“Lực lượng công an xã có lịch sử 70 năm xây dựng, trưởng thành. Tuy nhiên luật Công an nhân dân có hiệu lực đã đưa lực lượng công an chính quy xuống thay thế, tự nhiên sứ mệnh của lực lượng này đã hết. Xin lỗi đồng chí Bộ trưởng, bây giờ lực lượng công an quá đông” - Tướng Sùng Thìn Cò, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hà Giang phát biểu thảo luận tại Quốc hội về Dự thảo luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.
Tướng Sùng Thìn Cò (Hà Giang) phát biểu và nói lực lượng công an bây giờ đông quá. Ảnh: QH
Tướng Sùng Thìn Cò nói bây giờ mỗi tỉnh ít nhất có 3.000 công an, tỉnh to thì phải 4.000, hơn 4.000 công an chính quy.
“Giờ thêm nhiều lực lượng nữa, chẳng lẽ lực lượng chính quy này không đủ để nắm tình hình, xử lý tình hình hay sao? Tài của người chiến sỹ công an là phải xây dựng được mạng lưới cơ sở bí mật để giúp anh nắm tình hình. Nắm địch phải nắm từ trong trứng nước, để cho nó phát sinh, bộc lộ” - ĐB Sùng Thìn Cò nói.
Tướng Sùng Thìn Cò nêu quan điểm nếu xác định lực lượng này là quan trọng thì sao không sử dụng, đào tạo ngay từ đầu. Ông đề nghị Quốc hội, Chính phủ cân nhắc và ĐBQH trước khi bấm nút thay mặt cử tri cũng phải cân nhắc.
ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của các ĐBQH đã phát biểu trước đó và bày tỏ một số băn khoăn. Theo ĐB Hoa, theo lý thuyết thì dự luật thu gọn đầu mối nhưng thực chất là bộ máy đang phình ra. Dự thảo luật quy định lực lượng tham gia bảo vệ trật tự an ninh cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện, đóng vai trò tham gia nhưng tinh thần của dự luật lại không như vậy.
“Hiện nay, ở các địa bàn tồn tại khá nhiều mô hình tự quản trong bảo đảm an ninh trật tự, như các câu lạc bộ về phòng chống tội phạm, hiệp sĩ đường phố, tổ tự quản an ninh trật tự, thôn bản bình yên. Vậy, các mô hình này có nằm trong đối tượng điều chỉnh của dự thảo luật này không?” - ĐB Hoa đặt vấn đề.
ĐB Hoa nói, hiện nay Ban Bí thư đang giao MTTQ xây dựng mô hình tự quản tại cộng đồng dân cư. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của các mô hình đang triển khai thực hiện ở cơ sở.
“Luật này được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thì các mô hình tự quản khác có tiếp tục được duy trì không. Duy trì thì tính pháp lý của các mô hình này so với lực lượng mà chúng ta đang thể hiện trong luật này sẽ như thế nào?” - ĐB Hoa băn khoăn.
ĐB Hoa cũng nêu vấn đề về ngân sách cấp cho lực lượng này và nếu chế độ, chính sách không lấy từ ngân sách, chuyển qua chế độ “bồi dưỡng” thì lấy tiền ở đâu. “Tất cả vấn đề này tôi cũng muốn phải làm tường minh”.
Một vấn đề quan trọng ĐB Hoa nêu: “Khi làm luật Công an nhân dân, chúng ta ủng hộ Chính phủ thực hiện mô hình đưa công an chính quy về xã để xây dựng lực lượng công an hiện đại, tinh nhuệ, mặc dù trong quá trình thảo luận thì chúng ta đã băn khoăn rằng công an xã chính quy thì liệu có bám sát địa bàn không? Có gần gũi bám sát địa bàn với lực lượng công an bán chuyên trách ở xã. Nay chúng ta đưa vấn đề này ra để bàn thảo, chúng ta lật lại vấn đề, chủ trương đưa công an chính quy về xã sẽ không thể tốt nếu không có lực lượng chân rết ở cơ sở".
Cuối cùng, ĐB Hoa đề nghị: "Tôi nghĩ trước khi thông qua luật này cần phải đánh giá đề án đưa công an chính quy về xã, được cái gì, chưa được cái gì, lúc đó mới đủ cơ sở cho đại biểu đánh giá, phân tích, xem xét”.
Đa số các ĐB nêu ý kiến đều đồng tình với việc phải đánh giá lại vấn đề về dự luật này. Thậm chí, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) còn mở rộng vấn đề khi ông đề nghị xem xét quy trình lập pháp để tránh tình trạng "bỗng nhiên có một dự luật nhảy vào nghị trường".