Sạt lở đường bờ sông tại ấp Long Định, xã Long Kiến, huyện Chợ Mới - Ảnh: An Giang
Vừa xong vụ sạt lở ở quốc lộ 91 cũ đoạn qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, 27 hộ dân phải di dời khẩn cấp thì đến vụ sạt lở đất nghiêm trọng ở rạch Cái Sao, phường Mỹ Thới, TP Long Xuyên, liên tiếp trong tháng 5 và tháng 6-2020.
Tháng 7, huyện Châu Phú xảy ra 2 vụ sạt lở, hàng chục hộ dân mất chỗ ở. Ngay tại TP Long Xuyên cũng có nơi xảy ra nhiều đợt sụt lún, sạt lở ở khu vực dân cư. Tháng 9 vừa có thêm 2 vụ sạt lở đất xảy ra tại huyện An Phú. Và theo dự báo, sạt lở sẽ diễn ra phức tạp...
Tại huyện Chợ Mới, mới đây nhất, tại ấp Long Định, xã Long Kiến đã xuất hiện sạt lở đường bờ sông Ông Chưởng. Dự kiến sau mùa nước nổi sẽ tiến hành khắc phục, đã có tai nạn giao thông xảy ra tại khu vực này. Người dân đã cùng nhau xốc tre, căng dây chì gia cố tạm, đổ gạch vụn mở rộng đoạn đường này cho dễ lưu thông. Đây là khu vực có nguy cơ sạt lở cao, một năm trước chính quyền đã cho tạo bờ kè chống sạt lở nhiều chỗ có nguy cơ nhưng ai cũng lo lở đất bất cứ lúc nào. Không chỉ lo mất tài sản mà còn lo tai nạn, tính mạng.
An Giang là tỉnh chịu thiệt hại lớn do sạt lở từ nhiều năm nay. Tỉnh có chủ trương bố trí dân cư vào các cụm tuyến dân cư có sẵn hoặc sử dụng quỹ đất công của địa phương để bố trí dân vào ở liền, có chỗ ở an toàn. Nhưng người dân quê tôi vẫn chưa thể an lòng. Ai di cư đã tạm yên nhưng bờ sông vẫn chưa yên và bao người vẫn đang ở đó. Ở tổ 3, ấp Long Thành, xã Long Giang (huyện Chợ Mới) từng lở đất nhiều lần, nhiều nhà di cư, năm nay vừa sạt lở từ mấy tháng trước nay đã bị sạt lở thêm. Những căn nhà cất dưới mé sông gần đó bị sụt lún hơn trước. Trên bờ cũng xuất hiện vết nứt mới...
Đoạn sạt lở nằm trong khu vực cảnh báo và dự báo đang có nguy cơ mở rộng. Nhưng không phải hộ nào cũng đủ điều kiện để được tái định cư, nhiều người lại quay về gần chốn cũ, cất nhà dưới mé sông. Nhìn căn nhà mới cất dưới mé sông mà lo.
Sau vụ sạt lở ở Vàm Cái Hố (xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới) năm rồi, người dân cho biết có nghe về chủ trương chuyển dân ra khu dân cư an toàn, có hỗ trợ tiền mua đất nhưng đến nay chưa thấy "nhúc nhích".
Và về chuyện tái định cư người dân vùng sạt lở, nhiều người dân quê tôi vẫn còn chưa quên vụ việc nhà tái định cư tại xã Mỹ Hội Đông, Chợ Mới. Khi nhà tài trợ quay lưng, công trình bị bỏ phế khiến nhiều hạng mục xuống cấp, hư hỏng. Gần đây có nghe thông tin có đơn vị mới tiếp nhận hoàn thiện công trình mới thấy mừng phần nào cho những người 2 năm qua phải sống cảnh tạm bợ, không ổn định.
Những ngày này, đi đâu tôi cũng nghe người dân bàn tán về việc làm từ thiện, thiện nguyện, hỗ trợ người dân (kể cả ở khu vực có sạt lở đất bờ sông). Có người bảo rằng việc hỗ trợ người dân tự phát, không có kế hoạch thì chỉ giải quyết được phần ngọn, trước mắt. Tôi nghĩ việc giúp đỡ, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ... cũng cần phải thật nhanh chóng, kịp thời, không để chậm trễ hàng năm trời, nhất là tại nơi nguy hiểm như sạt lở đất. Đừng để người dân vùng sạt lở chờ đợi mỏi mòn.
TTO - Hàng chục ngôi nhà ở Chợ Mới, An Giang. bị sụt lún, nứt tường, nền nhà... trong thời gian qua là do mưa nhiều và biến đổi dòng chảy.
Xem thêm: mth.99120501261110202-uc-hnid-iat-coud-mos-gnom-ihc/nv.ertiout