Từ ngày xuống thủ đô, Long Thu Nguyệt chỉ dám ăn mì gói qua bữa - Ảnh: HÀ THANH
"Có rất nhiều việc phải lo, ăn mì gói cũng không no lắm đâu, nhưng mình khổ cũng phải chịu vì còn lo cho việc học. Cũng chỉ dám mua mì gói, mà ở đây mì cũng đắt hơn trên quê nên mình không dám ăn nhiều, chỉ ăn nửa gói thôi" - đôi tay đan chặt vào nhau, Long Thu Nguyệt, 18 tuổi, tân sinh viên Học viện Tòa án, cố ngăn giọt lệ nơi khóe mắt.
Thông tin từ cô giáo về học bổng Tiếp sức đến trường đã tiếp thêm sức mạnh cho mình bước vào đại học, để thực hiện hoài bão trở thành một thẩm phán giỏi giúp ích cho xã hội.
Trích lá thư Long Thu Nguyệt gửi đến Quỹ học bổng Tiếp sức đến trường
Không cho phép gục ngã
Mới chân ướt chân ráo từ Cao Bằng xuống Hà Nội học tập, Nguyệt đã bị rơi mất ví. Dù trong ví chỉ vỏn vẹn hơn 300.000 đồng tiền mặt, nhưng khổ nhất là mất chiếc thẻ ATM có số tiền Nguyệt dành dụm được từ việc đi làm thêm. Chỉ 300.000 đồng nhưng Nguyệt nói nếu ráng tiết kiệm cũng được 3 tuần nữa, vậy mà giờ chẳng biết xoay xở ở đâu. Không họ hàng thân thích, bạn bè trong phòng xúm lại cho em vay được 50.000 đồng, Nguyệt chỉ dám mua mì gói ăn tạm qua bữa.
Cô chú đi làm ăn xa để lại cho gia đình Nguyệt ngôi nhà nhỏ ở thị trấn Nguyên Bình (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Cha đi làm thuê làm mướn, đi phụ xây kiếm tiền công theo ngày, mẹ ở nhà làm 2 sào ruộng rồi chăm thêm đàn heo đặng nuôi Nguyệt cùng em trai ăn học.
Vừa học, Nguyệt vừa phụ giúp mẹ làm việc nhà, đi học về là thái rau chăm đàn heo, sáng dậy thật sớm cắt rau cho mẹ kịp bán buổi chợ ban mai. Dịch đến, đàn heo chết mất một nửa, tiền lãi chồng chất.
Đã nghèo còn gặp cái eo
Ngày nhận tin đỗ đại học, Nguyệt vỡ òa trong vui sướng, mọi mỏi mệt suốt hơn một tháng qua dường như tan biến. "Vui nhất là lúc nhận được giấy báo, bố mẹ vui lắm, mình cũng vui lây", Nguyệt vui mừng nhớ lại.
Thấy gia đình mình không được như người ta, mình phải cố gắng thật nhiều để gia đình được tốt hơn. Những lúc được mọi người khen vì đạt điểm cao, mình thấy rất vui và càng quyết tâm nỗ lực hơn nữa.
LONG THU NGUYỆT
Mới thi xong THPT quốc gia, Nguyệt đón xe từ thị trấn Nguyên Bình qua huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) xin trông tiệm tạp hóa thuê. Tiệm tạp hóa lớn lắm, cô làm quần quật cả ngày, thậm chí sức vóc con gái chẳng nề hà nhận bốc vác từng bao gạo nặng chừng 15 - 20kg. "Tại mình làm quen rồi nên coi như mình tập thể dục. Tính ra làm ở đó cả thứ bảy, chủ nhật, có lúc tăng ca đêm là hơn một tháng trời, mình kiếm được hơn 3 triệu đồng", Nguyệt nói.
Mẹ của Nguyệt xoay xở vay thêm 5 triệu đồng, hàng xóm láng giềng mỗi người cũng gom góp một ít, người cho 10.000 đồng, 20.000 đồng, người 100.000 đồng động viên, khích lệ cô gái dân tộc Tày bước đến giảng đường đại học.
Cả đời cha mẹ chưa bao giờ được đặt chân xuống mảnh đất thủ đô. Ngày nhập học, Nguyệt được cô ruột dẫn xuống trường cho an tâm rồi cô về vùng cao. Một mình Nguyệt ở lại giữa thủ đô với đầy rẫy lo toan cho chặng đường tương lai phía trước.
Số tiền đóng học ban đầu gần 7 triệu đồng, còn lại bỏ chút tiền mặt trong ví và giữ trong thẻ ATM đặng có việc cần đến. Mất ví tiền, giờ Nguyệt chẳng có lấy nổi một đồng, không biết xoay xở ở đâu.
Bạn bè trong ký túc xá có cha mẹ đưa đón, đồ đạc chất đầy giường. Nguyệt chỉ có vỏn vẹn tấm chăn mỏng và ít quần áo mang xuống, chút ít sách vở. "Cũng có tủi thân đôi chút, một mình mình ở đây, cũng may có các bạn cùng phòng nói chuyện cho đỡ buồn", Nguyệt bày tỏ.
Nguyệt nói, dù phía trước sẽ còn nhiều khó khăn thử thách, bạn sẽ quyết tâm học đến cùng.
Với nỗ lực không ngừng, trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10, Long Thu Nguyệt đạt thủ khoa đầu vào. Trong kỳ thi THPT quốc gia, Nguyệt đạt được số điểm 28,75 (tính cả điểm cộng) khối C, đỗ vào Học viện Tòa án.
TTO - Hành trình đi tìm con chữ của Hoài, của Khánh "hàm ếch", hay Tứ Kỳ có sự hi sinh của cha mẹ, và nỗ lực không mệt mỏi của những cô cậu học sinh không may mắn có được thân hình toàn vẹn, mạnh khỏe.
Xem thêm: mth.72663211261110202-nahp-maht-mal-om-caig-ioun-aub-auq-na-aun-eb-im-iog/nv.ertiout