Theo tìm hiểu 3 cây phi lao được ngã giá tiền tỷ nhưng chủ nhân vẫn chưa ưng ý chuyển nhượng thuộc sở hữu của nghệ nhân Đỗ Văn Hài (Gia Lâm, Hà Nội). Ông thường được những người trong giới chơi cây cảnh gọi với cái tên “ông vua phi lao” miền Bắc bởi ông sở nhiều cây phi lao thuộc loại quý hiếm bậc nhất.
Chia sẻ trên báo Dân Trí về cơ duyên có được những cây phi lao quý, ông Hài cho biết, cách đây gần 20 năm, một dự án ở miền Trung cần giải phóng mặt bằng có ý định chặt hạ hàng chục cây phi lao gần 100 năm tuổi nên ông đã vào tận nơi để "giải cứu" những cây này.
Được biết vào thời điểm mua những cây phi lao này về chăm sóc tạo dáng thế bonsai, nhiều bạn bè người thân can ngăn ông không nên quá mạo hiểm bỏ ra cả đống tiền để mua củi về thành phố trồng. Nhưng với lòng đam mê và tin ở tay nghề của mình, ông quyết định mang những cây phi lao già cỗi đó về nhà chăm sóc tạo tác thành những tác phẩm bonsai nghệ thuật có giá trị cao như hiện giờ.
Bằng tình yêu và lòng đam mê với cây cảnh, sau gần 20 năm kiên trì tạo tác, hiện trong vườn nhà ông Hài có hàng chục cây phi lao rất đẹp mắt. Mỗi cây một dáng thế rất độc đáo, thu hút nhiều đại gia và những người yêu thích dòng cây này đến hỏi mua.
Những cây phi lao chủ nhân tâm đắc nhất chọn để cạnh nhau tạo nên tam đa gồm một cây trực ở giữa và hai cây dáng xiêu hai bên rất đẹp mắt khiến nhiều vị khách, giới chơi cây thích thú. Hai cây dáng xiêu để tạo thành một bộ tam đa độc đáo. Bộ cây này có giá 1,5 tỷ đồng nhưng ông Hài vẫn chưa đồng ý bán bởi ông coi cây cảnh như báu vật trong nhà.
Nhìn từ xa, bộ ba cây phi lao dáng trực có quả phúc (ngọn cây) lớn rất đẹp, các tay cành xung quanh bay bổng như một vũ công trên sân khấu. Thân, bệ rễ, tay cành, bông tán…được nghệ nhân làm theo nguyên tắc trong tạo tác cây cảnh của các cụ xưa.
Cành ở dưới to khỏe, càng lên cao cành càng nhỏ dần. Cây nhiều tay cành, bông tán nhưng các bông tán so le nhau để hấp thụ ánh sáng. Đặc biệt lớp vỏ bên ngoài dần bao bọc lấy những lớp lũa bên trong trước sự tác động của thiên nhiên.
Cây phi lao sinh trưởng quanh năm, nhưng vào mùa mưa, cây sinh trưởng tốt nhất. Ngày nay, ngoài làm bóng mát và làm rừng phòng hộ, phi lao còn được trồng làm cây cảnh nghệ thuật (bonsai) rất được ưa chuộng.
Cây Phi Lao có rất nhiều tác dụng, cây lấy gỗ, cây chắn gió, cây làm thuốc,.. và còn được dùng làm cây cảnh bonsai rất đẹp, cây có vẻ đẹp và trị giá không thua kém các loài cây nổi tiếng khác.
Thông thường lá phi lao có màu xanh đậm, tuy nhiên cũng có thể ngả sang màu đỏ khi vào mùa thu. Có trường hợp đột biến khác thường lá còn chuyển thành màu trắng. Mùa xuân cũng là mùa khoe sắc của lá và hoa phi lao, hoa đực được phát triển từ ngọn của lá cây. Khi hoa nở rộ trông xa lá cây như chuyển thành màu vàng úa.
Cây phi lao dù không phải “gốc” sinh ra ở đất nước ta, nhưng đóng một vai trò không nhỏ trong việc cải thiện môi trường, đem lại cảnh quan đẹp và mang lại nhiều lợi ích nên được nhiều người trồng.
Trúc Chi (t/h)