Hiện tại dư nợ lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chiếm 25% tổng dư nợ cả nước. Tốc độ tăng trưởng tín dụng cho nông nghiệp bình quân trong 5 năm qua là 19,8%. Đây là tỉ lệ tăng trưởng tín dụng cao nhất trong tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế. Điều này thể hiện rõ sự quan tâm của ngành Ngân hàng trong lĩnh vực cho vay nông nghiệp, nông thôn.
Ngân hàng đồng hành cùng nông nghiệp nông thôn
Xuất phát điểm từ một đất nước hơn 80% dân số sống bằng nghề nông và đến nay khoảng 60% người dân sống ở vùng nông thôn; ngành nông nghiệp luôn được xem là trụ đỡ cho nền kinh tế Việt Nam, kể cả trong những giai đoạn khó khăn nhất. Theo đó, nhiều cơ chế, chính sách, chương trình dành cho lĩnh vực tam nông và nông nghiệp công nghệ cao đã được Đảng và Nhà nước ban hành, ưu tiên triển khai thực hiện hơn 10 năm qua.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết “Mục tiêu phát triển nông nghiệp và nông thôn được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm. Đối với ngành Ngân hàng, trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước dành sự quan tâm lớn cho tín dụng nông nghiệp phát triển nông thôn. NHNN đã ban hành nhiều Nghị định, văn bản tạo điều kiện cho tín dụng nông thôn như Nghị định 14, nghị định 52, nghị định 116 dành toàn bộ ưu tiên, ưu đãi cho nông nghiệp nông thôn, tạo điều kiện cơ chế pháp lý cho các tổ chức tín dụng tập trung đầu tư vốn, cơ chế thuận lợi về thủ tục, điều kiện, lãi suất.
Dư nợ lĩnh vực nông nghiệp nông thôn khoảng 2,16 triệu tỉ, chiếm 25% tổng dư nợ cả nước. Tốc độ tăng trưởng tín dụng cho nông nghiệp bình quân trong 5 năm qua là 19,8%. Đây là tỉ lệ tăng trưởng tín dụng cao nhất trong tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế. Đây là sự quan tâm và trách nhiệm vì mục tiêu phát triển nông nghiệp nông thôn”.
Nhiều chính sách riêng biệt cho nông nghiệp như chính sách tín dụng nông nghiệp công nghệ cao, thực hiện mô hình liên kết chuỗi giá trị sản phẩm, chính sách tín dụng cho nuôi trồng đánh bắt thuỷ, hải sản, trồng lúa, nhiều chính sách riêng biệt cho Đồng bằng sông Cửu Long, xuất khẩu, chế biến...
Trao đổi với Báo Lao Động, ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) - cho biết: Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, bão lũ, dịch tả lợn Châu Phi… song tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn có tăng trưởng khá, đến cuối tháng 10.2020 ước đạt trên 2,17 triệu tỉ đồng, tăng 6,5% so với cuối năm 2019, chiếm gần 25% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế. Trong đó, dư nợ cho vay sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết đạt khoảng 5,5 nghìn tỉ đồng với hơn 25.000 khách hàng còn dư nợ, cho vay ngắn hạn chiếm trên 77% tổng dư nợ cho vay liên kết. Dư nợ cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đạt khoảng 27.000 tỉ đồng với hơn 13.400 khách hàng còn dư nợ, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (trên 90%), chủ yếu là cho vay trung, dài hạn.
Khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao
TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia - cho biết: “Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu, đã và đang tạo ra động lực mới cho nền nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu, cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế sâu rộng, nhất là tháng 8 vừa qua, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp nước nhà. Nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành; việc cung ứng vốn và công nghệ cho lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn - nông dân (“Tam nông”) đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực, đáng ghi nhận”.
Bên cạnh chính sách tín dụng chung đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, ngành Ngân hàng còn triển khai một số chương trình tín dụng đặc thù nhằm khuyến khích phát triển ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong nông nghiệp như: Chương trình khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, NHNN đã chỉ đạo các TCTD dành ít nhất 100.000 tỉ đồng để cho vay với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 0,5% đến 1,5%/năm đối với các tổ chức, cá nhân đáp ứng tiêu chí nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo quy định của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn.
Ngoài ra chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 14.11.2013 của Thủ tướng Chính phủ, tạo điều kiện để hộ dân, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư máy móc thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Từ đầu năm 2020 tới nay NHNN đã 3 lần giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiện nay tối đa là 4,5%/năm - thấp hơn nhiều so với các lĩnh vực khác và là mức thấp nhất từ trước tới nay.
Báo Lao Động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức chương trình Hội thảo “Hiệp định EVFTA - Vai trò của ngân hàng trong hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu vào thị trường EU”. Hội thảo sẽ được phát trực tuyến trên laodong.vn từ 8h ngày 20.11.2020. Hương Nguyễn
Xem thêm: odl.282558-cuv-hnil-cac-gnort-tahn-oac-peihgn-gnon-ohc-gnud-nit-gnourt-gnat/et-hnik/nv.gnodoal