoặc tuần tiếp theo thì quá trình này đã bị tin tặc tấn công. Do đó, kết quả bầu cử không đáng tin cậy.
Thực tế là cuộc bầu cử năm nay có nhiều điểm khác so với những năm trước do dịch COVID-19. Do đó, việc báo cáo kết quả diễn ra chậm hơn những năm trước là điều dễ hiểu và sự chậm trễ này không có nghĩa là kết quả bầu cử có vấn đề.
Mặc dù việc kiểm phiếu ở một số bang có thể mất nhiều thời gian hơn những năm trước do lượng phiếu bầu qua thư tăng và một số điều chỉnh quy trình để cuộc bầu cử an toàn trong đại dịch nhưng điều này không ảnh hưởng đến độ chính xác của quá trình kiểm phiếu. Kết quả bầu cử được công bố vào đêm 3-11 là số liệu không chính thức và chỉ để cử tri cập nhật thông tin.
Kết quả bầu cử dự kiến của đài ABC. Ảnh: ABC NEWS
Trên thực tế, không có bang nào yêu cầu kết quả bầu cử phải chính thức được công bố vào đêm bầu cử. Do đó, sẽ có những biến động trong kết quả bầu cử xảy ra trong và sau đêm 3-11 khi có nhiều lá phiếu được tính như các phiếu bầu của giới quân sự và ở nước ngoài hay các lá phiếu mới được tính hợp lệ.
Bên cạnh đó, có một số thay đổi trong quy trình bầu cử ở mỗi tiểu bang cũng khiến kết quả bầu cử chậm trễ.
Cụ thể là thay đổi trong hình thức bỏ phiếu như cử tri có thể bầu bằng hiều hình thức khác nhau như bỏ phiếu trực tiếp sớm, bỏ phiếu qua thư, bỏ phiếu trong ngày bầu cử,...Những lá phiếu này được kiểm đếm và báo cáo theo trình tự khác nhau và trước khi kết quả chính thức được công bố thì phải các quan chức bầu cử phải kiểm tra và chứng thực nghiêm ngặt. Do đó, điều này lý giải vì sao kết quả bầu cử vào đêm 3-11 không phải là kết quả cuối cùng.
4) Tin giả: Nhiều người đã chứng kiến các quan chức bầu cử đánh dấu các lá phiếu. Điều này có nghĩa là gian lận bầu cử đang diễn ra.
Thực tế là trong một số trường hợp, các quan chức bầu cử được phép sử dụng những “thủ thuật” hợp pháp để xử lý các phiếu bầu mà máy quét phiếu không thể đọc được do các vấn đề như nhàu nát hoặc in sai.
Đối với những phiếu bầu đó, một số điểm kiểm phiếu sẽ đếm bằng tay trong khi những điểm khác thì sao chép lại nội dung của phiếu cũ để máy quét có thể đọc được những phiếu này.
Cụ thể, dựa trên luật của tiểu bang, một số khu vực kiểm phiếu cho phép các quan chức bầu cử đánh dấu trên các lá phiếu quá mờ để quét. Bên cạnh đó, các quan chức bầu cử cũng có thể sao chép chính xác nội dung phiếu bầu cũ sang lá phiếu mới để máy có thể quét. Trường hợp này, cả phiếu gốc và phiếu sao chép đều được dán nhãn và đánh dấu lại để có thể theo dõi và kiểm chứng lại phiếu bầu.
Cuối quy trình sao chép phiếu bầu này, nhiều khu vực kiểm phiếu yêu cầu các thành viên của lưỡng đảng xác nhận rằng các phiếu bầu này được sao y phiếu gốc. Quá trình này thường được công khai cho người dân theo dõi.
5) Tin giả: Việc có cá nhân sở hữu hoặc đăng tải dữ liệu đăng ký cử tri có nghĩa là cơ sở dữ liệu này đã bị tin tặc tấn công.
Thực tế là một số thông tin đăng ký cử tri là thông tin công khai và có sẵn cho các chiến dịch chính trị, các nhà nghiên cứu và thường là các thành viên của công chúng. Theo một cảnh báo công khai gần đây của Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Cơ quan An ninh Mạng và Cơ sở Hạ tầng (CISA), những người dùng mạng có thể lợi dụng tung tin đồn rằng thông tin cử tri bị tin tặc lấy cắp để làm suy yếu niềm tin vào các thể chế dân chủ Mỹ.
6) Tin giả: Kẻ xấu có thể làm thay đổi kết quả bầu cử bằng cách in và gửi thêm các phiếu bầu qua thư.
Thực tế điều này là sai. CISA khẳng định rất khó có thể gian lận bằng cách tự in các lá phiếu qua thư. Lý do là mỗi văn phòng bầu cử địa phương đều có các biện pháp an ninh để phát hiện hoạt động phi pháp đó. Mặc dù mỗi địa phương có các biện pháp khác nhau, nhưng các biện pháp bảo đảm an toàn phiếu bầu thường bao gồm đối chiếu chữ ký, kiểm tra thông tin, mã vạch, hình mờ và trọng lượng của phiếu bầu.
Một phiếu bầu qua thư. Ảnh: GETTY
7) Tin giả: Các nhân viên phụ trách bỏ phiếu đưa các loại bút đặc biệt, chẳng hạn như bút Sharpies cho các cử tri “đặc biệt”. Điều này khiến cho phiếu bầu của các cử tri này không hợp lệ.
Sự thật là các khu vực bầu cử cho phép cử tri sử dụng các loại bút viết khác nhau để viết vào phiếu bầu dựa trên luật tiểu bang và một vài yếu tố khác tiện cho quá trình lập bảng thống kê phiếu bầu. Sau đó, các nhân viên phòng phiếu sẽ nhận chỉ đạo về loại bút được sử dụng và phát cho cử tri.
Mặc dù bút loại bút lông Sharpies có thể khiến mực nhoè thấm qua các lá phiếu nhưng một số quan chức bầu cử tuyên bố rằng thiết bị lập bảng của khu vực bầu cử vẫn có thể đọc được những lá phiếu này. Thậm chí, có nhiều khu vực kiểm phiếu còn thiết kế các lá phiếu theo cách đặc biệt để ngăn chặn khả năng lem mực, ảnh hưởng đến việc quét hai mặt phiếu bầu.
Nếu một lá phiếu gặp vấn đề trong quá trình quét thì lá phiếu đó có thể được đếm bằng tay, sao chép hoặc chờ phân xử từ các quan chức bầu cử. Nhiều tiểu bang cũng có luật về “ý định của cử tri” cho phép đếm phiếu bầu ngay cả khi có các vấn đề như bỏ phiếu hoặc thất lạc, miễn là vẫn có thể xác định được ý định của cử tri.
8) Tin giả: Cử tri bầu cho ai không còn là bí mật của riêng mình nữa mà đã có người biết được.
Thực tế là có các biện pháp an ninh để bảo vệ bí mật lá phiếu.
Luật pháp của tất cả tiểu bang đảm bảo bí mật của các lá phiếu. Các quan chức bầu cử thực hiện các biện pháp an ninh khác nhau để bảo vệ các lựa chọn của cử tri khỏi bị người khác, bao gồm cả chính các quan chức bầu cử, có thể xem hoặc biết được.
Với một vài trường hợp ngoại lệ, các biện pháp an ninh này đảm bảo rằng các lá phiếu bầu đã được gửi sẽ không thể truy tìm lại danh tính người đã bỏ chúng.
Tổng thống Donald Trump "nhìn trộm" lá phiếu của vợ mình. Ảnh: CNBC
Đối với bỏ phiếu trực tiếp, các biện pháp bảo mật bao gồm có vách ngăn cách giữa các ô bỏ phiếu và có các quy định rằng nhân viên phòng phiếu phải giữ khoảng cách với cử tri trong khi họ đang bầu.
Đối với việc bỏ phiếu qua thư và bỏ phiếu tạm thời, các quan chức bầu cử tuân theo các quy trình nghiêm ngặt để đảm bảo bí mật lá phiếu khi các phiếu bầu này được lấy từ đường bưu điện và từ các phong bì bỏ phiếu tạm thời.
Tuy nhiên, quyền giữ bí mật lá phiếu có thể được cử tri tự nguyện từ bỏ trong một số trường hợp nhất định chẳng hạn như cử tri quân nhân và ở nước ngoài bỏ phiếu qua fax hoặc e-mail.
Mặc dù trong hầu hết mọi trường hợp, thông tin phiếu bầu là bì mật nhưng liên kết đảng của cử tri và lịch sử bỏ phiếu nói chung thì không. Thông tin có trong hồ sơ đăng ký cử tri, chẳng hạn như tên, địa chỉ, số điện thoại và đảng phái chính trị (ở các tiểu bang có đăng ký cử tri theo đảng phái) thường có sẵn cho các đảng phái chính trị. Dữ liệu này cũng thường xuyên chứa thông tin về việc một cử tri có bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử cụ thể hay không.