Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre - phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: Quochoi.vn
Đề nghị này được đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đưa ra khi thảo luận dự án Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông chiều 16-11.
Giống như phiên thảo luận buổi sáng về dự án Luật giao thông đường bộ (sửa đổi), các đại biểu lại băn khoăn việc ''tách'' Luật giao thông đường bộ hiện hành thành Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Theo ông Nhưỡng, nhiều nội dung đều tách ra từ một luật giao thông đường bộ mà đã được Quốc hội nghiên cứu, đã được thông qua trong nhiều năm và đang ổn định. Bây giờ không có cơ sở gì để phá vỡ luật mà Quốc hội đã thông qua từ 2008 đang thực hiện. Ngược lại chỉ được đánh giá một số vấn đề cần khắc phục.
''Tôi có lúc cũng nói đùa với mọi người là vợ con nhà mình mà đối xử với chồng, với bố không đàng hoàng thì chuyển sang nhà khác quản lý à?".
Đại biểu đoàn Bến Tre cũng cho biết một số cử tri cao tuổi cho rằng bản chất của Luật giao thông đường bộ là điều chỉnh các hành vi, các quan hệ xã hội trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Đấy là một thể thống nhất, nó chính là được sinh ra vì trật tự giao thông đường bộ.
Bây giờ, vì câu chuyện đấy lại tách ra, chúng ta làm như thế là trái với những nguyên lý căn bản về mặt pháp lý, một bộ phận không thể tách rời thì không thể tách ra được.
Một vấn đề nữa, theo ông Nhưỡng: ''Chúng ta là thời đại 4.0 rồi, sắp tới là 5.0, 6.0, bây giờ chúng ta sử dụng dữ liệu dùng chung, chúng ta có đầy đủ các yếu tố để một cơ quan có thể chủ trì, những cơ quan khác phối hợp mà vẫn làm tốt công việc của Chính phủ''.
Ông đề nghị Bộ Giao thông vận tải hết sức nghiêm túc trong quá trình cho ý kiến cũng như đánh giá về những vấn đề có liên quan đến giao thông vận tải. Đây là một trong những vấn đề mà Bộ Giao thông vận tải phải rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc.
Mặt khác, đại biểu này đề nghị ngành công an chuyển cảnh sát giao thông về Bộ Giao thông vận tải thực hiện nhiệm vụ, giữ nguyên quyền lợi, chế độ cho anh em. Thậm chí tăng cường lực lượng cảnh sát giao thông cho ngành giao thông, cùng với thanh tra giao thông để xử lý những vấn đề có liên quan đến vi phạm pháp luật.
''Tôi nghĩ như vậy còn hiệu quả hơn vấn đề tách 2 luật này và chúng ta làm xáo trộn những vấn đề về mặt pháp lý. Một số vấn đề tôi xin được góp ý vào dự luật này'', ông Nhưỡng nói.
Tách luật không làm tăng biên chế
Giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng việc xây dựng Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông xuất phát từ việc Chính phủ xác định rõ bảo đảm trật tự an toàn giao thông là một bộ phận của trật tự an toàn xã hội thuộc Bộ Công an và thuộc trách nhiệm Bộ Công an.
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định nếu được Quốc hội thông qua sẽ không tăng biên chế và chi phí. Thủ tục hành chính cũng không tăng.
Cũng theo ông Lâm, việc làm 2 luật ‘‘không phải là tách luật, chia quyền’’ bởi thực tế cùng sự phát triển của các mặt đời sống, quá trình làm luật càng ngày càng đi vào lĩnh vực cụ thể, càng cụ thể hóa các vấn đề cuộc sống.
Ví dụ lĩnh vực đầu tư cũng chia thành Luật đầu tư, Luật đầu tư công; lĩnh vực khiếu nại, tố cáo cũng có hai luật khiếu nại và tố cáo riêng…
'‘Hai luật này cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các thành viên Chính phủ, đặc biệt là hai bộ Giao thông vận tải và Công an nhất trí cao, đảm bảo không làm ảnh hưởng lẫn nhau’’, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
TTO - Lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) Bộ Công an khẳng định như vậy trước những lo ngại của người dân nếu Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ được thông qua.
Xem thêm: mth.3381209161110202-iat-nav-gnoht-oaig-ob-ev-gnoht-oaig-tas-hnac-neyuhc-ihgn-ed-ueib-iad/nv.ertiout