Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn tặng hoa chúc mừng Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ và ngành giáo dục nhân ngày 20-11 - Ảnh: DƯƠNG TRIỀU
Chiều nay 18-11 tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT, Trung ương Đoàn ký kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2020 - 2025.
Xây dựng nội dung phù hợp, hình thành nhân cách từ nhỏ
Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đánh giá trong 5 năm qua, Bộ GD-ĐT, Trung ương Đoàn đã đạt được nhiều kết quả trong phối hợp, tháo gỡ nhiều việc khó với chung đối tượng học sinh, sinh viên, thanh niên.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại những bất cập, trong đó trách nhiệm đầu tiên của bộ, như sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội đôi lúc chưa nhịp nhàng; còn xảy ra bạo lực học đường…
Giai đoạn tới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mong muốn Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ GD-ĐT, từ trung ương đến địa phương chú trọng một số việc:
Trước hết, cùng nhau xây dựng nội dung thiết thực, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống, hình thành nhân cách ngay từ nhỏ.
"Khi các em từ nhỏ được giáo dưỡng trong môi trường trong lành với định hướng phù hợp lứa tuổi, tôi tin rằng sau này các em lớn lên sẽ có ý thức tốt", bộ trưởng nói.
Cùng với đó, tăng cường kỹ năng sống, kỹ năng xử lý tình huống; tạo môi trường để học sinh, sinh viên được rèn luyện trong môi trường có các kỹ năng tốt, tránh trường hợp "gà công nghiệp, học sách vở".
Đồng thời, tạo môi trường giáo dục có nhiều tấm gương tốt; nhân rộng tính truyền cảm hứng, đừng để tiêu cực, cá biệt bao trùm, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, tạo môi trường an toàn về mặt truyền thông; tiên phong trong đẩy mạnh chuyển đổi số trong toàn ngành.
Định hướng, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở
Giai đoạn 2020 - 2025, Bộ GD-ĐT, Trung ương Đoàn tiếp tục triển khai chương trình phối hợp, tập trung vào 6 nội dung.
Bộ GD-ĐT, Trung ương Đoàn ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2020 - 2025 - Ảnh: DƯƠNG TRIỀU
Trước hết, phối hợp triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật; tạo môi trường học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chủ trương, chính sách về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Thứ hai, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật, ý thức công dân; chú trọng nề nếp, kỷ cương, bảo đảm an toàn trong nhà trường.
Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học; định hướng nghề nghiệp và phân luồng cho học sinh sau trung học cơ sở; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên.
Thứ tư, hỗ trợ, phát triển kỹ năng, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần; tổ chức các hoạt động tình nguyện cho học sinh, sinh viên.
Thứ năm, nâng cao năng lực ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin và hội nhập quốc tế cho học sinh, sinh viên; tập hợp du học sinh và thanh niên Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ sáu, đảm bảo cơ chế hoạt động, chế độ, chính sách cho học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên trẻ tham gia công tác Đoàn, Hội, Đội.
TTO - 75 học sinh “chưa ngoan” ở địa bàn Q.Sơn Trà (TP Đà Nẵng) vừa trải qua một khóa học đặc biệt. Đó là hoạt động giáo dục đạo đức thông qua việc tham quan, giao lưu tại Trường Giáo dưỡng số 3 và Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng.