Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Armenia cho biết Ngoại trưởng Zohrab Mnatsakanyan hôm 16-11 đã nộp đơn từ chức lên Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và được chấp thuận, trong bối cảnh chính quyền Armenia đang chịu nhiều sức ép.
Chính quyền Armenia đã vấp phải sự phản đối dữ dội từ người dân sau khi ký thỏa thuận đình chiến với Azerbaijan, chấm dứt sáu tuần xung đột tại vùng Nagorno-Karabakh.
Ngoại trưởng Mnatsakanyan sau đó đã quyết định từ chức, ông đã nắm giữ vị trí này từ tháng 5-2018. Đây được xem như sự sụp đổ của nền chính trị ở quốc gia Tây Á này.
Ngoại trưởng Armenia Zohrab Mnatsakanyan tham dự cuộc họp với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov tại Moscow, ngày 21-10. Ảnh: REUTERS
Trước đó, hôm 10-11, ông Pashinyan tiết lộ lãnh đạo Armenia và Azerbaijan cùng Nga đã ký thỏa thuận đình chiến, chấm dứt các hành động thù địch giữa hai bên.
Theo thỏa thuận, Armenia trả lại quyền kiểm soát một số khu vực thuộc vùng xung đột Nagorno-Karabakh cho Azerbaijan và lực lượng gìn giữ hòa bình Nga sẽ được triển khai dọc biên giới hai nước để giám sát việc thực thi.
Dù phải đối mặt với sự giận dữ của người dân, song Thủ tướng Armenia khẳng định thỏa thuận ngừng bắn là lựa chọn đúng đắn để bảo vệ 25.000 binh sĩ khỏi nguy cơ bị bao vây và xóa sổ.
"Điều này đến sau khi Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Armenia báo cáo cần dừng khẩn cấp cuộc chiến. Lãnh đạo vùng Nagorno-Karabakh cho biết thủ phủ Stepanakert có thể thất thủ trong vài giờ" - ông Pashinyan nói.
Sau khi thỏa thuận ngừng bắn được công bố, hàng trăm người Armenia tại thủ đô Yerevan tràn vào đập phá dinh thủ tướng và tòa nghị viện, ẩu đả với các nghị sĩ và đánh bất tỉnh Chủ tịch quốc hội Ararat Mirzoyan.
Hàng nghìn người sau đó tiếp tục xuống đường biểu tình phản đối ở Yerevan và gọi ông Pashinyan là "kẻ phản bội", đồng thời yêu cầu Thủ tướng và Ngoại trưởng nước này từ chức.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan. Ảnh: REUTERS
Góp phần tạo điều kiện để Armenia và Azerbaijan ký thỏa thuận ngừng bắn, Điện Kremlin tiết lộ Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron để thảo luận về vấn đề ở khu vực Nagorno-Karabakh.
Hai nhà lãnh đạo khẳng định tình hình trong khu vực nhìn chung đã ổn định và đã đến lúc giải quyết các vấn đề nhân đạo, bao gồm việc đưa người tị nạn trở lại và bảo tồn các khu nhà thờ và tu viện Thiên chúa giáo.
Chiến sự giữa Armenia và Azerbaijan tại Nagorno-Karabakh cùng vùng lân cận bùng phát trở lại từ ngày 27-9. Đây được xem là cuộc xung đột vũ trang đẫm máu nhất sau khi cả hai nước quyết định đình chiến từ năm 1994.
Có khoảng 5.000 binh sĩ cùng dân thường của Armenia và Azerbaijan thiệt mạng trong những đợt giao tranh.