Giáo dục STEM chưa thu hút được giới trẻ
Dũng Nguyễn
(TBKTSG Online) – Mặc dù giáo dục STEM hiện đang bắt đầu được đẩy mạnh tại Việt Nam, tình trạng khan hiếm sách về STEM và các tài liệu khoa học, cùng với chương trình đào tạo không phù hợp và thiếu tư duy đổi mới, là những thử thách mà giáo dục STEM phải đối mặt.
Chương trình giáo dục STEM tại các nước Đông Nam Á đang phát triển mạnh nhưng vẫn tồn tại nhiều rào cản. Ảnh: 3M. |
Thách thức của giáo dục STEM
Tập đoàn 3M vừa công bố kết quả khảo sát Thống kê Hiện trạng Khoa Học (SOSI) hằng năm với nội dung tập trung vào viễn cảnh phát triển của khoa học. Cuộc khảo sát năm nay được thực hiện vào tháng 7-8 vừa qua và lấy Covid-19 làm trọng tâm.
Theo khảo sát SOSI, tỷ lệ thanh niên (28%) nản lòng trong việc theo đuổi khoa học cao gấp ba lần so với những người được sinh ra trong giai đoạn bùng nổ dân số sau Thế Chiến thứ 2 (9%). “Mặc dù sự ủng hộ khoa học ngày càng mạnh mẽ, rất nhiều người vẫn nản lòng trong hành trình theo đuổi sự nghiệp khoa học, đặc biệt là thế hệ trẻ”, báo cáo SOSI nhận định.
STEM là thuật ngữ chỉ các ngành thuộc lĩnh vực khoa học (Sciene), công nghệ (Tenology), kỹ thuật (Enineering) và toán học (Maths). |
Cũng theo báo cáo của 3M, các chương trình STEM gặp nhiều thách thức ở các quốc gia dù chính phủ các nước đều đặt đây là trọng tâm quan trọng trong việc phát triển giáo dục.
Theo thống kê, chính phủ Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã chi khoảng 20% ngân sách nhà nước để cải thiện hệ thống giáo dục và triển khai các môn học STEM vào chương trình giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, nhiều học sinh từ các nước Đông Nam Á vẫn thấy cách giảng dạy môn học STEM thiếu tính ứng dụng trong thực tế.
Vào năm 2018, chưa tới một nửa học sinh Malaysia (44%) chọn các môn học STEM vì họ không thấy được vai trò của khoa học đối với cuộc sống của mình, và chỉ có 33,1% học sinh quyết định theo đuổi các lĩnh vực thuộc nhóm ngành STEM tại Indonesia.
Trong khi đó, Philippines xếp hạng áp chót trong số 79 quốc gia về trình độ toán học và khoa học trong chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (Pisa) được tiến hành bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Tại Việt Nam, Bộ Giáo dục hồi giữa tháng 8 ban hành nội dung hướng dẫn giáo dục STEM và tổ chức, quản lý hoạt động STEM trong trường trung học. Quan điểm của Bộ là cần trang bị cho học sinh kiến thức khoa học gắn liền với ứng dụng thực tiễn.
Theo báo cáo của 3M, mặc dù giáo dục STEM hiện đang bắt đầu được đẩy mạnh tại Việt Nam, tình trạng khan hiếm sách về STEM và các tài liệu khoa học, cùng với chương trình đào tạo không phù hợp và thiếu tư duy đổi mới, là những thử thách mà giáo dục STEM phải đối mặt tại thị trường phát triển nhanh này.
Một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến STEM là vấn đề nhận thức. Học sinh thường có một số ấn tượng ban đầu khá tiêu cực khi cân nhắc các ngành học STEM. “Những điều này có thể là hệ quả của việc thiếu cơ hội tiếp cận, thiếu tự tin, các vấn đề bất bình đẳng giới tính và chủng tộc. Dù nhận được nhiều sự hỗ trợ từ xã hội, các yếu tố trên vẫn gây cản trở lớn quá trình nuôi dưỡng đam mê và theo đuổi sự nghiệp STEM của học sinh”, báo cáo khẳng định.
Theo báo cáo, cách phá vỡ định kiến tiêu cực về giáo dục STEM nên bắt đầu từ việc tăng cường kỹ năng nền tảng và thực hành các môn học STEM nhiều hơn từ cấp độ trường lớp. Ví dụ, sử dụng công cụ giảng dạy kỹ thuật số như video kết hợp với việc đào tạo thông qua thực hành và những dự án thực tế có thể giúp học sinh hứng thú hơn với các môn học STEM.
Sự hợp tác giữa chính phủ, các doanh nghiệp tư nhân, học viện và tổ chức phi chính phủ (NGO) cũng là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của khoa học. Từ đó, tạo động lực tìm ra những giải pháp bền vững mới, giải quyết những thách thức lớn trên toàn cầu và khuyến khích các thế hệ trẻ tham gia học tập STEM.
Thế giới vẫn quan tâm đến khoa học cơ bản
Khảo sát của SOSI cũng cho thấy trong bối cảnh Covid-19, 89% người được khảo sát tin tưởng vào khoa học; 86% tin tưởng vào các nhà khoa học; và 77% có xu hướng đồng ý rằng khoa học cần được đầu tư nhiều hơn.
Hơn nữa, 92% người được khảo sát trên toàn cầu tin rằng giải pháp ngăn chặn Covid-19 nên dựa trên các nghiên cứu, thể hiện niềm tin mới của xã hội về khoa học.
Trên thực tế, công nghệ đóng vai trò quan trọng trong cuộc ứng phó đại dịch Covid-19 vừa qua. Điển hình, ở khu vực Đông Nam Á, các quốc gia như Malaysia và Singapore đã nhanh chóng áp dụng công nghệ tiên tiến như ứng dụng truy vết và tư vấn sức khỏe ảo để bảo toàn sức khỏe và sự an toàn của cộng đồng.
Lần đầu tiên trong vòng 3 năm khảo sát, khảo sát SOSI ghi nhận lần đầu tiên sau ba năm, chỉ có 28%* người được khảo sát vẫn hoài nghi về khoa học (giảm 7 điểm trong vòng chưa đầy một năm). “Đây là một sự đảo chiều xu hướng đáng chú ý trong lịch sử khảo sát SOSI. Lần đầu tiên, khoa học nhận được sự đánh giá mới mẻ và trân trọng trên toàn thế giới nhờ giá trị ứng dụng thiết thực cho những vấn đề cuộc sống thường ngày", báo cáo nhận định.
Xem thêm: lmth.ert-ioig-coud-tuh-uht-auhc-mets-cud-oaig/386013/nv.semitnogiaseht.www