Top 10 ngân hàng lãi tốt nhất đã lộ diện, trong đó ngoài 3 ông lớn ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối là Vietcombank, BIDV, VietinBank thì còn 7 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tiếp tục góp mặt bao gồm Techcombank, VPBank, MB, ACB, VIB, HDBank và TPBank. Trong đó top 3 ngân hàng tư nhân lần lượt gọi tên Techcombank (đứng thứ 2 toàn hệ thống), VPBank (đứng thứ 4 toàn hệ thống) và MB (đứng thứ 5).
Báo cáo phân tích về kết quả 9 tháng mới công bố tới các nhà đầu tư của VPBank cho thấy ngân hàng này đang nằm trong nhóm dẫn đầu không chỉ về lợi nhuận đơn thuần mà cả các chỉ số sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và sinh lời trên vốn (ROE).
NIM giảm, lợi nhuận vẫn tăng mạnh
Ngoài yếu tố lợi nhuận, khả năng sinh lời (ROA, ROE) là tiêu chí được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm khi sàng lọc cổ phiếu ngân hàng. Trong số các ngân hàng có lợi nhuận cao nhất hệ thống nhiều năm gần đây, VPBank luôn nằm trong nhóm các ngân hàng có tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) và trên tổng tài sản (ROA) dẫn đầu hệ thống. Nhờ chỉ số sinh lời tốt nên 9 tháng đầu năm, lợi nhuận của VPBank tăng tới 30,5%, đạt gần 9.400 tỷ đồng, hoàn thành 92% kế hoạch cả năm.
Báo cáo phân tích của VPBank cho thấy, 9 tháng đầu năm nay, tín dụng ngân hàng này tăng tới 16,5%, gần gấp 3 lần mức tăng trưởng tín dụng chung toàn hệ thống. Tuy nhiên, thu nhập lãi thuần chỉ tăng khoảng 5,3% do ngân hàng thắt chặt tín dụng hạn chế khách hàng ở các phân khúc rủi ro cao và giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid khiến NIM giảm sút. Như vậy, động lực tăng trưởng lợi nhuận 9 tháng không đến từ chênh lệch lãi vay.
Mặc dù lợi nhuận thu về từ hoạt động kinh doanh chính tăng trưởng thấp, tổng doanh thu cũng chỉ tăng 7,6%, song đáng ngạc nhiên là hệ số sinh lời của ngân hàng tiếp tục tăng trưởng. Cụ thể, 9 tháng đầu năm nay, ROE của VPBank là 21,8% trong khi năm 2019 là 21,5%, ROA là 2,5% so với năm 2019 là 2,4%. Với chỉ số sinh lời này, VPBank tiếp tục lọt vào top ngân hàng dẫn đầu hệ thống về khả năng sinh lời.
Trao đổi với nhà đầu tư tại buổi gặp mặt hôm 5/11 vừa qua, bà Lưu Thị Thảo, Phó Tổng Giám đốc thường trực VPBank khẳng định, việc chủ động tối ưu hóa bảng cân đối, kiểm soát chất lượng tài sản, đa dạng hóa doanh thu và kiểm soát tốt chi phí với kỷ luật cao là những nguyên nhân khiến VPBank giữ vững tốc độ tăng trưởng và tỷ suất sinh lời trong bối cảnh rủi ro thị trường đột ngột tăng cao do dịch bệnh.
Báo cáo tài chính quý 3/2020 vừa công bố cũng cho thấy, 9 tháng đầu năm nay, cơ cấu doanh thu của VPBank ngày càng đa dạng và bổ trợ lẫn nhau tốt. Trong khi thu nhập lãi thuần chỉ tăng 5,3%, các hoạt động kinh doanh ngoài lãi tăng trưởng tới 20,9%. Trong đó, lãi thuần từ dịch vụ tăng 19,6%, lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh và đầu tư tăng 57,4%, thu từ nợ đã xử lý rủi ro tăng 23,9%... Các cấu phần thu nhập ngoài lãi đều có tăng trưởng hai con số đã bù đắp cho mức tăng trưởng khiêm tốn của thu nhập lãi thuần.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát chặt chẽ chi phí cũng khiến VPBank tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng và cải thiện tỷ suất sinh lời. Nhờ áp dụng số hóa, 9 tháng đầu năm, tổng chi phí hoạt động (OPEX) của ngân hàng giảm tới 5,7%. Điều này góp phần đưa chỉ số chi phí hoạt động trên thu nhập (CIR) giảm từ mức 32,9% cùng kỳ năm ngoái xuống còn 29,4% trong năm nay. Trong đó, chi phí vốn của VPBank giảm mạnh và hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng 15 quý gần nhất.
Như vậy, hệ số sinh lời của VPBank vẫn tiếp tục được cải thiện và đứng ở trong nhóm dẫn đầu thị trường là nhờ sự đa dạng nguồn thu, tăng trưởng mạnh nguồn thu ngoài lãi, tối ưu hóa bảng cân đối, tiết giảm chi phí…
Thêm động lực tăng trưởng
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank cho biết, nền tảng kinh tế vĩ mô tích cực, các chính sách tiền tệ hiệu quả mà NHNN triển khai từ đầu năm đến nay cộng với niềm tin của người tiêu dùng tăng trở lại sẽ khiến kết quả kinh doanh quý IV/2020 của các ngân hàng tiếp tục khả quan.
"Với VPBank, động lực đầu tiên để thúc đẩy tăng trưởng quý IV/2020 là tăng trưởng tín dụng. Đặc biệt, với phân khúc khách hàng chiến lược (cá nhân, doanh nghiệp SME), ngân hàng đã có kế hoạch cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng mạnh trở lại nhằm bù đắp tốc độ tăng trưởng chậm 9 tháng đầu năm nhằm hạn chế rủi ro. Theo đó, quý IV có thể sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất so với các quý còn lại. Tất nhiên, bên cạnh thúc đẩy tăng trưởng, ngân hàng vẫn sẽ kiểm soát chất lượng tài sản một cách thận trọng, đảm bảo chất lượng danh mục sẽ được duy trì tốt như mong đợi", ông Vinh nói.
Lãnh đạo VPBank cũng kỳ vọng, thời gian tới, ngân hàng sẽ tận dụng được xu hướng giảm lãi suất của thị trường để tối ưu hóa bảng cân đối, kiểm soát NIM ở mức phù hợp, tiếp tục tối ưu hóa về chi phí… để tiếp tục tăng cao hiệu quả hoạt động.
Trước đó tại ĐHCĐ diễn ra cuối tháng 5/2020, VPBank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế khoảng 10.214 tỷ đồng, giảm 1,1% so với năm 2019. Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngân hàng này, nhờ cải thiện tài sản và hiệu quả hoạt động, nhiều khả năng năm nay, lợi nhuận ngân hàng sẽ tăng ít nhất 10-15% so với mục tiêu đề ra.
Mai Hương
Nhịp sống kinh tế