Trung Quốc đối mặt áp lực minh bạch dữ liệu thử nghiệm vaccine Covid-19
Khánh Lan
(TBKTSG Online) – Cho đến nay, Trung Quốc chưa công bố các dữ liệu quan trọng mới nhất liên quan đến giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối của các ứng viên vaccine Covid-19 hàng đầu của nước này. Giờ đây, Bắc Kinh đối mặt với áp lực ngày càng lớn về việc công bố dữ liệu đó, nhất là sau khi hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và Công ty công nghệ sinh học BioNTech (Đức) thông báo thành công vượt kỳ vọng trong cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vaccine do họ hợp tác phát triển.
Một y tá của bệnh viện Sao Lucas ở Porto Alegre, Brazil cầm lọ vaccine Covid-19 của Sinovac Biotech. Ảnh: AFP |
Áp lực công bố dữ liệu thử nghiệm vaccine
Hồi đầu tuần này, hãng dược Pfizer và Công ty công nghệ sinh học BioNTech cho biết dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 cho thấy vaccine Covid-19 của họ hiệu quả ở mức 94% trong việc ngăn ngừa lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Thông tin này đã đẩy tăng các chỉ số chứng khoán trên toàn cầu và đặt Pfizer và BioNTech vào vị trí dẫn đầu trong cuộc đua phân phối vaccine Covid-19 sớm nhất.
Cùng lúc đó, Trung Quốc chứng kiến cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối cùng của một trong ứng viên vaccine Covid-19 hàng đầu của nước này bị yêu cầu dừng lại ở Brazil do một biến cố xấu nghiêm trọng liên quan đến một trong những người tình nguyện tham gia cuộc thử nghiệm.
Công ty dược sinh học Sinovac Biotech (Trung Quốc), đơn vị phát triển vaccine này, cho rằng biến cố không liên quan đến vaccine. Viện nghiên cứu y tế Butantan ở Sao Paulo, đơn vị triển khai thử nghiệm vaccine Covid-19 ở Brazil, xác nhận một người tình nguyện đã tử vong nhưng không liên quan đến mũi tiêm vaccine của Cảnh sát địa phương nghi ngờ người này tử vong do tự tử.
Đến hôm 11-11, Cơ quan Giám sát dịch tễ quốc gia (ANVISA) đã cho phép Sinovac Biotech nối lại các cuộc thử nghiệm làm sàng. Diễn biến này dường như cho thấy các căng thẳng địa chính trị xung quanh việc phát triển vaccine Covid-19. Tháng trước, Tổng thống Brazil, Jair Bolsonaro công khai bày tỏ Trung Quốc không đủ độ tin cậy và người dân Brazil sẽ không cảm thấy an toàn nếu được tiêm vaccine Covid-19 có nguồn gốc từ Trung Quốc.
“Khi tiếp tục thúc đẩy phát triển vaccine Covid-19 thông qua giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng giữa lúc Pfizer thông báo thử nghiệm vaccine thành công, Bắc Kinh cần phải chú tâm đến cảm nhận của công chúng về các vấn đề an toàn của vaccine do các công ty Trung Quốc phát triển và điều này giờ đây trở nên cấp bách hơn bao giờ hết”, Xiaoqing Lu Boynton, nhà tư vấn ở Công ty Albright Stonebridge Group, nói.
Nỗ lực lấy lại niềm tin
Đối với Trung Quốc, các lợi ích trong việc phát triển thành công vaccine Covid-19 là rất lớn sau khi cơn bùng phát Covid-19 ở Vũ Hán vào cuối năm ngoái làm xấu hơn nữa mối quan hệ của Bắc Kinh với Mỹ, châu Âu, Ấn Độ và Úc.
Các nhà chính trị phương Tây cho rằng Trung Quốc trì hoãn cung cấp thông tin ban đầu về dịch Covid-19 khiến nó lan rộng ra khắp thế giới. Tiếp đó, nhiều nước phương Tây phàn nàn về chất lượng vật tư y tế của Trung Quốc.
Giờ đây, Trung Quốc cần chứng tỏ sự minh bạch cần thiết trong quá trình phát triển vaccine Covid-19 để lấy lại niềm tin từ thế giới. Cuộc chạy đua phát triển vaccine Covid-19 cũng là cách để Trung Quốc chứng tỏ với thế giới trình độ công nghệ ưu việt của mình khi chính quyền Tổng thống Donald Trump kêu gọi các nước trên thế giới tránh sử dụng các nhà cung cấp Trung Quốc để lắp đặt mạng lưới 5G và xây dựng các dự án hạ tầng lớn.
Việc phân phối vaccine Covid-19 rộng rãi cũng sẽ giúp Trung Quốc lấy lại một số quyền lực mềm bị đánh mất. Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình đã cam kết rằng các vaccine Covid-19 của Trung Quốc sẽ là loại hàng hóa phục vụ cộng đồng toàn cầu. Trung Quốc đã quyết định tham gia sáng kiến phân phối vaccine Covid-19 toàn cầu có tên gọi Covax được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hậu thuẫn.
Nicolas Chapuis, Đại sứ của Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc, nói: “Vấn đề đối với tôi à Trung Quốc xem vaccine Covid-19 là hàng hóa công cộng toàn cầu hay hàng hóa vì lợi ích của Trung Quốc”. Dù ca ngợi Trung Quốc tham gia sáng kiến Covax, ông Chapuis cho rằng vẫn còn nhiều câu hỏi xung quanh việc phân phối, định giá và cấp chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế đối với các vaccine của Trung Quốc.
Trung Quốc cam kết ưu tiên cung cấp các liều vaccine Covid-19 cho hơn 60 nước, bao gồm những chính phủ đã nhận được vốn vay xây dựng hạ tầng trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai, Con đường do ông Tập phát động. Indonesia, Bangladesh, Pakistan và Morocco đều đã ký kết các hợp đồng chính thức với các nhà sản xuất vaccine lớn của Trung Quốc. Các nước ở Mỹ Latin và vùng Caribê cũng được Bắc Kinh cam kết cho vay 1 tỉ đô la để mua vaccine từ các nhà sản xuất Trung Quốc.
Chiến lược ngoại giao vaccine đối mặt rủi ro
Dù vậy, thông tin dừng thử nghiệm vaccine của Sinovac Biotech ở Brazil cộng với kết quả thử nghiệm vaccine thành công của Pfizer đang đặt “chiến lược ngoại giao vaccine của Trung Quốc vào tình thế nguy ngập”, theo nhận định của Yongwook Ryu, trợ lý giáo sư chuyên ngành quan gệ quốc tế Đông Á ở Trường chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học quốc gia Singapore.
Trung Quốc đã tiêm vaccine Covid-19 bao gồm vaccine của Sinovac Biotech cho hàng trăm ngàn người dân trong nước bao gồm các nhân viên y tế trong môt chương trình sử dụng khẩn cấp mở rộng. Nhưng chưa có bất kỳ nhà sản xuất vaccine Covid-19 nào của Trung Quốc công bố dữ liệu thử nghiệm lâm sàng sơ bộ trong giai đoạn 3 giống như Pfizer đã làm. |
Yongwook Ryu nói: “Vấn đề ở đây là thiếu sự minh bạch. Vì vậy, điều đúng đắn mà chính phủ Trung Quốc cần làm là công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng của vaccine Covid-19 và các thông tin liên qua để các chuyên gia có thể giám sát”.
Trong tuần qua, các quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc khen ngợi tiến triển vaccine Covid-19 của Trung Quốc và nhấn mạnh an toàn là vấn đề quan trọng hàng đầu. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Uông Văn Bân nói rằng chương trình phát triển vaccine Covid-19 của Trung Quốc được nhiều nước ca ngợi
Các công ty của Trung Quốc vẫn có thể dẫn đầu trong cuộc chạy đua phân phối vaccine vì các vaccine Covid-19 bất hoạt của họ dễ dàng phân phối ở các nước nghèo hơn là loại vaccine phát triển dựa vào công nghệ mRNA cần đến hai mũi tiêm của Pfizer, vốn đòi hỏi sản suất, bảo quản và vận chuyển ở nhiệt độ siêu lạnh với chi phí tốn kém. Vaccine bất hoạt được bào chế từ vi sinh vật đã bị bất hoạt hay bị giết chết nhưng vẫn giữ tính kháng nguyên.
Sự cố ở Brazil có thể thực sự khiến Bắc Kinh quan tâm hơn đến vấn đề an toàn của vaccine, theo Yanzhong Huang, học giả cấp cao về y tế toàn cầu ở tổ chức Hội đồng Đối ngoại (CFR) ở New York. Ông nói: “Vẫn còn quá sớm để nói rằng Mỹ đã thắng cuộc đua”.
Tuy nhiên, hiện tại, các chính phủ khắp châu Á đang liên hệ với Pfizer để hỏi mua vaccine Covid-19 của công ty này.
Nicholas Thomas, trợ lý giáo sư chuyên ngành y tế cộng đồng ở Đại học Thành phố Hồng Kông, cho rằng dù chủ nghĩa dân tộc vaccine đang lên cao, điều quan trọng hơn hết là các công ty Trung Quốc phải công bố tất cả dữ liệu để các nhà khoa học đồng nghiệp trên thế giới đánh giá (bình duyệt).
Ông nói: “Nếu muốn thế giới tin tưởng vaccine Covid-19 của Trung Quốc, thông tin cần phải minh bạch”. Dù vậy, rất khó để các nước đối thủ của Trung Quốc đón nhận vaccine của nước này. Tại Ấn Độ, sự phẫn nộ của người dân đối với Trung Quốc vẫn chưa lắng xuống sau vụ xung đột chết người ở khu vực biên giới tranh chấp giữa hai nước cách đây ít tháng.
“Hợp tác về vaccine với Trung Quốc sẽ khó khăn khi mà mức độ tin tưởng giữa hai bên xuống thấp như hiện tại. Khi không chỉ Ấn Độ mà ngay cả các nước khác dường như không thể tin tưởng công việc mà Trung Quốc làm đối với hệ thống viễn thông và điện tử của chúng ta thì việc kỳ vọng sự tin tưởng vào vaccine Covid-19 của Trung Quốc sẽ điều rất khó”, Biren Nanda, cựu đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc, nhận xét.
Hôm 14-11, Tân hoa xã cho biết ứng viên vaccine Covid-19 thứ 5 của Trung Quốc sẽ bước vào cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 ở người dưới. Vaccine này, do Công ty dược sinh học Anhui Zhifei Longcom Biopharmaceutical phát triển, sẽ được thử nghiệm ở 5.000 tình nguyện viên tuổi từ 18-59 tại Uzbekistan. Các nhà phát triển vaccine 19 của Trung Quốc buộc phải tìm các nước khác, nơi mà dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành, để triển khai các cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối vì dịch bệnh này đã được kiểm soát ở Trung Quốc. |
Theo Bloomberg