Tại Lễ kỷ niệm, thay mặt Đảng, Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trao Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai tặng Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Tham dự buổi Lễ có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân; nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện lãnh đạo bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương, các tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức nhân dân, nhân sĩ, trí thức và doanh nhân. Cùng dự có: Ngài Saadi Salama, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam, Trưởng Đoàn Ngoại giao tại Việt Nam; đại sứ nhiều quốc gia tại Việt Nam; đại diện các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi Thư chúc mừng Liên hiệp hữu nghị.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn đã đọc Thư chúc mừng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Trong Thư, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam về những thành tựu đạt được trong suốt 70 năm qua.
Đánh giá đất nước đang bước vào thời kỳ phát triển mới với thế và lực mới, có nhiều thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, những biến chuyển nhanh chóng, phức tạp, khó lường của tình hình thế giới và khu vực đang tác động sâu sắc đến quan hệ quốc tế, phong trào nhân dân thế giới và môi trường đối ngoại của Việt Nam, đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác đối ngoại nói chung và đối ngoại nhân dân nói riêng. (Báo CAND trân trọng giới thiện toàn văn và thư chúc mừng của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong số báo này).
Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chúc mừng, biểu dương các thế hệ lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Liên hiệp hữu nghị về những thành tựu đáng tự hào trong suốt 70 năm qua.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, đối ngoại nhân dân là một trong ba trụ cột của ngoại giao Việt Nam. Ngày 17/11/1950, cách đây tròn 70 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư tới Hội nghị hòa bình ở Việt Nam, thể hiện rõ nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới có cùng nguyện vọng và ý chí, đó là hòa bình và dân chủ.
Ngày đó đã đi vào lịch sử như một dấu mốc quan trọng, gắn kết cách mạng Việt Nam với phong trào tiến bộ của nhân dân thế giới, và sau này được chính thức ghi nhận là ngày Truyền thống của Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam, lực lượng nòng cốt trong công tác đối ngoại nhân dân.
Đồng chí Phạm Bình Minh yêu cầu Liên hiệp hữu nghị cần bám sát phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả” tích cực đổi mới, sáng tạo, năng động thích ứng với tình hình mới phát huy được thế mạnh có được từ vị thế mới và “sức mạnh mềm” của đất nước, tận dụng thành tựu của công nghệ thông tin, tích cực triển khai các hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, hợp tác nhân dân, thông tin đối ngoại với nội dung sâu sắc, phương thức đổi mới, hấp dẫn trên nhiều kênh, hướng tới mọi tầng lớp nhân dân thế giới, nhất là giới trẻ. Đồng thời mở rộng mạng lưới đối tác, tăng cường quan hệ hữu nghị, thúc đẩy hợp tác trên cơ sở đôi bên cùng có lợi với nhân dân các nước, trước hết là các nước láng giềng, ASEAN và các đối tác quan trọng.
Trình bày diễn văn tại buổi lễ, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp hữu nghị cho biết: Liên hiệp hữu nghị và các tổ chức thành viên đã mở rộng quan hệ với các đối tác mới, thiết lập quan hệ hợp tác với hơn 1.000 tổ chức quốc gia, khu vực và quốc tế, trong đó trên 500 tổ chức có hoạt động thường xuyên tại Việt Nam. Giá trị viện trợ phi chính phủ nước ngoài giải ngân trong giai đoạn 2003-2019 đạt khoảng 5 tỷ USD, được triển khai ở tất cả 63 tỉnh/thành phố trong cả nước, thiết thực góp phần vào việc xóa đói, giảm nghèo, khắc phục hậu quả chiến tranh, thiên tai và giải quyết các vấn đề xã hội, phát triển nguồn nhân lực và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Hệ thống tổ chức của Liên hiệp hữu nghị phát triển mạnh mẽ, với 116 tổ chức thành viên, trong đó 64 tổ chức thành viên ở Trung ương và 52 Liên hiệp hữu nghị ở địa phương với hàng trăm chi hội thành viên. Đội ngũ cán bộ đối ngoại nhân dân của Liên hiệp hữu nghị ngày càng trưởng thành.