vĐồng tin tức tài chính 365

Dân nghèo Ý rơi vào cảnh khốn đốn vì dịch bệnh

2020-11-18 07:02

Dân nghèo Ý rơi vào cảnh khốn đốn vì dịch bệnh

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Làn sóng  Covid-19 thứ hai đang giáng tai họa kinh tế lên tầng lớp dân lao động nghèo ở Ý, đặc biệt là ở vùng miền Nam khi họ gần như mất tất cả thu nhập để trang trải cho chi phí cơ bản hàng ngày.

Bà Grazia Santangelo, chủ một gian hàng bán sách và nữ trang ở Palermo, Ý mất gần như tất cả khách hàng vì dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Financial Times

Tai họa kinh tế từ lệnh phong tỏa

Trong suốt 30 năm qua, bà Grazia Santangelo, 62 tuổi, kiếm sống bằng nghề bán sách và nữ trang từ một gian hàng ở khu chợ đường phố Ballarò ở TP Palermo. Đó là trong những khu chợ sống động nhất và cổ xưa nhất ở miền nam nước Ý.

Nhưng giờ đây, nó gần như vắng bóng người. Đợt phong tỏa mới nhất do làn sóng Covid-19 khiến Santangelo mất gần như tất cả khách hàng và đang phải xoay sở để chi trả chi tiêu thiết yếu hàng ngày gồm thực phẩm và thuốc men.

May mắn lắm, bà kiếm được 3 euro mỗi ngày. Bà chia sẻ: “Tôi đã cùng đường rồi. Không khí nhộn nhịp ở khu trung tâm của thành phố của chúng tôi đã biến mất. Mọi người đang thực sự lo lắng. Chẳng ai còn nguồn thu nhập cả”.

Khoảng 30% dân số nước Ý có thu nhập bị suy giảm mạnh do các biện pháp giãn cách xã hội để khống chế đà lây lan của dịch bệnh, theo nghiên cứu gần đây của Ngân hàng trung ương Ý (BOI). Cục Thống kê quốc gia Ý (ISTAT) cho biết chi tiêu hộ gia đình ở nước này giảm 11,5% trong quí 2-2020 so với quí trước đó.

Trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 9, gần 50% trong số những người phải đến xin giúp đỡ từ tổ chức từ thiện Caritas là những người làm như vậy lần đầu tiên. Những người bị dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề nhất sống ở miền Nam nước Ý, đặc biệt là nhóm người dễ bị tổn thương sống ở các vùng ngoại ô và vùng nông thôn cũng như những người làm việc trong nền kinh tế không chính thức.

Tỷ lệ người dân Ý có việc làm suy giảm ở miền Nam Ý mạnh hơn bất cứ vùng nào khác. Trong quí 2, ở miền Nam nước Ý, chỉ có 2 trong 5 người dân trong độ tuổi lao động có việc làm so với tỷ lệ 3/5 ở miền Bắc. Thu nhập hộ gia đình, không tính trợ cấp của chính phủ, ở miền Nam bị tác động nghiêm trọng bởi dịch bệnh hơn miền Bắc, theo dữ liệu của BOI.

Dù miền Nam Ý trải qua tình trạng khẩn cấp y tế ít nghiêm trọng hơn so với miền Bắc ở thời kỳ đầu của đại dịch, khu vực này gần đây chứng kiến dịch bệnh Covid-19 tái trỗi đậy, đe dọa gây ra tổn thương kinh tế mới. Valeria Leonardi, một thành viên của SOS Ballarò cho biết, ở đảo Sicily thuộc miền Nam, lệnh phong tỏa là “một tai họa đối với nhiều người vốn đã trong tình trạng nguy cấp về kinh tế vì họ thường buộc phải làm việc mà không có hợp hợp đồng chính thức nên không được hưởng các phúc lợi xã hội của nhà nước”.

Ngay cả  trước đại dịch, do tỷ lệ thất nghiệp cao, đặc biệt là ở giới trẻ và phụ nữ, có đến 50% dân số ở một số khu vực thuộc miền Nam Ý đối mặt với rủi ro rơi vào thiếu đói và bị cô lập xã hội. Đây cũng là nơi có tỷ lệ cao của các công việc tạm thời, lương thấp và liên quan đến lao động tay chân trong các ngành bán lẻ, nhà hàng, khách sạn, giải trí, vốn đang chịu tác động kinh tế nặng nề của dịch bệnh. Hơn 50% trẻ em từ các gia đình nghèo ở miền Nam không có internet ở nhà nên chúng không thể dự các lớp học trực tuyến trong thời kỳ phong tỏa.

Người dân xếp hạng nhận thực phẩm từ thiện ở Catania, đảo Sicily, Ý. Ảnh: Reuters

Tuyệt vọng

Massimo Rodà, nhà kinh tế cấp cao ở Tổng Liên đoàn Công nghiệp Ý, cảnh báo “hậu quả kinh tế của tình trạng phong tỏa có thể kéo dài nhiều năm, đặc biệt là ở miền Nam và có thể nghiêm trọng hơn ở giới trẻ và bộ phận có kỹ năng lao động thấp”.

Chính phủ Ý đã bơm hàng tỉ euro vào nền kinh tế và phát động một chương trình giảm nghèo mới để tăng thu nhập cho người dân. Chương trình này được phê duyệt trước đại dịch và hứa hẹn sẽ giúp giảm tỷ lệ nghèo ở Ý lần đầu tiên trong bốn năm qua.

Dữ liệu của ISTAT cho thấy khoảng 4,6 triệu người, tương đương 7,7% dân số Ý, sống ở ngưỡng nghèo tuyệt đối (không có khả năng mua hàng hóa và dịch vụ thiết yếu để tránh các tình trạng bị cô lập xã hội nghiêm trọng) trong năm 2019, so với 8,4% vào năm 2018.

Dù nhận được trợ cấp chính phủ, Domenico Palaia, thợ làm bánh ở thị trấn Satriano thuộc Calabria, một trong những vùng nghèo nhất ở miền nam Ý, cho biết ông gần như không còn đủ khả năng lo cho bữa ăn gia đình nữa. Vợ chồng Palaia sống trong một căn hộ cùng hai con nhỏ và người mẹ già 84 tuổi.

Ngay cả trước khi đại dịch ập đên, ông đã chán nản trong hành trình tìm kiếm việc làm. Giờ đây, ông không còn chút hy vọng nào. Ông nói: “Tôi không chắc tôi sẽ không nổi khùng. Chính quyền phong tỏa hết đợt này đến đợt khác. Nếu dịch bệnh này không ngừng gây sức ép, chúng tôi sẽ hoàn toàn vô vọng”.

Không giống như Palaia, nhiều người dân khác không đủ tiêu chuẩn để nhận trợ cấp của chính phủ chỉ vì họ làm việc trong nền kinh tế không chính thức. “Các chính sách của chính phủ là nhằm hỗ trợ cho những nhóm người đã được bảo vệ phần nào vì họ có lương và hợp đồng lao động thường xuyên. Nhưng nếu một người lao động làm việc tự do và nếu họ là một phần của nền kinh tế không chính thức, họ có thể bị gạt bỏ hoàn toàn ra khỏi các chính sách hỗ trợ”, Valentina Meliciani, giáo sư kinh tế ở Đại học LUISS tại  Rome, nói.

Maria Grazia Brighina, 51 tuổi, là một người lao động như vậy. Bà sống cùng em trai và bố mẹ trong một nhà ở xã hội của chính quyền được cho thuê với giá thấp ở thị trấn Mirabella Imbaccari trên đảo Sicily. Bà đang bất mãn vì chính quyền không làm đủ để hỗ trợ gia đình bà.

“Chúng tôi đang trong cơn tuyệt vọng. Chúng tôi đang bị mắc kẹt giữa tình trạng không có khả năng tìm kiếm việc làm và nỗi sợ dịch bệnh ở một khu vực vốn đã bị lãng quên từ trước đại dịch”, bà than vãn.

Theo Financial Times

Xem thêm: lmth.hneb-hcid-iv-nod-nohk-hnac-oav-ior-y-oehgn-nad/787013/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Dân nghèo Ý rơi vào cảnh khốn đốn vì dịch bệnh”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools