Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã chính thức được ký kết giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và 5 đối tác gồm: Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand theo hình thức trực tuyến. Sân chơi mới này tạo ra nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra cho doanh nghiệp Việt Nam không ít thách thức.
Thị trường tiềm năng
Với việc được ký kết chính thức, Hiệp định RCEP sẽ hình thành khu vực kinh tế lớn nhất từ trước đến nay. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Hiệp định RCEP, khi được 15 thành viên thực thi, sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỉ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP khoảng 27 nghìn tỉ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.
Là một trong những doanh nghiệp (DN) đã xuất khẩu (XK) tôm và một số nông sản vào thị trường Châu Âu (EU), ông Trương Hữu Thông - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thông Thuận nhấn mạnh: Cùng với thị trường Mỹ, EU, thì phạm vi thương mại của RCEP tương đối lớn và tiềm năng, tạo thêm sân chơi cho các DN, đặc biệt là DN chưa có cơ hội để vào được các thị trường lớn hoặc chưa có thị trường mới. Đây cũng là vùng khai thác mới cho các DN muốn mở rộng quy mô giao thương.
Các DN chuyên XK hàng hóa, nông sản sang Mỹ, EU cũng tỏ ra khá tự tin, cho rằng ngoài Nhật Bản, Australia, New Zealand tương đối khắt khe trong hàng rào kỹ thuật, thì đây là thị trường thương mại với phần lớn người tiêu dùng không quá khó tính và có thói quen mua sắm khá tương đồng trong khu vực. Nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng trong khu vực FTA này cũng tạo cơ hội cho Việt Nam bởi các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh tương đối cao, đặc biệt là nông sản nhiệt đới, thực phẩm chế biến.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Vina T&T Group, một tập đoàn đã có tên tuổi trong XK hàng hóa, nông sản vào các thị trường cao cấp như Mỹ, EU - cũng bày tỏ kỳ vọng: RCEP sẽ giúp giảm hoặc loại bỏ thuế quan đối với hàng hóa công nghiệp và nông nghiệp, đồng thời đặt ra các quy tắc về truyền dữ liệu. Hiệp định này sẽ thúc đẩy XK của các DN ở các nước thành viên, đặc biệt những nước có quan hệ thương mại lớn và là những đối tác thương mại lớn của nhau.
“Vina T&T đã có kinh nghiệm XK thanh long, dừa, xoài tới Hàn Quốc và XK vải tới thị trường Nhật. Tuy nhiên trước khi hiệp định được ký kết, các loại trái cây được các thị trường này chấp thuận còn khá hạn chế. Việc thiếu đa dạng trong loại trái cây khiến DN chưa khai thác hết được tiềm năng XK. Chúng tôi hy vọng RCEP sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc đàm phán mở rộng đa dạng các loại trái cây và hàng nông sản tới các thị trường này” - ông Nguyễn Đình Tùng chia sẻ.
Thách thức, nhưng không đáng sợ
Theo Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP.Hà Nội) - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, thách thức của RCEP là không hướng vào vấn đề cắt giảm thuế quan đơn thuần, mà hướng vào vào giải quyết các yếu tố, thủ tục trong xuất khẩu hàng hóa. Nếu chúng ta không cẩn trọng thì các nước đang nằm trong RCEP, cùng hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm tương đồng với các sản phẩm của Việt Nam sẽ có sự cạnh tranh trực tiếp. Các sản phẩm của ta và các nước trong EVFTA không có sự cạnh tranh trực tiếp mà còn mang tính chất bổ sung, còn với RCEP là có sự cạnh tranh trực tiếp, thậm chí sản phẩm của các nước có thể tràn vào cạnh tranh ngay ở thị trường trong nước.
Nhiều doanh nghiệp XK cũng khá “tâm tư” trước những thách thức mà RCEP đặt ra. Trao đổi với PV Lao Động, ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Công ty Trung An) trăn trở: RCEP là Hiệp định thương mại rất rộng và mở, nhưng có nhiều quốc gia có cùng hoàn cảnh tương đồng với Việt Nam nên sự cạnh tranh gay gắt hơn EVFTA hay CPTPP là điều chắc chắn, bởi vì Việt Nam XK sang họ, họ cũng XK sang Việt Nam; Việt Nam được hưởng lợi thì họ cũng được hưởng lợi. Có điều nhiều ngành nghề của Việt Nam “đụng” với nhiều ngành nghề cùng chủng loại của họ, trong khi trình độ kỹ thuật, chất lượng, mẫu mà, thương hiệu của họ có bề dày hơn Việt Nam. Có nhiều ngành nghề, hàng hóa trùng với với ngành nghề hàng hóa của Việt Nam, như: Rau, củ, quả; thịt, trứng, thủy sản; đồ dùng gia dụng, trang trí nội thất; sắt thép; đồ điện gia dụng; đồ điện tử… Trong đó có cả gạo.
“Các mặt hàng hóa trùng lắp nêu trên của đa số các quốc gia trong khu vực hơn hẳn Việt Nam về nhiều mặt: Quy mô; chất lượng, nhãn hiệu, mẫu mã, tính ổn định, thương hiệu, thị trường. Đặc biệt, văn hóa thương mại của các DN trong nước cũng hơn chúng ta một bậc” - ông Phạm Thái Bình nêu ý kiến.
Tuy nhiên, nêu rõ hàng loạt thách thức, nhưng bà Nguyễn Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO - VCCI, lại tỏ ra lạc quan: Mặc dù vậy, có một vài lý do khiến chúng ta không đến nỗi lo lắng quá mức. “Đối với nguồn ASEAN, hàng hóa nhập khẩu vào ta từ ASEAN đã được hưởng thuế suất 0% với gần như toàn bộ biểu thuế từ 2018 rồi. Mức độ phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ nước ngoài (đặc biệt là từ Trung Quốc) của các nước ASEAN lại không nặng nề như Việt Nam. Do đó RCEP hầu như không làm thay đổi lợi thế của họ trong tận dụng ưu đãi thuế quan RCEP so với các FTA đã có để vào thị trường Việt Nam. Nếu có nguy cơ nào đó từ ASEAN đối với thị trường nội địa Việt Nam thì nguy cơ đó đã có thể xảy ra từ 3 năm nay rồi chứ không phải chờ tới RCEP bây giờ. Ngoài ra, RCEP càng không mang lại thêm lợi thế nào cho hàng Trung Quốc ở Việt Nam từ góc độ quy tắc xuất xứ so với ACFTA đang có.
"Tôi nghĩ thách thức lớn nhất của Việt Nam trong RCEP cũng không khác biệt lắm so với các FTA trước đây. Đó là thách thức trong việc làm thế nào để hiện thực hóa cơ hội. Làm thế nào để các DN hiểu được các cơ hội đặc biệt từ RCEP, từ đó tận dụng chúng một cách hiệu quả" - bà Trang khẳng định.
- Cùng với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, điểm khác biệt là RCEP tạo ra khuôn khổ để đơn giản hóa thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ, tạo thuận lợi cho thương mại, tạo không gian kết nối chung sản xuất trong toàn ASEAN. (TS Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ NNPTNT)
- Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải xây dựng quy chế để các DN Việt Nam chấm dứt tình trạng “gà nhà bôi mặt đá nhau”, để những mặt hàng gần như độc quyền, có lợi thế của Việt Nam, nhưng giá bán vẫn luôn thấp nhất trên thế giới chỉ vì các DN trong nước cạnh tranh nhau bán phá giá (bán giá thấp để giành khách hàng). (Ông Phạm Thái Bình - Tổng GĐ CTCP Công nghệ cao Trung An)
- Đề nghị các cơ quan, ban, ngành nhà nước khai thác triệt để hiệu quả của hiệp định, đề nghị các bộ ngành liên quan đàm phán xúc tiến nhiều hơn để DN sớm được tận dụng tiềm năng, nguồn lực sẵn có để chinh phục sâu hơn các thị trường lớn, đồng thời góp phần đưa nông sản Việt Nam ra thế giới. (CEO Vina T&T Group - ông Nguyễn Đình Tùng)
Để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các nhà nhập khẩu, đồng thời nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh nông sản Việt thì nhà vườn và các DN phải phát triển trái cây bền vững, các hoạt động trồng trọt, chế biến, bảo quản, thu hoạch cũng phải bảo đảm tuân thủ các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm đạt chuẩn để XK. Chúng ta cũng không "ngại" bị cạnh tranh bởi hàng hóa của Trung Quốc, bởi nhiều mặt hàng Trung Quốc cũng phải NK từ Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông sản. Nông sản, trái cây nhiệt đới, hàng hóa chế biến là lợi thế của Việt Nam và chúng ta cần phát huy thế mạnh này. (Vũ Tuấn Anh - Tổng GĐ - CTCP Tập đoàn giấy in nhiệt Athena Việt Nam)
Xem thêm: odl.045558-cuhp-hnihc-eht-oc-gnuhn-cuht-hcaht-ueihn-iom-gnourt-iht-pecr-iht-cuht/et-hnik/nv.gnodoal