vĐồng tin tức tài chính 365

Phân luồng sân bay Tân Sơn Nhất: Chờ thêm vài ngày sẽ "đâu vào đấy"

2020-11-18 10:09

Từ ngày 14-11, sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) tiến hành phương án phân luồng, hướng lưu thông dành cho người, phương tiện đưa, đón hành khách tại ga quốc nội. Theo đó, làn A chỉ dành cho phương tiện đưa khách đi máy bay; làn B và C dành cho các phương tiện đón khách (trừ taxi, ôtô kinh doanh vận tải); làn D (trong nhà xe TCP) chỉ dành cho taxi, xe kinh doanh vận tải đón khách. Tuy nhiên, những ngày đầu thực hiện đã có sự xáo trộn cho một số phương tiện và hành khách.

Leo 4, 5 tầng lầu để bắt Grab

Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết sau vài ngày thực hiện, việc phân làn giao thông mới đã tạo sự thông thoáng, giảm thiểu ùn tắc ở khu vực ra vào sân bay, nhà ga quốc nội.

Sáng 17-11, tức sau 3 ngày điều chỉnh phân luồng, phóng viên ghi nhận tình trạng giao thông đã ổn định hơn trước. Không còn tình trạng xe công nghệ xếp hàng dài chờ ra bãi xe của nhà xe TCP, hành khách đỡ loay hoay tìm điểm hẹn với tài xế công nghệ.

Tại làn A (khu vực sát sảnh đón, trả khách), giao thông không còn bát nháo như trước, ôtô dừng đỗ cho hành khách xuống xe chỉ trong vòng 3 phút nên khá thông thoáng. Nhiều tài xế đón khách sai quy định đã bị Thanh tra giao thông nhắc nhở, lập biên bản xử phạt. Tương tự, tại làn B và C dành cho phương tiện đón khách (trừ taxi, xe kinh doanh vận tải) cũng khá thông thoáng.

Phân luồng sân bay Tân Sơn Nhất: Chờ thêm vài ngày sẽ đâu vào đấy - Ảnh 1.

Khu vực đón, trả khách trước ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất thông thoáng vào sáng 17-11. Ảnh: LAM GIANG

Nhưng ở làn D (nhà xe TCP) trừ tầng trệt là nơi đón khách của các hãng vận tải đã đăng ký kinh doanh nhượng quyền với cảng hàng không khá ổn định, còn lại các hãng xe công nghệ như Grab, Be… đều phải lên tầng 3, 4, 5 để đón khách. Việc này khiến nhiều hành khách lúng túng, bất tiện, chưa kể phải trả thêm khoản tiền 25.000 đồng cho hãng xe công nghệ vì nhà xe TCP thu phí xe ra vào bãi. "Với những người có nhiều hành lý sẽ phải chờ thang máy khá lâu, chưa kể tốn thêm 25.000 đồng phí đậu ôtô ở khu vực nhà xe TCP áp dụng cho ôtô ra vào đón khách (chủ yếu là xe công nghệ). Nhiều khách đặt xe không để ý phí này, đến khi tài xế thông báo mới biết, dẫn tới cự cãi, hủy chuyến gây mất trật tự, ùn tắc cục bộ" - chị Nhung, một hành khách đang chờ xe công nghệ, nói.

Phân luồng sân bay Tân Sơn Nhất: Chờ thêm vài ngày sẽ đâu vào đấy - Ảnh 2.

Hành khách đón xe công nghệ tại tầng 3 và 4 của khu nhà TCP .Ảnh: THU HỒNG

Loay hoay chạy lên xuống 2 vòng mà vẫn chưa đón được khách, anh Tấn Vũ (tài xe Grabcar 7 chỗ) lắc đầu, khách hẹn ở tầng 4 mà tìm hoài không ra, nếu không đón được khách, phải mất phí 25.000 đồng. Theo anh Vũ, việc phân luồng khiến tài xế công nghệ khó tiếp cận khách hơn, chưa kể hành khách sẽ hạn chế quyền lựa chọn phương tiện.

Đại diện ứng dụng gọi xe Be cho biết ủng hộ việc quy hoạch lại luồng xe ra vào sân bay để tạo sự thông thoáng, trật tự và an toàn cho hành khách di chuyển. Tuy nhiên, với lưu lượng giao thông và nhu cầu đi lại lớn tại sân bay, quá trình thực hiện theo quy hoạch mới còn một số bất cập, ảnh hưởng đến trải nghiệm dịch vụ với cả tài xế và khách hàng.

Trước tình trạng này, Be đã chủ động truyền thông đến các tài xế và khách hàng về quy định mới. Tài xế sẽ được nhận tin nhắn hướng dẫn trả khách, tuân thủ hướng dẫn của nhân viên an ninh tại sân bay; khách hàng cũng nhận được tin nhắn hướng dẫn di chuyển lên bãi đỗ xe tầng 3, 4, 5 để đón xe và cập nhật thêm phí sân bay theo quy định mới.

Đại diện Grab thừa nhận việc quy hoạch lại luồng xe ra vào sân bay của các cơ quan chức năng nhằm tạo sự trật tự trong đón, trả khách tại sân bay những ngày qua là cần thiết. Do đó, hãng đã chủ động truyền thông đến đối tác tài xế, khách hàng về việc tuân thủ quy định mới này. "Tuy nhiên, quá trình triển khai thực tế còn bất cập, nhiều điểm chưa hợp lý ảnh hưởng đến hành khách và tài xế. Chúng tôi đang nỗ lực phối hợp cùng cơ quan chức năng hữu quan để giải quyết ổn thỏa tình trạng này trên tinh thần tuân thủ quy định mới" - đại diện Grab nói.

Sẽ đầu tư thêm thang cuốn

Giải thích về phương án phân luồng mới, đại diện Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thông tin tại làn D đang có 4 hãng taxi gồm Vinasun, Mai Linh, Vina, Saigontourist và 6 đơn vị kinh doanh vận tải (SASCO, SATSCO, Sóng Việt, ACV Unico, Avigo, Công đoàn Cảng vụ Hàng không Miền Nam) đã ký hợp đồng nhượng quyền khai thác với cảng hoạt động đón khách. Công ty CP Be Group (đơn vị sở hữu ứng dụng gọi xe Be) cũng đang xúc tiến, hoàn tất các thủ tục liên quan để ký hợp đồng nhượng quyền khai thác với sân bay.

Còn về khoản phí 25.000 đồng thu của taxi công nghệ, ông Lưu Việt Hùng, Chánh Văn phòng Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cho biết khoản này đã bao gồm phí đậu xe trong 90 phút và miễn phí tiền ra vào sân bay.

Để tiếp tục hỗ trợ người dân và tài xế nắm rõ thông tin thay đổi theo phương án phân luồng mới, sân bay đang cho lắp đặt các biển thông báo, bố trí Đoàn Thanh niên hướng dẫn từ trong nhà ga đến nhà xe, tăng cường 100% lực lượng an ninh điều phối và thông tin đến người dân. Trong thời gian tới, nhà xe TCP sẽ điều chỉnh, bổ sung hệ thống thang máy và thang cuốn nhằm hỗ trợ tốt nhất việc di chuyển lên xuống các tầng của hành khách. Sân bay cũng khuyến khích hành khách không có hành lý nên đi thang bộ nhằm giảm tải trong giai đoạn này.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM, cho rằng sau khi nhận phản ánh của người dân và cơ quan báo chí, sở đã có văn bản đề nghị sân bay Tân Sơn Nhất báo cáo tình hình thực hiện, sau đó sẽ đánh giá, xem xét và có các yêu cầu cụ thể. Theo phân cấp, các tuyến đường nội bộ trong sân bay do Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất quản lý nhưng trước khi thực hiện, 2 bên phải trao đổi để có giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông tốt nhất.

Sau 3 ngày ra quân xử phạt các hành vi vi phạm sau khi điều chỉnh phân luồng, Đội Thanh tra giao thông số 8 Sở Giao thông Vận tải đã lập biên bản vi phạm 10 trường hợp với số tiền phạt 67,5 triệu đồng, chủ yếu là các hành vi vi phạm: điều khiển xe hợp đồng nhưng không có danh sách khách theo hợp đồng, điều khiển xe không có phù hiệu, không niêm yết tên của đơn vị kinh doanh vận tải...

Tốn 5-7 tỉ đồng/năm để được đón khách

Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM, cho hay không phải hiển nhiên các hãng taxi truyền thống được vào đậu và đón, trả khách tại sân bay. Các hãng phải qua đấu thầu, tùy số lượng xe và vị trí đậu mà trả mức giá khác nhau. Ví dụ, Vinasun mỗi năm phải trả tiền cho gói thầu từ 5 - 7 tỉ đồng để 400 - 500 xe hoạt động tại sân bay Tân Sơn Nhất. Các hãng taxi truyền thống đăng ký kinh doanh đàng hoàng, đóng thuế cho nhà nước nhưng một thời gian dài chịu sự cạnh tranh không sòng phẳng với nhiều hãng xe công nghệ, khi họ mang danh nghĩa "xe nhà" ngang nhiên đón, trả khách tại làn A mà không mất khoản phí nào. Do đó để tạo sự công bằng trong kinh doanh, việc phân luồng ở sân bay Tân Sơn Nhất theo Hiệp hội Taxi là hợp lý.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP, các nghị định, thông tư của Bộ Giao thông Vận tải quy định rất rõ rằng hãng xe công nghệ bản chất là xe hợp đồng, không phải vận tải hành khách công cộng nên về quy tắc thì không được đón/ trả khách lẻ, đón khách như taxi. Hành khách phải hiểu các quy định của pháp luật để lựa chọn phương tiện cho phù hợp. "Còn với taxi truyền thống, hiện các hãng phạt rất nặng những tài xế chê chuyến gần, nếu tài xế nào có hành vi vòi vĩnh, kén khách..., hành khách hãy gọi về tổng đài, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm" - ông Hỷ nói.

T.Hồng

Xem thêm: mth.40243611271110202-yad-oav-uad-es-yagn-iav-meht-ohc-tahn-nos-nat-yab-nas-gnoul-nahp/et-hnik/nv.moc.dln

Comments:0 | Tags:No Tag

“Phân luồng sân bay Tân Sơn Nhất: Chờ thêm vài ngày sẽ "đâu vào đấy"”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools