Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ giúp giảm tải cho quốc lộ 22 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tại văn bản này, UBND TP kiến nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư hướng dẫn thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho dự án. Việc này nhằm đảm bảo dự án sớm triển khai, đồng thời đảm bảo tuân thủ các qui định.
Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài dài 53km, có điểm đầu giao với đường Vành đai 3, điểm cuối tại Khu kinh tế Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh). Trong giai đoạn 1, cao tốc được xây dựng rộng 17m gồm 4 làn xe, được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Cao tốc dự kiến làm trong 5 năm và đưa vào khai thác năm 2025. Thời gian thu phí hoàn vốn (không bao gồm phần vốn nhà nước hỗ trợ dự án) dự kiến 23 năm 8 tháng.
Tại báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư lần này, tổng mức đầu tư dự án hơn 13.613,4 tỉ đồng, tức tăng khoảng 2.527 tỉ đồng so với báo cáo thẩm định nghiên cứu tiền khả thi hồi cuối tháng 10-2019.
Được biết nguyên nhân tăng do chi phí giải phóng mặt bằng ban đầu dự kiến chỉ khoảng 2.918,7 tỉ đồng, nay tăng cho phù hợp thực tế là 5.117,7 tỉ đồng. Ngoài ra, dự án còn bổ sung các nút giao giữa cao tốc với đường Vành đai 3 (Hóc Môn) và tỉnh lộ 8 (huyện Củ Chi).
Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sau khi hoàn thành sẽ hoàn thiện mạng lưới giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tăng năng lực khai thác tuyến đường liên vận quốc tế nối TP.HCM với Campuchia. Công trình cũng phá thế độc đạo, tạo tuyến đường mới kết nối TP.HCM - Tây Ninh và giúp giảm tải quốc lộ 22.
Dự án sử dụng vốn ngân sách giải phóng mặt bằng khoảng 432ha, riêng TP.HCM khoảng 209ha, còn lại thuộc địa bàn Tây Ninh.
Trước đó, tháng 10-2020, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý cho TP.HCM quyết định chủ trương đầu tư cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và triển khai, phê duyệt dự án.
Xem thêm: mth.50774133171110202-iab-com-cot-oac-mal-hnahn-yad-cut-uht-ihgn-neik-mch-pt/nv.ertiout