Trong báo cáo thường niên công bố hôm qua (17/11), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết các chính phủ và ngân hàng trung ương đã cam kết tung ra 19.500 tỷ USD kể từ khi Covid-19 xuất hiện để "ngăn kinh tế toàn cầu giảm sâu". Tính đến hết tháng 9, các chính phủ đã công bố các gói kích thích trị giá gần 12.000 tỷ USD. Con số này của các ngân hàng trung ương ít nhất là 7.500 tỷ USD, nhằm xoa dịu tác động của cuộc khủng hoảng lên nền kinh tế.
Tuy nhiên, bất chấp quy mô và tốc độ chưa từng có tiền lệ của cuộc giải cứu, với các chính sách giảm thuế, hỗ trợ trả lương, cho vay doanh nghiệp nhỏ và hạ lãi suất xuống thấp kỷ lục, kinh tế toàn cầu vẫn đang trải qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái thập niên 30. Hoạt động kinh tế và tuyển dụng tại phần lớn các khu vực trên thế giới, kể cả Mỹ và châu Âu, vẫn thấp hơn nhiều so với mức tiền đại dịch.
Dù các vaccine tiềm năng có thể cải thiện triển vọng kinh tế toàn cầu năm tới, nó không giúp ích nhiều cho các quốc gia trong ngắn hạn. Rào cản khi tiếp cận hỗ trợ tài chính có thể đe dọa đà phục hồi vốn đã rất mong manh.
"Các nước đang đối mặt với đường lên dốc rất dài, khó khăn, không đồng đều, bất ổn và dễ bị kéo tụt", Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhận định.
Tại Mỹ, nơi số ca nhiễm mới Covid-19 đang bùng nổ, việc Tổng thống Donald Trump từ chối thừa nhận thất bại trước Joe Biden có thể làm chậm quá trình tung gói kích thích mới. Nền kinh tế này hiện vẫn thiếu 10 triệu việc làm so với tiền đại dịch. Một số bang còn phải tái áp đặt lệnh hạn chế để ngăn đại dịch lây lan. Việc này sẽ càng gây sức ép lên đà hồi phục.
Liên minh châu Âu cũng đang đối mặt với mâu thuẫn nội bộ có thể trì hoãn việc thông qua quỹ cứu trợ trị giá 800 tỷ euro (950 tỷ USD). Gói này đã mất nhiều tháng đàm phán và dự kiến tung ra đầu năm sau.
Hôm 16/11, việc Hungary và Ba Lan gây cản trở khiến giới quan sát lo ngại liệu tiền hỗ trợ cần thiết có thể đến các quốc gia chịu tác động mạnh nhất, như Italy, Tây Ban Nha và Hy Lạp hay không. Lãnh đạo EU dự kiến thảo luận vấn đề này ngày mai.
Các nhà kinh tế học cho biết nếu rút lại kích thích quá sớm, các chính phủ sẽ khiến đà hồi phục yếu đi. Dù các ngân hàng trung ương được kỳ vọng tung thêm kích thích tiền tệ, họ lại không có kênh hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình.
Neal Shearing - kinh tế trưởng tại Capital Economics cho biết rút lại hỗ trợ tài khóa sớm "là rủi ro lớn nhất" của các nền kinh tế trong ngắn hạn, do nhu cầu yếu sẽ còn kéo dài, trong khi điều này chỉ được giải quyết bằng chính sách kích thích quy mô lớn.
Hà Thu (theo CNN)