Ông Joe Biden ủng hộ việc đeo khẩu trang rộng rãi trên toàn nước Mỹ để hạn chế sự lây lan của COVID-19 - Ảnh: REUTERS
"Chúng ta đang ở trong một giai đoạn rất nguy hiểm" - ông Michael Osterholm, thành viên ban cố vấn COVID-19 của ông Biden và là giám đốc Trung tâm Chính sách và nghiên cứu bệnh truyền nhiễm ĐH Minnesota, nói với NBC News ngày 15-11.
Ông Osterholm cho rằng nếu không có hành động ngay, "chúng ta sẽ thấy những con số này tăng lên đáng kể. Tương lai của chúng ta nằm trong tay của chúng ta".
Đội ngũ cố vấn của ông Biden cũng nói rằng động thái từ chối chuyển giao quyền lực của ông Trump cũng cản trở kế hoạch phân phối vắc xin và ảnh hưởng đến viện trợ tài chính bổ sung của chính phủ trước khi ông Biden nhậm chức vào ngày 20-1-2021.
Các biện pháp y tế công cộng cơ bản như đeo khẩu trang để hạn chế sự lây lan của COVID-19 từng gây nhiều tranh cãi tại Mỹ nhiều tháng qua, và Tổng thống Trump cũng thường xuyên không đeo khẩu trang khi tham dự các sự kiện công cộng. Trong khi đó, ông Biden ủng hộ việc tất cả mọi người nên đeo khẩu trang.
Một số thống đốc bang thuộc Đảng Cộng hòa gần đây cũng buộc phải hành động như North Dakota trở thành bang thứ 35 yêu cầu người dân đeo khẩu trang tại các sự kiện công cộng, trong khi Iowa tuần này cũng yêu cầu mọi người đeo khẩu trang trong một số trường hợp nhất định, theo Hãng tin Reuters.
Ông Ron Klain, "Chánh văn phòng Nhà Trắng" của đội ngũ ông Biden, ngày 15-11 thúc giục quốc hội nhanh chóng thông qua luật cứu trợ COVID-19 với một số biện pháp hạn chế nhất định để ngăn dịch bệnh lan rộng.
Tuần này, nhóm của ông Biden cũng lên kế hoạch gặp hãng dược Pfizer, công ty vừa công bố thông tin thử nghiệm vắc xin COVID-19 giai đoạn cuối của họ cho thấy "mức hiệu quả lên tới 90%".
Bác sĩ Vivek Murthy, đứng đầu nhóm COVID-19 của ông Biden, nói với Đài Fox News rằng sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 mới rất đáng báo động nhưng phong tỏa toàn quốc sẽ là "biện pháp cuối cùng" được tính đến.
Johnson & Johnson thử nghiệm lâm sàng vắc xin 2 liều
Công ty Johnson & Johnson ngày 16-11 bắt đầu một thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối quy mô lớn mới, lần này là để thử vắc xin 2 liều. Dự kiến khoảng 60.000 người tham gia sẽ được tiêm giả dược hoặc vắc xin thật, theo Reuters.
Thử nghiệm diễn ra ở Anh và nhiều nước khác bao gồm Mỹ, Bỉ, Colombia, Pháp, Đức, Philippines, Nam Phi và Tây Ban Nha.
Trước đó, Johnson & Johnson đã có một thử nghiệm giai đoạn cuối khác, bắt đầu hồi tháng 9 với một loại vắc xin COVID-19 chỉ cần 1 liều tiêm duy nhất. Dự kiến kết quả của thử nghiệm vắcxin 1 liều này sẽ có vào cuối năm 2020 hoặc đầu 2021.
TTO - Mỹ đã vượt mốc 11 triệu ca COVID-19 sau khi ghi nhận thêm 1 triệu ca mắc mới chỉ trong 1 tuần, trong bối cảnh nhiều thành phố và bang thực hiện các biện pháp hạn chế mới để ngăn dịch bệnh tiếp tục lan rộng.
Xem thêm: mth.28662426161110202-91-divoc-iv-pac-nahk-gnod-hnah-iog-uek-nedib-gno-auc-nav-oc-ugn-iod/nv.ertiout